Đại biểu QH truy vấn sâu về giáo dục, giá cả, tiền tệ

Thứ Sáu, 25/11/2011, 09:48
Dẫu có sự lúng túng hay dàn trải nhất định trong một số trả lời của Bộ trưởng, nhưng sự thẳng thắn, trực diện với sự thật là điểm nổi bật trong ngày thứ hai Quốc hội nghe chất vấn, trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận và Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận: Học thêm, có chuyện "tự nguyện một cách bắt buộc"

Ngay các chất vấn đầu, đại biểu Quốc hội đã đề nghị Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: có hay không bệnh thành tích trong giáo dục ngày càng lan rộng với những dẫn chứng rất rõ như tỷ lệ đỗ tốt nghiệp rất cao, trong khi năm trước đó lại thấp, có nhiều trường đỗ tới 100%? Trong khi đó, điểm thi môn sử lại quá thấp, điều này phản ánh bản chất gì trong giáo dục? 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đưa ra khá nhiều dẫn chứng, sự kiện để chứng minh rằng, ngành Giáo dục đang chống bệnh thành tích và tỷ lệ đỗ cao là đáng mừng. Tuy nhiên, phần trả lời của Bộ trưởng sa vào liệt kê thành tích của ngành Giáo dục, chưa đi thẳng câu hỏi. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cắt ngang: "Đề nghị Bộ trưởng trả lời thẳng vấn đề, ý của đại biểu hỏi kết quả thi cao có thật không, vì sao chỉ một năm lại tăng nhanh thế, vậy kết quả đó phản ánh đúng chất lượng hay không đúng? Chất lượng học sử thấp hay không thấp, đề nghị Bộ trưởng phải nhìn rõ vấn đề, trả lời thẳng".

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay, Bộ đi thẩm tra một số trường có tỷ lệ tốt nghiệp tăng đột biến, nhưng đó là kết quả việc đầu tư nhiều, nâng cao chất lượng giáo viên. Về chất lượng học sinh, học sinh vùng trũng có chuyển biến, còn vùng trên thì chưa…

"Chất lượng giáo dục qua kỳ thi, tôi cho rằng kết quả thi không phản ánh đúng kết quả thật, nhiều trung tâm giáo dục thường xuyên cũng đạt 100%" - đại biểu Trần Minh Diệu truy vấn. Riêng kết quả môn sử, ông cho rằng lỗi do đề thi không hợp chứ không phải học sinh học sử yếu, "đề nghị Bộ trưởng xem lại vấn đề này". Với câu hỏi của đại biểu Diệu, người đứng đầu ngành Giáo dục đáp gọn: "Tôi hiểu lưu ý của đại biểu Diệu, tôi ghi nhận và sẽ xử lý vấn đề này". 

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) về việc mở quá nhiều trường đại học, điểm tuyển sinh quá thấp, chất lượng kém. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói "chưa phát hiện được cơ quan nào sai phạm"…

Liên quan chuyện dạy thêm, học thêm, dù thừa nhận đây là cách học "tự nguyện một cách bắt buộc", Bộ trưởng cho rằng có một số nguyên nhân như tâm lý phụ huynh, rồi nguyên nhân…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉnh ngay: "Bộ trưởng không cần phân tích nguyên nhân nữa, vấn đề này thảo luận nhiều và cũ lắm rồi, Bộ trưởng có giải pháp gì khắc phục không". Trước chất vấn "rắn", Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay, cũng đã có trường giải quyết được việc này, tới đây tăng cường giáo dục lòng tự trọng thầy, cô giáo, ràng buộc trách nhiệm của hiệu trưởng trong dạy thêm, học thêm…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ: Sẽ công bố lỗ lãi xăng dầu

Đại biểu Đặng Thế Vinh, Ngô Đức Minh chất vấn ngay: Giá xăng dầu tăng nhanh, giảm khó, không theo kịp thế giới, tại sao? Phải chăng độc quyền nhà nước biến thành độc quyền doanh nghiệp? Như ngành Điện, lương bình quân nhân viên lên tới 7,3 triệu đồng, chưa kể thưởng mà lãnh đạo tập đoàn vẫn kêu ít, sự thật thế nào, Bộ trưởng trả lời ra sao?

Đại biểu Nguyễn Thu Anh chốt: Vừa qua Bộ Tài chính lập các đoàn kiểm tra, thanh tra giá xăng dầu, tới nay kết quả thế nào?

Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) bổ sung: Giá xăng dầu, điện không minh bạch, ngành Điện luôn kêu lỗ, vậy mà thu nhập bình quân lại "chỉ" 7,3 triệu đồng? Ông chất vấn: Nhiều năm làm kiểm toán, Bộ cho biết vì sao ngành Điện kêu lỗ, có phải do đầu tư ngoài ngành? Đến khi nào hoạt động ngành Điện, xăng dầu mới minh bạch?

Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng, trong cơ chế thị trường, doanh nghiệp phải có mức lãi nhất định, đồng thời không cho phép bao cấp tràn lan. Giá điện hiện còn bao cấp cho sản xuất thép, xi măng. "Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hiện đang lỗ. Nguyên nhân do EVN mua điện giá cao của các nhà máy điện ngoài ngành" - ông chia sẻ.

Về giá xăng dầu, hiện có lãi không, tại sao lỗ mà công bố trên sàn chứng khoán lại lãi? Bộ trưởng Vương Đình Huệ lý giải: Trước năm 2008, ta chỉ bù lỗ cho dầu, sau đó, ta bỏ cơ chế bù lỗ. Khi bắt đầu tiến hành, kiểm toán xác nhận, năm 2008 đều lãi. Kết quả kiểm tra sơ bộ cho thấy, nếu năm 2011 không có đột biến về giá, sẽ không có lãi lỗ.

Về cổ phần hóa Petrolimex, Bộ Tài chính đang xem xét nghiên cứu, tất nhiên ưu tiên tính thị trường là chính.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng lý giải chuyện thu nhập bình quân 7,3 triệu đồng/người/tháng: "Tôi báo cáo, Tập đoàn Điện lực Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước, theo quy định, đơn giá tiền lương do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quyết định. Căn cứ vào đâu để nói lương thấp hay cao? Tôi cho rằng, phải so sánh với mức bình quân người lao động cả nước, so sánh cùng loại hình sản xuất kinh doanh, loại hình doanh nghiệp".

Ông nói, lẽ ra, lãnh đạo EVN khi công bố phải nói chi tiết, các loại phụ cấp được hưởng của ngành Điện được cho là trong nhóm độc hại, nguy hiểm nhất bởi các phụ cấp này chiếm 25% tiền lương.

Đại biểu Lê Thị Nga tiếp tục chất vấn: Rõ ràng EVN tỏ rõ sự độc quyền, người dân buộc phải mua điện của EVN. Đó là độc quyền nhà nước, vậy hai Bộ phải làm gì giải quyết độc quyền? "Tài sản đầu tư ngoài ngành của EVN là bao nhiêu, giải quyết thế nào? Lương cao mà lãi thì tốt, nhưng lương cao lại lỗ, phục vụ không tốt thì không thể được" - bà phản ánh gay gắt.

Đại biểu Ngô Văn Minh: "Tôi đồng tình lương cao do nhiều tiêu chí, song kinh doanh lỗ mà lương vẫn cao, Bộ trưởng bảo có nhiều căn cứ, nhưng căn cứ năng lực thì Bộ trưởng không nói được. Bộ trưởng Vương Đình Huệ bảo chia sẻ ngành Điện, nhưng ngành Điện phục vụ công ích, nếu cứ tăng giá điện liên tục thì bao giờ hết lỗ? Ta chịu đau một lần, cần tính đủ, chi đủ xem thế nào"?

Bộ trưởng Huệ viện dẫn: Về lâu dài phải tính toán lại bằng cách các đầu mối khác phải mạnh lên, đón thị phần tăng thêm, từ đó Petrolimex cũng phải tính toán lại phương thức kinh doanh. Riêng kết quả công bố lỗ lãi xăng dầu, ông nói "thời gian kiểm tra ngắn, tôi sẽ công bố sớm theo quy định".

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình: Thận trọng với tái cấu trúc ngân hàng

Ngay từ chất vấn đầu tiên, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Vĩnh Phúc) hỏi thẳng: Có bao nhiêu ngân hàng vi phạm trần lãi suất, Thống đốc đã xử lý thế nào.

Đại biểu Minh Thắm (Lâm Đồng) thì đề nghị, để giữ giá trị đồng tiền, Ngân hàng Nhà nước phải làm gì?

Doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến (Long An) bổ sung: Đang có loại tội phạm mới làm khó doanh nghiệp như tín dụng đen, Thống đốc có giải pháp gì?

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) lại bày tỏ lo ngại: Dường như mấy tháng nay, Ngân hàng Nhà nước đang làm lợi ngân hàng lớn, làm khó ngân hàng nhỏ? Mức lãi suất huy động 14% được thực hiện ra sao?

Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói rằng, việc đại biểu Quốc hội quan tâm tái cấu trúc ngân hàng, xử lý ngân hàng yếu kém, rồi chuyện lãi suất, chống đô la hóa, vàng hóa… "tôi cũng đã lường trước"...

"Đề nghị nói thẳng vấn đề tái cấu trúc" - Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở. Dù vậy, phần trả lời của Thống đốc vẫn khá dàn trải.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình còn tiếp tục trả lời chất vấn vào sáng 25/11.

Ghi nhận

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa): Tôi chỉ hài lòng 60%!

"Chất lượng giáo dục đại học sẽ chuyển biến thế nào, câu hỏi đó còn bỏ ngỏ. Việc này nói nhiều rồi, nhưng mong đợi làm sao có chuyển biến ngay trong năm thì chưa" - đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) nói sau phiên chất vấn...

- Nếu còn thời gian, ông có tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận về "lạm phát đại học"?

Tôi đi tiếp xúc cử tri, cái cử tri bức xúc nhất về giáo dục, đó chính là giáo dục đại học, có cử tri nói chua xót rằng, con đỗ đại học mặt đỏ như vang, con tốt nghiệp đại học mặt vàng như nghệ.

- Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận, thí sinh có nhiều ưu tiên thì chỉ cần 8 điểm/3 môn là đỗ đại học, ông thấy sao?

Vâng, đó là chất lượng đầu vào. Tôi cũng đã nói rằng, trượt nguyện vọng một, có nguyện vọng hai, nguyện vọng ba… Rồi không được nguyện vọng ba thì hạ điểm chuẩn, chính sách ưu tiên. Rồi liên kết, thi liên thông, giáo dục từ xa, tại chức, chuyên tu… tóm lại là kiểu gì thì cũng đại học hết, cho nên chất lượng đầu vào đại học đang rất có vấn đề. Tôi nghĩ, đã phổ cập đại học như vậy rồi thì còn thi làm gì nữa, vì thi hay không, chính quy hay không thì cuối cùng cũng đại học cả, quyền lợi như nhau cả, tất cả đều tốt nghiệp, đều nhận bằng.

- Vậy nghe Bộ trưởng trả lời, ông hài lòng được bao nhiêu?

Tôi mới hài lòng được 60%!

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đào Trọng Thi: Giải pháp căn cơ là quá khó

- Ông thấy Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời thế nào?

Vấn đề phức tạp mà các câu hỏi lại quá tản mạn dẫn tới Bộ trưởng trả lời chưa được tập trung. Tất nhiên, giải pháp mang tính chất đột phá, căn cơ như mong đợi là vẫn chưa có.

- Vậy ông phê bình hay chia sẻ với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận?

Tôi thông cảm vì trong bối cảnh như thế này, để Bộ trưởng đưa ra được giải pháp căn cơ là rất khó, đặt ra như vậy là quá cao. Ta đòi hỏi Bộ trưởng, nhưng nếu chỉ một cuộc chất vấn mà trả lời được vấn đề lớn đó thì không thể được…

P. Đăng

Đ.Trường - K.Quý
.
.
.