Đại biểu Quốc hội ghi nhận nỗ lực của lực lượng Công an giữ bình yên cuộc sống

Chủ Nhật, 03/11/2013, 10:06
Phải nói rằng lực lượng Công an đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chúng ta có một hệ thống lực lượng nắm bắt từ cơ sở, từ đó ngăn chặn, đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật. Địa bàn nào lực lượng Công an nắm bắt được tình hình, nắm bắt được tâm lý của tội phạm nói chung cũng như những hành vi vi phạm pháp luật khác thì địa bàn đó đảm bảo được ANTT.

Đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc): Lực lượng Công an đã nắm bắt tốt từ cơ sở

Đại biểu Trần Hồng Hà.

Mặt trái của kinh tế thị trường là tội phạm gia tăng, tranh chấp phát sinh, tình hình an ninh trật tự cũng nhiều nơi bị ảnh hưởng, môi trường không được đảm bảo...

Trong bối cảnh đó, để giữ gìn được an ninh trật tự, kiềm chế tội phạm gia tăng là một sự cố gắng rất lớn của toàn hệ thống, trong đó có sự cố gắng rất lớn của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Nó cho thấy hiệu quả của các cơ quan này trong việc giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo an toàn xã hội, tạo ra những điều kiện rất thuận lợi để phát triển KT – XH nói chung.

Tôi nghĩ ở địa phương nào cũng thế, khi an ninh trật tự được đảm bảo thì KT – XH phát triển rất tốt. Trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến công tác này, có sự lãnh đạo, chỉ đạo rất kịp thời, sự phối hợp trong công việc giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật, đặc biệt là các cơ quan tố tụng rất tốt. Một kinh nghiệm cho thấy địa phương nào có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan này thì tình hình ANTT được đảm bảo tốt.

Phải nói rằng lực lượng Công an đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chúng ta có một hệ thống lực lượng nắm bắt từ cơ sở, từ đó ngăn chặn, đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật. Địa bàn nào lực lượng Công an nắm bắt được tình hình, nắm bắt được tâm lý của tội phạm nói chung cũng như những hành vi vi phạm pháp luật khác thì địa bàn đó đảm bảo được ANTT.

Một bộ phận không nhỏ lớp trẻ hiện nay có hành vi bất chấp pháp luật, đạo lý. Phải mạnh dạn đấu tranh quyết liệt, rất quan trọng là đề cao công tác tuyên truyền, đặc biệt là đối với lớp trẻ. Cần thiết phải đưa hệ thống giáo dục công dân, giáo dục pháp luật vào các cơ sở đào tạo, hay là công tác tuyên truyền việc chấp hành pháp luật, từ đó nâng cao ý thức pháp luật, như thế tội phạm sẽ giảm.

Quan trọng nhất là phòng chống, chứ sự việc xảy ra rồi ta mới đưa ra cân đong nặng nhẹ thì không phù hợp. Tôi cho rằng cần chú trọng giáo dục hơn là trừng phạt.

Đại biểu Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội): Cần giải quyết nguyên nhân làm phát sinh tội phạm

Đại biểu Đỗ Kim Tuyến.

Tình hình đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay cũng còn những hạn chế, có những nguyên nhân khách quan, có nguyên nhân chủ quan. Nguyên nhân chủ quan là những thứ quan trọng mà chúng ta phải khắc phục để làm tốt hơn. Tôi cũng đề nghị chúng ta tiếp tục quan tâm để giải quyết các nguyên nhân sâu xa làm phát sinh tội phạm, đó là các vấn đề xã hội, nhất là vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống.

Qua phân tích một số loại tội phạm như: giết người, cố ý gây thương tích... thì chủ yếu là do mâu thuẫn xã hội. Xâm phạm nhân thân, nhất là các tội hiếp dâm, cưỡng dâm mấy năm gần đây tương đối cao, phản ánh sự xuống cấp về đạo đức xã hội. Cần tiếp tục quan tâm bịt kín các sơ hở trong quản lý nhà nước, xây dựng các cơ chế về thanh tra, kiểm tra, quản lý chặt chẽ hơn. Chúng ta có cơ chế rồi, nhưng vẫn có kẽ hở.

Cần tiếp tục tiến hành các giải pháp để mọi công dân nhận thức tốt hơn về pháp luật. Năm nay chúng ta có khoảng 7 triệu vi phạm hành chính bị xử lý, trong đó 6,4 triệu vi phạm về lĩnh vực giao thông. Chắc vẫn còn những vi phạm nữa mà chúng ta chưa tính được, như vậy mỗi năm hàng chục triệu vi phạm.

Về phòng chống tội phạm, mỗi năm khởi tố điều tra 150 – 160 nghìn người phạm tội, rồi các tệ nạn xã hội nữa. Những con số này nói lên ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế.

Đại biểu Lê Đông Phong (TP Hồ Chí Minh): Cần quan tâm cái gốc phát sinh tội phạm, chứ không chỉ giải quyết phần ngọn

Đại biểu Lề Đông Phong.

Về phòng ngừa tội phạm, chúng ta đã nêu tên được các nguyên nhân, nhưng vẫn cần mổ xẻ. Trong báo cáo về KT-XH, mặt tồn tại chưa được chỉ ra cho rõ, cả về công việc cụ thể lẫn trách nhiệm thực hiện, dẫn đến phát sinh tội phạm.

Ví dụ ngành tài chính ngân hàng rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều vấn đề, đến khi bộc phát ra mới tập trung nói về nó; nhưng ngay trong quá trình quản lý thường xuyên giám sát ra sao, kiểm tra thế nào chưa được đề cập sâu. Phòng ngừa chính là đây. Cần phải làm từ khâu hoạch định chính sách, xây dựng thể chế và tổ chức thực hiện. Như vụ Nguyễn Đức Kiên, khi phát hiện ra mới thấy đủ vấn đề. Hay các vụ án lớn ở tập đoàn, tổng công ty, đến khi phải giải quyết hậu quả mới tập trung nói về nó.

Tại sao trong quá trình quản lý thường xuyên không thấy được trách nhiệm, biện pháp quản lý để ngăn ngừa? Ta quan tâm hạn chế thấp nhất những nguồn gốc, nguyên nhân xảy ra tội phạm, chứ không phải giải quyết cái ngọn khi xảy ra mới kiểm điểm, quy trách nhiệm.

Xử lý tội phạm là tất yếu, nhưng tốt nhất là ngăn ngừa ngay từ đầu. Vậy biện pháp phòng ngừa của chúng ta đủ liều lượng chưa? Nếu tình trạng này tiếp diễn, sẽ rơi vào tình trạng chưa phát sinh, chưa phát hiện, hay chưa bị lộ thì tưởng êm thấm.

Ta có nhiều đề án về giải quyết tội phạm, nhưng giải pháp cụ thể đề cập chưa sâu. Cần chấn chỉnh từ cơ chế đến quản lý và trách nhiệm của người đứng đầu. Trong phát hiện đấu tranh tội phạm phát sinh thời gian qua, có những người cho đến khi bị phát hiện có nhân thân rất tốt, nhưng khi gặp hoàn cảnh khó khăn mới phát sinh trộm cắp, cướp giật.

Chúng ta không đổ thừa khách quan, nhưng phải tìm giải pháp phòng ngừa trước biến động tình hình. Suy thoái cũng phát sinh tội phạm tương ứng với bối cảnh xã hội. Câu hỏi là làm sao để giải quyết được bức xúc của xã hội, làm sao để ổn định an ninh, kinh tế?

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai): Ngành Công an đã rất nỗ lực

Đại biểu Trương Văn Vở.

Qua báo cáo của Chính phủ về tình hình tội phạm, đáng mừng là tỷ lệ gia tăng có giảm nhưng diễn biến còn phức tạp. Vấn đề đó tôi nghĩ cần phải quan tâm ở ngay địa bàn dân cư, nhất là tới lực lượng thanh thiếu niên. Các đoàn thể, trường học và gia đình nữa, phải giáo dục đạo đức công dân cho tốt bởi hiện nay mâu thuẫn nhỏ mà cũng xảy ra va chạm dẫn đến chết người. Giáo dục đạo đức trong học đường, nhất là tổ chức đoàn thanh niên, các tổ chức đoàn thể chính trị, ngay ở địa bàn dân cư - tôi nhấn mạnh điều đó là rất quan trọng.

Những năm qua, ngành Công an cũng rất tích cực, rất nỗ lực, cố gắng hết sức, nhưng trách nhiệm phòng chống tội phạm là trách nhiệm của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị chứ không riêng gì lực lượng Công an. Lực lượng Công an chỉ là nòng cốt thôi, chứ không thể bằng trăm tay nghìn mắt của quần chúng. Vai trò của mặt trận, đoàn thể, tự quản ở địa bàn dân cư là rất quan trọng, cần quan tâm hơn

Vũ Hân
.
.
.