Đại biểu Quốc hội đề nghị giữ nguyên pháp y thuộc Công an tỉnh

Thứ Sáu, 25/11/2011, 09:31
Đại biểu Nguyễn Văn Minh (Bắc Kạn) đề nghị giữ nguyên cơ quan giám định pháp y trong CAND như hiện nay bởi vì: Pháp y Công an không chỉ giám định nguyên nhân cái chết hay xác định tỷ lệ thương tật mà có vai trò quan trọng trong việc đánh giá quy luật, tiến hành giám định dấu vết để định hướng điều tra, truy tìm thủ phạm...

Tại kỳ họp thứ 2 - Quốc hội khóa XIII, Chính phủ trình dự án Luật Giám định tư pháp. Theo dự thảo luật (do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo) thì hệ thống tổ chức giám định pháp y công lập bao gồm: Viện Pháp y quốc gia, các trung tâm pháp y cấp tỉnh thuộc sở y tế, Viện Pháp y Quân đội thuộc Bộ Quốc phòng, Trung tâm Pháp y thuộc Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an. Như vậy, khác với Pháp lệnh Giám định tư pháp, dự thảo luật bỏ mô hình giám định pháp y thuộc Công an cấp tỉnh.

Tại phiên thảo luận tại hội trường, hầu hết ý kiến đại biểu Quốc hội khẳng định: không thể bỏ mô hình giám định pháp y thuộc Công an địa phương. Trong giai đoạn mới cần tiếp tục củng cố, tăng cường lực lượng giám định pháp y Công an tỉnh, thành phố thuộc Trung ương.

Báo CAND lược đăng một số ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường về dự luật này.

Đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội): Giám định pháp y Công an hội đủ các thế mạnh

Đội Giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự tại Công an 63 tỉnh, thành nằm trong cơ cấu tổ chức của Công an các tỉnh tương tự như pháp y trong Quân đội, hoàn toàn độc lập với cơ quan điều tra. Hiện có 213 giám định viên pháp y và 96 y sĩ, y tá đang làm vai trò trợ lý giám định. Họ đều được đào tạo cơ bản về kiến thức, chuyên sâu về lĩnh vực y học, đồng thời cũng được đào tạo chuyên sâu về công tác điều tra tội phạm, đầy đủ các nội dung, kiến thức về pháp luật hình sự, tố tụng…

Đặc biệt, họ có kỷ luật cao, hết lòng vì nhân dân, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ vào bất kỳ lúc nào, bất kể ngày hay đêm, ngoài giờ, ngày nghỉ đều xuống ngay hiện trường cùng với các lực lượng khác của cơ quan điều tra, thực hiện nhiệm vụ với tinh thần chiến đấu kỷ luật cao, rất khẩn trương. Sự khẩn trương đó là một trong những yếu tố rất quan trọng trong công tác đấu tranh chống tội phạm nhằm xác định nhanh tính chất, nguyên nhân vụ án, kịp thời truy bắt thủ phạm. Đó là yếu tố góp phần quan trọng vào việc điều tra, khám phá nhanh các vụ án.

Trong khi đó, sau 6 năm ngành Y tế mới có 39 trung tâm pháp y, 16 phòng giám định pháp y ở cấp tỉnh, còn một số tỉnh thì chưa có, đa số các trung tâm và phòng này hầu hết không đủ số giám định viên tư pháp, nhiều trung tâm chỉ có một giám định viên, hầu hết các trung tâm này đều không có trụ sở làm việc mà phải đặt nhờ vào các khoa giải phẫu bệnh.

Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình): Yêu cầu quan trọng, chỉ pháp y Công an mới làm được

Tôi tán thành với loại ý kiến thứ hai như trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp là giữ lại tổ chức giám định pháp y tại phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh như hiện nay. Lý do, xuất phát từ yêu cầu của việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, lực lượng pháp y của Công an đã được thành lập từ rất lâu, đã có nhiều kinh nghiệm và phát huy rất hiệu quả, đã góp phần quan trọng vào việc xác định, đánh giá quy luật hình thành dấu vết, giúp cho việc định hướng điều tra, truy tìm kẻ phạm tội mà tôi nghĩ tổ chức giám định pháp y khác không thể làm được.

Đại biểu Quốc hội khẳng định cần giữ mô hình pháp y Công an tỉnh.

Hiện nay, đội ngũ giám định pháp y Công an đã được đào tạo nghiệp vụ cơ bản theo đúng chuyên ngành; cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại được đầu tư đầy đủ và trong quá trình điều tra cho đến khi xét xử một vụ án thì các tang vật của vụ án cần phải được bảo vệ nghiêm theo chế độ bảo mật riêng, không để mất mát, hư hỏng, biến dạng. Đặc biệt, không để kẻ xấu lợi dụng sơ hở để đánh tráo tang vật vụ án.

Một đặc thù quan trọng nữa là lực lượng giám định pháp y của Công an không chỉ đơn thuần là khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thu thập các tang vật, dấu vết, mà còn phải biết vận dụng các biện pháp nghiệp vụ khác của Công an để phối hợp với các cơ quan điều tra phân tích, đánh giá, xác định tính chất đối tượng của vụ án một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Đây là một yêu cầu rất quan trọng mà chỉ có lực lượng giám định pháp y Công an mới làm được.

Đại biểu Vi Thị Hương (Điện Biên): Pháp y Công an phát huy được vai trò, còn y tế chưa đáp ứng yêu cầu

Tôi cho rằng cần giữ mô hình cơ quan giám định pháp y ở Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Từ những năm 60 thế kỷ XX đến nay, lực lượng này thực hiện nhiệm vụ rất tốt và chưa xảy ra sai sót, có bề dày kinh nghiệm. Lực lượng này ngoài chức năng là bác sỹ pháp y còn được học hỏi những kiến thức về nghiệp vụ Công an, ngoài là giám định viên còn có thêm kiến thức khoa học về quy luật của dấu vết, nguyên nhân, cơ chế hình thành dấu vết. Khi xảy ra vụ án, giám định viên pháp y thuộc Công an tỉnh không chỉ giám định nguyên nhân gây ra cái chết mà còn xác định cơ chế hình thành thương tích, từ đó định hướng điều tra. Giải thích của Ban soạn thảo Dự án luật chưa thuyết phục khi bỏ giám định viên pháp y thuộc Công an tỉnh.

Lực lượng này rất khó tuyển dụng bên cạnh chế độ, chính sách thấp là công việc rất nặng nề, tâm lý căng thẳng. Giám định pháp y còn có tính kỷ luật cao, có mặt kịp thời khi xảy ra các vụ án mạng. Đây là yếu tố quan trọng trong giám định, bởi giám định sớm thì xác định nguyên nhân truy tìm tội phạm gây án kịp thời. Trong khi giám định viên pháp y thuộc ngành Y tế chưa đáp ứng được yêu cầu kỷ luật có mặt ngay khi phát hiện vụ việc, nếu không tham gia giám định thì cũng không có chế tài.

Đại biểu Nguyễn Văn Minh (Bắc Kạn): Nhất thiết phải giữ nguyên

Pháp y Công an không chỉ giám định nguyên nhân cái chết hay xác định tỷ lệ thương tật mà có vai trò quan trọng trong việc đánh giá quy luật, tiến hành giám định dấu vết để định hướng điều tra, truy tìm thủ phạm, hệ thống cơ quan giám định pháp y trong Công an được bố trí độc lập, không nằm trong hệ thống cơ quan điều tra của CAND. Dự án Luật Giám định tư pháp đưa ra chủ trương xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp, theo đó là thành lập Văn phòng giám định tư pháp ngoài công lập được tiến hành giám định trên tất cả các lĩnh vực, trong khi đó hệ thống cơ quan giám định pháp y Công an thuộc lĩnh vực giám định tư pháp công lập của Nhà nước đang hoạt động tương đối tốt. Vì vậy, tôi đề nghị giữ nguyên cơ quan giám định pháp y trong CAND như hiện nay.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh): Giao cho y tế thì hệ quả rất phức tạp

Tôi cho rằng nên để nguyên. Nếu vì lý do tập trung nhân lực vào thì có lẽ nên tập trung để Công an làm pháp y cả, còn để Bộ Y tế tập trung vào chữa bệnh cho nhân dân, nếu có thì giám định thương tật y khoa ngoài tư pháp. Nhiều đồng chí pháp y trong y tế dùng cả công cụ mổ tử thi khám bệnh cho người bên ngoài, mở văn phòng tư, tôi biết là không được. Hai nữa, điều đặc biệt ở đây ta phải nói nhu cầu của xã hội đòi hỏi, nhu cầu của điều tra, khám phá nhanh chóng, kịp thời của vụ án, đặc biệt dưới góc độ kiểm sát thì thấy rằng pháp y trong CAND có điều kiện để đảm bảo hơn.

Trong lúc đất nước, xã hội đang cần như vậy, theo tôi nếu không muốn nói tập trung sang Công an cả thì nên để như hiện hành, còn nếu giao cho Bộ Y tế thì trong điều kiện cơ chế thị trường, hệ quả sẽ rất phức tạp, sẽ làm giảm hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đó là một khẳng định mà trải qua gần 30 năm tham gia công tác pháp y, tôi nhận thấy điều đó.

Đại biểu Đặng Công Lý (Bình Định): Pháp y Công an khẳng định vai trò quan trọng

Tôi đề nghị giữ nguyên như hệ thống giám định hiện nay, cơ quan Công an có bộ phận khoa học hình sự, sở y tế ở các địa phương có hội đồng giám định pháp y, cần bổ sung thêm giám định viên chuyên ngành có chất lượng. Thực tế trong các vụ trọng án như án giết người, án cố ý gây thương tích, việc giám định pháp y không chỉ yêu cầu làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết, mức độ tổn hại do thương tích, cao hơn đòi hỏi các giám định viên pháp y phải xác định rõ cơ chế hình thành dấu vết trên người nạn nhân, cơ chế hình thành các thương tích còn liên quan đến vấn đề chứng minh trên hiện trường, phòng thí nghiệm, xác định hung khí đối tượng mà trong đa số các vụ việc cần phải có nhiều lực lượng chuyên môn khác của kỹ thuật hình sự hỗ trợ như giám định vân tay, giám định súng…

Ý kiến Ủy ban Tư pháp Quốc hội:

Việc quy định về mô hình các tổ chức giám định tư pháp cần căn cứ vào kết quả tổng kết thực tiễn. Nhiều năm qua, hoạt động giám định pháp y của đội ngũ giám định viên pháp y thuộc Công an cấp tỉnh đang phát huy hiệu quả, phục vụ đắc lực và kịp thời cho hoạt động tố tụng, nhất là đối với các vụ án phức tạp, nghiêm trọng và không có vướng mắc lớn về tổ chức thực hiện cũng như quản lý nhà nước. Hơn nữa, theo quy định của Dự thảo Luật, tại Bộ Công an và Bộ Quốc phòng vẫn có tổ chức giám định pháp y. Do đó, ý kiến này đề nghị dự thảo Luật giữ quy định giám định viên pháp y tại tổ chức giám định kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh như hiện hành.

P.Đăng
.
.
.