Đại biểu QH: Dừng dự án chưa cần, dừng xây trụ sở để tăng lương

Thứ Năm, 25/10/2012, 09:06
“Phải rà soát để cắt giảm những chỗ lãng phí, không cần thiết khác, còn lương cấp thiết phải tăng”, đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) bày tỏ quan điểm tại phiên thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế, xã hội, sáng 24/10. Đa số ý kiến đề nghị tiết giảm đầu tư các hạng mục lãng phí để tăng lương.
>> Sẽ báo cáo khả năng cải cách tiền lương vào tháng 5/2013

Tiết giảm từ công trình, dự án để tăng lương

Khẳng định nền kinh tế đang đối mặt nhiều khó khăn, ngân sách eo hẹp khiến rất khó trong cấp, chia ngân sách, song các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị xem xét lại chính sách tiền lương. “Cắt cái khác thì được, chứ cắt đi chợ sao được, ăn gì” - đại biểu Quyền chia sẻ. Theo ông, cách làm ngân sách hiện chưa rõ ràng, phân bổ còn dàn trải. “Tôi đồng ý với ý kiến đại biểu Trần Du Lịch là phải cắt bỏ nhiều thứ dành tiền cho tăng lương. Phân bổ ngân sách bất hợp lý, dàn trải khiến thiếu nguồn lực tăng lương, đầu tư cho kinh tế, xã hội”. Ông cũng cho rằng, cán bộ tham mưu cho tài chính ngân sách hiện vẫn ung dung ngồi phân bổ theo cách thức, bảng biểu cũ là không còn phù hợp.

Một “vùng” rất lãng phí và nơi phát sinh tham nhũng, tiêu cực, theo đại biểu Nguyễn Đình Quyền chính là các chương trình, mục tiêu quốc gia. Chỉ một số chương trình, mục tiêu là cần thiết, thế nhưng hiện có tình trạng ngành nào cũng muốn “ôm” về mình một “chương trình, mục tiêu quốc gia”. “Chi bình thường chỉ 1 đồng, chi cho chương trình, mục tiêu quốc gia gấp 5 lần nhưng hiệu quả không rõ, khiến ngân sách thất thoát lớn. Phải cắt giảm những cái này để dành cho tăng lương”.

Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ ngày 24/10.

Tán thành quan điểm, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, tuy ngân sách khó khăn, việc cân đối thu chi khó nhưng chưa đến mức phải dừng việc tăng lương. “Trước đây, có những thời điểm chúng ta còn khó khăn hơn mà vẫn duy trì việc tăng lương cho người lao động” - bà lập luận. Chính trong điều kiện kinh tế gặp thách thức, đời sống người lao động, đặc biệt là cán bộ, công nhân viên, nhất là công nhân các khu công nghiệp càng phải được hỗ trợ.

“Tôi đồng ý với đại biểu Quyền, phải cắt giảm chỗ khác dành cho tăng lương. Tiền lương tăng thêm 60 nghìn tỉ nhưng chỉ thiếu 31 nghìn tỉ, chỗ này cần cắt giảm ở mục đầu tư cho tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng. Tôi đi giám sát thấy tổng công ty nhiều nơi không khoa trương gõ mõ vẫn hoạt động tốt, còn lại nhiều tập đoàn lớn lại gây thất thoát tài sản nghiêm trọng. Phải rà soát chỗ này, lương ở chỗ này” - bà Khánh phân tích.

Cũng về vấn đề chương trình, mục tiêu quốc gia gây thất thoát, lãng phí lớn nguồn ngân sách, bà Khánh chứng minh: Nhiều chương trình quốc gia như nước sạch, môi trường, biến đổi khí hậu... cứ vẽ ra chuyện tuyên truyền, in ấn, hội thảo... gây lãng phí mà không biết hiệu quả ở đâu. Cắt giảm những chỗ đó để không tăng lương được đủ thì cũng phải một phần.

Nhiều ý kiến cũng khẳng định, ngân sách khó khăn có thể khó tăng lương đạt như đề ra, nhưng cần tăng phần nào để giảm khó khăn cho người lao động. Đặc biệt, đối với các dự án lớn tốn kém nhiều tiền bạc nhưng không cần thiết thì phải dừng ngay, rút số vốn này cho việc tăng lương. Riêng đề án đổi mới sách giáo khoa của ngành giáo dục lên tới 70 nghìn tỉ được nhiều ý kiến cho là quá lãng phí, vì sách giáo khoa phải đảm bảo tính ổn định, thời kỳ trước đây ổn định hàng chục năm chứ không thể thay đổi thường xuyên như hiện nay. Không thể có chuyện 31 nghìn tỉ tiền lương thì không huy động được, mà lại dành tới 70 nghìn tỉ để đi sửa sách, viết lại sách làm đảo lộn giáo dục phổ thông, vừa lãng phí, vừa gây bức xúc lớn trong dư luận... Nhiều ý kiến cũng đề nghị các Bộ, ngành dừng việc xây trụ sở mới, dành vốn giải quyết những vấn đề cơ bản, bức xúc trong điều kiện kinh tế khó khăn.

Nắm điểm nghẽn kinh tế để tháo gỡ

Cũng tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng, khắc phục khó khăn. Trong đó, tái cấu trúc nền kinh tế trên 3 lĩnh vực cơ bản là ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp nhà nước (tập đoàn, tổng công ty) và đầu tư công đã được đề cập từ năm 2011. Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đề nghị, tái cơ cấu nền kinh tế cần làm khẩn trương, quyết liệt và hiệu quả hơn, đưa nền kinh tế phát triển, tăng trưởng bền vững và có sức cạnh tranh tốt. Cần tập trung đầu tư những công trình trọng điểm, không mở rộng các hạng mục đầu tư công.

Đề cập tỷ lệ thất nghiệp, một số đại biểu cho rằng, nền kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản, đình trệ sản xuất dẫn đến người lao động mất việc gây ảnh hưởng nhiều mặt. Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) nêu số liệu chỉ có 20% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có phát sinh kê khai thuế, tức 80% số doanh nghiệp còn lại “bất động”. “Vậy người lao động đi đâu khi doanh nghiệp không sản xuất kinh doanh”?

Đại biểu Nguyễn Minh Quang trăn trở: “Với tư cách là lãnh đạo doanh nghiệp, tôi thấy tình hình khó khăn của doanh nghiệp còn rất lớn so với báo cáo. Trong hệ thống doanh nghiệp, có chiến lược riêng, nhưng khó khăn chung, ở diện rộng, quỹ trả lương rất eo hẹp”. Theo ông, để tháo gỡ, phải nhìn ra bản chất những điểm nghẽn trong kinh tế vĩ mô. 3 tháng cuối năm và 2013, “tôi đánh giá cao 9 nhóm giải pháp Chính phủ đề ra, nhất là giải pháp tháo gỡ khó khăn để phát triển sản xuất”.

Chiều 24/10, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Dự trữ quốc gia.

Sao viết sách lại nhiều hơn tiền tăng lương?

“Ngành Giáo dục viết lại sách giáo khoa hết 70 nghìn tỉ đồng, ngành Giao thông xây trụ sở hết 12 nghìn tỉ đồng, như thế là quá lãng phí, trong khi chỉ 60 nghìn tỉ đồng để tăng lương mà không có là không được” - đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) bày tỏ quan ngại.

- Nhưng ngân sách eo hẹp, khó cân đối, thưa bà?

Tôi ủng hộ quan điểm phải tăng lương. Trong báo cáo Chính phủ đã nêu, hiện bộ phận người lao động đang gặp nhiều khó khăn. Tôi thấy rằng, bộ phận khó khăn này là lớn, chỉ có một số diện là sống khá thôi. Cho nên tôi ủng hộ quan điểm cần tìm mọi cách để có quỹ tăng lương. Còn tiền ở đâu? Tôi nghĩ là tìm được, giờ còn bao nhiêu thứ đầu tư công dàn trải lãng phí, bao nhiêu thất thoát trong các doanh nghiệp, tập đoàn, cần phải lấy ngân quỹ ở đó để tăng lương. Bởi người lao động không được tăng lương, đời sống khó khăn sẽ gây áp lực vật chất, tâm lý, không yên tâm làm việc, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất. Giờ phải minh bạch chuyện nợ, thu nợ được bao nhiêu. Tăng lương làm sao so được với thất thoát trong các vụ việc vừa qua.

- Bà băn khoăn về dự án viết sách giáo khoa hết 70 nghìn tỉ, còn lương thì chỉ cần 60 nghìn tỉ (còn thiếu 31 nghìn tỉ) cho 22 triệu lao động?

Cái đó rất bức xúc, cho nên phải tính toán rõ việc này. Hiện bao nhiêu ý kiến phản bác mà sao không làm, sách giáo khoa đâu phải cần sửa như vậy, gây tốn kém ghê gớm như vậy. Rồi lễ hội linh đình, lãng phí.

- Việc xây dựng trụ sở, như Bộ GTVT lên tới 12 nghìn tỉ?

Trụ sở mới có cần nhiều như vậy không, trong khi đời sống còn khó khăn thế này. Cho nên phải xem xét rất nghiêm túc trong vấn đề này. Tìm rõ thu hồi nợ xấu ở ngân hàng, rồi thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty để thu hồi, thì 31 nghìn tỉ không có khó khăn gì cả.

- Một số ý kiến nói bây giờ nhiều chương trình, mục tiêu quốc gia quá, mà chương trình nào cũng chiếm trăm tỉ, nghìn tỉ từ ngân sách?

Cắt tất cả thì không, vì cũng phải để lại những cái cần thiết. Nhưng lạm dụng là không được, đánh giá hiệu quả hay không phải thống kê, báo cáo chuẩn, đòi hỏi giám sát, kiểm tra kỹ. Phải rà soát để bỏ bớt.

PVTS
.
.
.