Đại biểu QH ủng hộ phương án không thành lập Hội đồng Hiến pháp

Thứ Tư, 23/10/2013, 12:24
Sáng nay, 23/10, Quốc hội thảo luận ở tổ dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Trong nhiều vấn đề được bàn thảo, về cơ bản, các ý kiến đại biểu ủng hộ phương án không thành lập Hội đồng Hiến pháp như báo cáo giải trình của Ủy ban Dự thảo công bố trước Quốc hội hôm qua.

Ông Phan Trung Lý, Trưởng Ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cho hay, Hội đồng Hiến pháp quy định tại Điều 120 dự thảo trình Quốc hội. Trong dự thảo Hiến pháp trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 có 2 phương án về cơ chế bảo vệ Hiến pháp.

Theo đó, phương án 1 là tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành, tăng cường trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan khác của Nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp. Phương án 2 đề nghị cùng với việc tiếp tục khẳng định và hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành, dự thảo đề xuất việc thành lập Hội đồng Hiến pháp với chức năng chuyên trách bảo vệ Hiến pháp.

Theo ông Lý, qua thảo luận, ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan và các chuyên gia cho rằng, việc bảo vệ Hiến pháp là một yêu cầu của Nhà nước pháp quyền, phù hợp với nguyên tắc kiểm soát quyền lực đã được xác định trong Cương lĩnh và các nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ X, XI.

Quốc hội thảo luận tại tổ.

Trong quá trình xây dựng và lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp, có ý kiến nhân dân, của một số cơ quan, tổ chức hữu quan và ý kiến chuyên gia về quy định Hội đồng Hiến pháp trong dự thảo nhưng cần cân nhắc một số nội dung cụ thể về thẩm quyền, về tổ chức và hoạt động của cơ quan này, nhất là mối quan hệ giữa Hội đồng Hiến pháp với các cơ quan khác của Nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp.

Tại kỳ họp thứ 5, kết quả xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu thì đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với phương án 1 là tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả của cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành mà không thành lập Hội đồng Hiến pháp. Theo kết quả phiếu xin ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo sửa đổi Hiến pháp tại kỳ họp thứ 5, có 216/357 đại biểu Quốc hội tán thành với phương án 1 Điều 120 của Dự thảo trình Quốc hội (giữ nguyên như hiện hành, không thành lập Hội đồng Hiến pháp).

Vì vậy, ông Phan Trung Lý giải thích: Trên cơ sở nghiên cứu ý kiến của nhân dân, ý kiến của đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan, Ủy ban DTSĐHP nhận thấy: “Việc thành lập Hội đồng Hiến pháp là vấn đề mới, lại đang còn có nhiều ý kiến khác nhau, nên trong điều kiện hiện nay ở nước ta, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành, trong đó, tăng cường trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, nhất là Ủy ban pháp luật của Quốc hội và các cơ quan khác của Nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp là phù hợp. Vì vậy, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định Hội đồng Hiến pháp vào Dự thảo”.  

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội và các chuyên gia tán thành việc không quy định vấn đề này trong dự thảo Hiến pháp. Theo TS Trần Thành Hưng (Trường Đại học CSND) thì bảo vệ Hiến pháp nghĩa là bảo đảm các quy định của Hiến pháp phải được thực hiện trong thực tế theo đúng tinh thần của nó. Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của Hiến pháp đều bị coi là vi phạm Hiến pháp.

Kết quả lấy ý kiến nhân dân, về cơ bản không tán thành việc lập Hội đồng Hiến pháp.

Theo ông, bảo vệ Hiến pháp phụ thuộc chính vào quá trình lập hiến và lập pháp. Vì vậy, để Hiến pháp không bị vi phạm cần phải chú trọng hiệu quả của quá trình xây dựng, sửa đổi bổ sung Hiến pháp và pháp luật. Việc kiểm tra, rà soát phát hiện văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp để sửa chữa hoặc đình chỉ là giải quyết phần ngọn của vấn đề, không cơ bản. Vì vậy không nên thành lập Hội đồng Hiến pháp.

Thực tiễn hoạt động lập hiến, lập pháp ở nước ta trong thời gian qua tương đối chặt chẽ, có cơ chế để hạn chế đến mức thấp nhất khả năng vi phạm Hiến pháp. Nhìn chung hoạt động và cơ chế này đã và đang phát huy hiệu quả. Xuất phát từ bản chất của Quốc hội Việt Nam - cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của toàn thể dân tộc và nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, hoạt động lập pháp của Quốc hội là thống nhất vì mục đích chung của cả dân tộc.

Nhiều ý kiến đại biểu cũng cho rằng, việc không quy định Hội đồng Hiến pháp vào dự thảo là cần thiết. Cơ quan này không phù hợp thể chế chính trị ở nước ta và thực tiễn cho thấy không cần phải “đẻ” thêm một cơ quan như vậy. Nếu bổ sung Hội đồng Hiến pháp mà chưa rõ vị trí, tổ chức, nguyên tắc hoạt động, cơ chế phối hợp với các cơ quan khác và nhiệm vụ không có gì khác hơn dễ dẫn đến sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, cồng kềnh bộ máy mà chưa dự liệu được hiệu quả, đó là điều nên tránh trong sửa đổi Hiến pháp

Đ.Minh
.
.
.