Cuộc đấu tranh chính nghĩa sẽ phải thực hiện thường xuyên, liên tục

Thứ Ba, 27/05/2014, 02:56
Trao đổi bên lề Quốc hội ngày 26/5, đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cho rằng, chúng ta có đủ cơ sở pháp lý và chính nghĩa khẳng định chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, song cuộc đấu tranh chính nghĩa của chúng ta sẽ phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Hội nghị Shangrila 14 là cơ hội để lãnh đạo Việt Nam tiếp tục trình bày chính kiến và lập trường đúng đắn của mình...

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa bất hợp pháp, hành động xâm chiếm lãnh thổ của một quốc gia khác bằng vũ lực sẽ không bao giờ tạo cho Trung Quốc có quyền sở hữu hay chủ quyền đối với Hoàng Sa.

- Lâu nay, Trung Quốc vẫn tự tuyên bố chủ quyền ở Hoàng Sa trong khi họ không có cơ sở pháp lý, lịch sử để bảo vệ tuyên bố đó?

Chúng ta hoàn toàn có cơ sở pháp lý để yêu cầu công luận quốc tế cũng như các tổ chức tài phán quốc tế, kể cả Liên Hợp quốc bác bỏ việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa. Với những cơ sở pháp lý vững chắc, chúng ta cần tiến hành đấu tranh pháp lý trên diễn đàn quốc tế.

- Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hành động vi phạm luật pháp quốc tế, thế nhưng họ vẫn tuyên bố rằng việc hạ đặt này là... “hợp pháp”?

Việc viện dẫn Hoàng Sa là của mình để từ đó hạ đặt giàn khoan là hành động sai trái của Trung Quốc, chưa kể họ còn đặt trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982. Theo Công ước này, không quốc gia nào có quyền đơn phương, tự tiện đặt giàn khoan hay tiến hành bất cứ hoạt động nào trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của một quốc gia khác mà không được phép của quốc gia sở hữu vùng đặc quyền kinh tế đó, vì quốc gia ven biển có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế của mình. Vì thế, hành vi đơn phương, tự tiện của Trung Quốc là trái với Công ước quốc tế về Luật Biển, việc họ tuyên bố như vậy là sai trái. Đây là cơ sở để Việt Nam tiến hành khởi kiện Trung Quốc.

- Là đại biểu Quốc hội, theo ông trong tình hình hiện nay, chúng ta cần tiến hành các biện pháp đấu tranh như thế nào?

Hành động của Quốc hội phải thể hiện được ý chí nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với tình hình thực tế của chúng ta hiện nay và đem lại tác động tích cực, hiệu quả, góp thêm tiếng nói mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, bảo vệ quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

- Nhiều đại biểu Quốc hội tán thành phương án khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Ông nhận định gì tính chất cuộc đấu tranh pháp lý?

Chúng ta có cơ sở pháp lý vững chắc để khởi kiện. Theo con đường khởi kiện, chúng ta sẽ mất rất nhiều thời gian, đòi hỏi phải có chuyên môn cao, phải có nguồn nhân lực, bao gồm cả chuyên gia trong nước và quốc tế cùng tham gia. Kể cả chúng ta xác định có cơ sở pháp lý vững chắc rồi, nhưng chúng ta vẫn phải có một quá trình chuẩn bị để trình cơ sở pháp lý ấy với những chứng cứ, luận cứ, với những tài liệu thuyết phục, đúng trình tự thủ tục quốc tế. Khi khởi kiện chúng ta phải chuẩn bị tinh thần theo đuổi vụ kiện đó bằng nguồn nhân lực chất lượng cao và liên tục sâu sát, đặc biệt phải rất khôn khéo. Hơn nữa, chúng ta không thể đơn độc tiến hành cuộc đấu tranh pháp lý này, mà phải kết hợp cùng với đấu tranh ngoại giao, tác động vào công luận quốc tế để quốc tế thừa nhận chính nghĩa đứng về phía Việt Nam. Đây cũng sẽ là cuộc đấu tranh của nhân dân, chúng ta phải củng cố về mặt kinh tế, quốc phòng, nhân dân đồng tâm nhất trí.

Như vậy, ngay cả khi chúng ta nói chúng ta có đủ cơ sở, có luận cứ vững chắc, có chính nghĩa khi khởi kiện Trung Quốc ra các tổ chức tài phán quốc tế, thì chúng ta cũng thấy cuộc đấu tranh này sẽ rất phức tạp, gay go đòi hỏi phải khôn ngoan, có kỹ năng và chuyên môn cao, đồng thời phải nằm trong các biện pháp tổng hợp của nhiều cuộc đấu tranh kết hợp lại...

- Nhiều chuyên gia cho rằng, Trung Quốc cậy thế nước lớn, tham vọng bành trướng độc chiếm biển Đông cũng như nhiều vùng biển, đảo thuộc chủ quyền quốc gia khác nên đang có hành động “đe” nước khác và lấn tới, bất chấp luật pháp quốc tế và các cam kết lẫn nhau. Theo ông, chúng ta cần làm gì để bảo vệ việc chấp hành luật pháp quốc tế trong vấn đề này?

Thực tiễn vẫn diễn ra trên thế giới, nhiều quốc gia lớn vẫn đang lấn át các quốc gia nhỏ và làm những điều sai trái bất chấp lý lẽ. Tuy nhiên, Công ước quốc tế về Luật Biển ra đời chính là một thắng lợi của các quốc gia nhỏ, nhờ có nó, các quốc gia ven biển nhỏ bé được công nhận quyền bình đẳng của mình. Thực tế này đòi hỏi các các quốc gia phải liên kết, đoàn kết với lại với nhau để đấu tranh. Việt Nam cũng có cơ hội và khả năng để thắng lợi trong cuộc đấu tranh đó. Công luận, sức mạnh chính nghĩa của loài người tiến bộ trên thế giới là một lực lượng rất mạnh, những quốc gia bắt nạt các nước khác làm những điều sai trái bất chấp luật pháp quốc tế họ sẽ phải chịu sức ép rất lớn từ công luận, sẽ bị tẩy chay, phê phán, nhân dân trong nước đó cũng sẽ phải gánh những áp lực. Do đó, tôi cho rằng Việt Nam chúng ta cần phải kiên trì, tiếp tục đấu tranh bằng sự liên kết với rất nhiều quốc gia trên thế giới, vận động được công luận của thế giới đứng về phía mình.

- Tại Hội nghị Shangrila 14 sắp tới, Việt Nam sẽ khẳng định quan điểm của mình về tình hình Biển Đông như thế nào?

Tôi khẳng định lại rằng, chúng ta có chính nghĩa và cơ sở pháp lý vững chắc để chứng minh hành động của Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 là sai trái. Chúng ta sẽ mang những lý lẽ chính nghĩa này trình bày với thế giới, thuyết phục công luận trên thế giới, nhân dân ở các quốc gia trên thế giới... Cuộc đấu tranh chính nghĩa của chúng ta sẽ phải thực hiện thường xuyên liên tục. Hội nghị Shangrila 14 là cơ hội để lãnh đạo Việt Nam tiếp tục trình bày chính kiến và lập trường đúng đắn của mình

Minh Đăng
.
.
.