Đại biểu Quốc hội hiến kế “trám” lỗ hổng trong chi tiêu ngân sách

Thứ Tư, 29/10/2014, 22:41
Trong phiên thảo luận tổ chiều 29/10, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) (NSNN). Quyết định thu chi ngân sách là nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội, cùng với việc kỷ cương ngân sách, cơ cấu thu chi hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập, các đại biểu đều rất quan tâm với dự thảo luật này.

Đặc biệt việc giải quyết nhiều nghịch lý như 70% ngân sách dùng cho chi thường xuyên nhưng lương vẫn thấp, không đủ nguồn chi cho đầu tư phát triển và không đủ nguồn để thực hiện nghĩa vụ với các khoản nợ.

Mở đầu buổi thảo luận về dự án luật này, đại biểu Trần Du Lịch đã cho rằng, tuy chưa nghiên cứu nhiều nước, nhưng ông “không thấy ở đâu xài tiền tùy tiện như nước ta”, trong khi dự thảo luật mới được đánh giá là “đổi mới không đáng kể so với luật đang có”. Vẫn còn tồn tại cơ chế trung ương, địa phương lồng ghép. Địa phương nào muốn năm sau được chi nhiều thì “chạy chỉ tiêu” cho hết phần chi trước đó mà không cần tính tới thu được bao nhiêu. Do đó, phải định nghĩa lại ngân sách địa phương.

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cũng chung một quan điểm, cho rằng để làm cho nền tài chính quốc gia sôi động hơn, xây dựng phát triển nền tài chính, ngân sách có hiệu quả hơn, thì không nên để Chính phủ, các Bộ trưởng lo hết cho các địa phương theo một công thức như nhau, mà cần phát huy trách nhiệm của chính quyền địa phương. “Chúng ta nói về tái cơ cấu đầu tư công để chống đầu tư dàn trải. Nhưng khi nào còn việc ngân sách do các Bộ quản lý và phân chia thì lúc đó vẫn còn câu chuyện xin – cho. Chắc chắn là thế, vì tiền thì ít mà nhu cầu thì nhiều, tức khắc đẻ ra chuyện ấy. Còn xin cho thì còn bất công, còn tiêu cực”.

Cũng liên quan đến vấn đề tiêu xài tùy tiện, đại biểu Lê Nam nêu thực trạng  qua công tác giám sát cho thấy “tiền chi để thực hiện chính sách XH của chúng ta quá nhiều khoản, dựa theo quyết định chủ quan, nhất thời của một số người, chi ra rất nhiều nhưng chẳng có tác dụng trong thực tế. Mà nói rất nhiều nhưng không ai sửa. Điển hình là tiền giữ đất lúa, mỗi sào có 15.000 đồng, trừ tiền giấy mực, tiền đi lấy, tiền chảy về người được hưởng chẳng đáng bao nhiêu, chẳng còn ý nghĩa gì cả. Mà chúng ta cứ đẻ ra những chính sách đến nỗi làm cán bộ bây giờ khó nhất là nhớ chính sách”.

Đại biểu Nam cũng nêu băn khoăn lớn về về quản lý ngân sách, mà hiện nay mới chủ yếu quản lý về thủ tục. “Đến chu kỳ thì ai cũng làm cho đủ hồ sơ để thanh quyết toán, hồ sơ thì ngon, nhưng chi không đúng, mà đây là phổ biến. Xây cái trường, được duyệt là xây, mà xây xong bỏ trống, chẳng ai dùng. Ôtô công, suốt ngày kêu khó. Lằng nhằng do chính nền tài chính của chúng ta tạo ra. Tất cả chúng ta đều là nạn nhân của việc tiếp khách, ai cũng khổ mà không trốn được. Ai cũng ngại nói, mà chắc trong lòng ai cũng muốn khắc phục nó. Nó tế nhị nhưng thực trạng nó là thế”, đại biểu Lê Nam thẳng thắn.

Nhấn mạnh trong tất cả những nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội thì quyết định thu chi NS là quan trọng nhất, trong khi đang được làm rất hình thức, đại biểu Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) cho rằng luật mới phải giải quyết được điều này. “Rất nhiều vấn đề Hiến pháp cho phép, luật pháp cho phép nhưng thực tiễn quản lý chưa tốt, hay thậm chí ngay cả luật pháp cũng chưa chặt chẽ, nên hiện nay cơ cấu chi NS bất ổn. Chi hơn 70% cho chi thường xuyên, nhưng lương vẫn thấp, không đủ chi cho đầu tư và không đủ tiền để thực thi nghĩa vụ với các khoản vay, phải phát hành thêm trái phiếu… Đây là các vấn đề đặt ra mà luật mới phải quan tâm”

Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh): Cần có chính sách phát triển hàng không giá rẻ

Tại phiên thảo luận cuối cùng trước khi thông qua Luật Hàng không dân dụng, đại biểu Trần Du Lịch đặt vấn đề nên dùng cảng cũ, sân bay cũ cho hàng không giá rẻ để giảm chi phí mặt đất. "Tôi đã đến sân bay quốc tế giá rẻ, nó chỉ là cái nhà tôn, vì giá cực kỳ rẻ”. Đại biểu Lịch cũng nêu kiến nghị, về quản lý khai thác tuyến bay phải hợp lý, bay chặng ngắn thường bị lỗ, thì phải để các hãng bay kèm chặng ngắn, chặng dài để cân bằng, dựa vào đó mà giảm chi phí các chặng bay ngắn, thay vì như hiện nay, các chặng bay ngắn giá rất cao. “Anh được đường bay tốt, đường bay dài thì phải bay kèm cái ngắn, tự bù chi phí. Không ai như Việt Nam, ông chuyên dài, ông chuyên ngắn, thành ra bay ngắn thì lấy giá cao. Tôi đề nghị Bộ GTVT có quan điểm rõ như thế nào là hàng không giá rẻ và vấn đề đường bay ngắn để tránh tình trạng người dân kêu ca nhiều”.

Vũ Hân – Kim Quý
.
.
.