Đại biểu Quốc hội chỉ ra 4 sai phạm về đất đai

Thứ Ba, 20/11/2012, 09:38
Những cái sai trong lĩnh vực đất đai được vạch rõ, nhưng đáng chú ý “có chủ đầu tư sai mười mươi mà qua bao cấp thanh, kiểm tra, chính quyền vẫn đưa ra kết luận chủ đầu tư đúng”... Phiên thảo luận dự án Luật Đất đai sửa đổi được Quốc hội dành trọn ngày 19/11 nhưng chừng đó vẫn tỏ ra hạn hẹp so với ý kiến đăng ký phát biểu.

Chỉ ra 4 sai phạm

Ông Chủ tịch UBND Hà Tĩnh Võ Kim Cự nhắc lại lời hứa của Bộ Tài nguyên & Môi trường về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đề nghị Quốc hội chỉ đạo để Ban soạn thảo cụ thể hóa hơn, đặc biệt nâng cao vai trò trách nhiệm quản lý nhà nước ở tất cả các cấp, trước hết là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà năm ngoái Quốc hội đã thống nhất là năm 2013 cơ bản xong.

Ông phân trần: “Vấn đề này tôi nghĩ chắc chắn làm được nhưng thiếu một điều rất quan trọng, đó là thiếu tiền”. Ông đề nghị, cần ưu tiên để giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là cơ sở pháp lý để vừa sử dụng và có lúc để thế chấp vay vốn sản xuất kinh doanh và là căn cứ, là cơ sở trung tâm của rắc rối nhiều vấn đề của đất đai hiện nay do không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đáng chú ý, 4 sai phạm về lĩnh vực đất đai được đại biểu Võ Kim Cự nêu danh: sai quy hoạch; sai thẩm quyền; sai mục đích; sai về trách nhiệm của cấp xã, phường vào việc quản lý đất đai.

Việc thu hồi đất - một nội dung trong “sai thẩm quyền, sai mục đích” được nhiều ý kiến chỉ rõ. Đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) phân tích: Điều 58 của dự thảo có quy định về các trường hợp, tổ chức cá nhân được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất từ tổ chức, cá nhân khác để thực hiện dự án đầu tư nếu dự án đó không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất và phù hợp quy hoạch. “Song những trường hợp nhận chuyển nhượng và góp vốn như vậy mới chỉ cân đối được lợi ích của hai bên tham gia trực tiếp trong dự án. Những người khác có đất trong điều kiện tương tự nhưng phải thu hồi theo quyết định của Nhà nước sẽ cảm thấy không công bằng, bị thua thiệt về lợi ích bởi vì mức bồi thường theo đơn giá Nhà nước thường thấp hơn so với mức thỏa thuận... Điều này dẫn đến sự so sánh, không đồng thuận khi xảy ra thu hồi đất” - đại biểu Hương lập luận.

Dự luật đưa ra phương án giá đất bồi thường: Chính phủ quy định khung giá đất, giá đất thuộc khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; khi giá đất trên thị trường có biến động 20% so với khung giá đất và giá đất tại khu vực giáp ranh và thời gian tăng, giảm liên tục 180 ngày trở lên thì điều chỉnh cho phù hợp. Đại biểu Dương Hoàng Hương đề nghị làm rõ căn cứ để xác định con số biến động giá thị trường 20% thì điều chỉnh khung giá đất, có thể xem xét ở mức 15% trở lên là phù hợp.

Dự án Luật Đất đai sửa đổi được kỳ vọng sẽ tháo gỡ vướng mắc.

Bồi thường bằng hoán đổi về đất

Về đất nông nghiệp, khi Nhà nước trưng mua, trưng dụng để xây dựng các công trình công cộng thì nên bồi thường thỏa đáng tránh thiệt thòi cho người dân. Đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai) bức xúc: Vừa qua cách làm của chúng ta chỉ biết tính về giá trị thu hồi đất và giải quyết việc làm mang tính chất hình thức, đặc biệt đối với vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. "Tôi đề nghị bồi thường nên bổ sung bằng cách hoán đổi về đất sản xuất, đất ở, đất sản xuất kinh doanh phù hợp với từng địa bàn, từng địa phương hoặc có thể nên áp dụng bằng hình thức cho chuyển đổi bằng cổ phiếu ở các đơn vị dự án đầu tư để tránh hệ lụy khi người dân không còn đất sản xuất" - ông kiến nghị. Theo ông, để giải quyết vấn đề này cần phải có cơ chế phù hợp và khi đã đạt được 80% ý kiến đồng thuận của các hộ dân có đất trong phạm vi dự án thì chủ đầu tư có quyền đề nghị cơ quan hành chính ra quyết định cưỡng chế thu hồi hoặc khởi kiện ra tòa án dân sự để tòa án ra quyết định về giao dịch đất đai bắt buộc.

Về cơ chế thu hồi đất, để tạo nguồn lực đất đai cho đầu tư phát triển, nhiều ý kiến đề nghị, Luật Đất đai cần được sửa đổi theo hướng Nhà nước chủ động thu hồi đất theo quy hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Các dự án phát triển kinh tế đề nghị giao cho trung tâm phát triển quỹ đất thực hiện theo thủ tục đền bù và tạo quỹ đất sạch để đấu giá, đem nguồn thu cho Nhà nước và hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi. Đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) viện dẫn, có nhiều dự án không được triển khai hoặc triển khai rất chậm, đặc biệt các dự án kinh tế do vướng giá đền bù, giải tỏa, tái định cư. Lý do người có đất không đồng thuận với giá đất tại thời điểm thu hồi, sau đó phải thuê tư vấn khảo sát độc lập, khảo sát giá đất và trong quy trình khảo sát thẩm định giá cũng phát sinh nhiều mặt trái cần phải xem xét lại. Bà đề nghị, trường hợp Nhà nước thu hồi đất đối với trường hợp đã được giao, cho thuê mà chậm hoặc không triển khai theo quy định của pháp luật thì bị thu hồi và người bị thu hồi đất trong các trường hợp quy định tại khoản này không được trả lại tiền sử dụng đất đã nộp, không được thanh toán giá trị đầu tư vào đất còn lại giá trị tài sản gắn liền với đất.

Tính công bằng giữa bên thu hồi đất và bên giao đất cũng là điểm nhấn đáng chú ý. Đại biểu Lù Thị Lừu (Lào Cai) viện dẫn, dù luật đưa ra nhiều chính sách được hỗ trợ như ổn định cuộc sống, đào tạo nghề, tạo việc làm nhưng từ lâu các chính sách đến và để người dân bị thu hồi đất nắm được quyền lợi của mình còn rất bị hạn chế, thậm chí không nắm được nên người bị thu hồi đất thường bị thiệt thòi, nảy sinh những tiêu cực khác. Để khắc phục được tình trạng trên cũng như đảm bảo dân chủ khách quan, công bằng, công khai và đáp ứng được nguyện vọng chung của người dân thì "cần thiết phải bổ sung thêm một khoản quy định tại Điều 71 là: khi Nhà nước thu hồi đất phải cung cấp các văn bản liên quan đến chính sách hỗ trợ cho người bị thu hồi đất theo quy định".

Hiểu thế nào về “giá thị trường”?

Giá thị trường thời điểm nào?

Theo dự luật, Nhà nước quy định phù hợp với giá đất phổ biến của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã thực hiện thành công trong các trường hợp chuyển nhượng là giá thị trường thay cho nguyên tắc sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường. Theo tôi thay đổi này vẫn không sáng hơn. Bởi lẽ thế nào là phù hợp với giá thị trường, phù hợp với giá thị trường khác gì với sát giá thị trường? Giá thị trường ở đây là giá thị trường vào thời điểm nào, các trường hợp chuyển nhượng thành công được áp dụng là cá nhân hay tổ chức và bao nhiêu trường hợp thì được coi là phổ biến?

Theo tôi, giá thị trường đối với đất bị thu hồi cần phải có sự phân biệt giữa giá thị trường khi không hoặc chưa thu hồi, chưa có dự án, tức là giá thị trường trong điều kiện bình thường so với giá thị trường khi đã có dự án, có chủ trương, có quy hoạch, kế hoạch thu hồi. Giá thị trường để làm một trong những căn cứ cho việc bồi thường khi thu hồi đất, chính là giá thị trường trong điều kiện bình thường để thực hiện được. (Lê Trọng Sang, TP Hồ Chí Minh).

Khung giá đất phải ổn định 5 năm

Về khung giá đất theo luật hiện hành của chúng ta về khung giá đất, các loại đất do Chính phủ ban hành và phân theo từng vùng, cấp đô thị rất chung dẫn đến các tỉnh khó thực hiện, xây dựng bảng giá đất sát với thị trường. Nhưng nếu bỏ quy định về việc giao Chính phủ ban hành giá đất thì Chính phủ không có cơ sở để xây dựng bảng giá đất thiếu định hướng dẫn đến mỗi tỉnh xây dựng một khác và khác nhau nhiều. Tôi đề nghị việc phải giao Chính phủ quy định khung giá đất đến từng tỉnh cho từng loại đất và khung giá đất được giữ ổn định trong 5 năm và chỉ điều chỉnh trong trường hợp giá đất có sự thay đổi lớn theo dự thảo. (Nguyễn Văn Thịnh, Hưng Yên).

Đất muốn thu hồi ngay, chỗ tái định cư thì hẹn hoài

Các dự án thu hồi đất nên áp dụng một giá thống nhất do Nhà nước quyết định và giá đó phải sát với giá thị trường, Nhà nước có điều tiết khoản chênh lệch khi bán đấu giá để sử dụng cho việc hỗ trợ bồi thường tái định cư. Luật sửa đổi lần này phải quy định nghiêm, nếu chưa có nhà ở tái định cư hoặc chưa giao nền tái định cư cho người dân xây dựng nhà ở thì không được thu hồi đất, tránh tình trạng thời gian qua đất thì muốn thu hồi liền còn chỗ ở tái định cư thì hẹn hoài, không bố trí tái định cư là vì lý do không có quỹ đất, không có quỹ nhà ở, từ đó gây bức xúc trong nhân dân. (Huỳnh Văn Tiếp, Cần Thơ).

PVTS
.
.
.