Quốc hội thảo luận về thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012:

Cứ hỗ trợ đồng hạng thì còn nhiều người xin ở lại hộ nghèo

Thứ Bảy, 07/06/2014, 22:31
Mục tiêu giảm nghèo là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước. Thực tiễn thành công của chính sách giảm nghèo đã khẳng định đường lối, quan điểm xuyên suốt của Đảng, thể hiện quyết tâm chính trị, là chính sách ưu tiên hàng đầu, là nỗ lực rất lớn của Dảng, Nhà nước và chính quyền các cấp và người dân cả nước. Bên cạnh những thành tựu đó, công tác giảm nghèo vẫn còn những khó khăn, thách thức. Nguy cơ tái nghèo cao, chênh lệch giàu nghèo có xu hướng gia tăng, ở khu vực đô thị, một bộ phận người nghèo có xu hướng phát sinh do quá trình đô thị hóa, chi phí đắt đỏ…

Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an trao đổi với các đại biểu Quốc hội trong giờ giải lao. Ảnh: TTXVN.

1. Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giai đoạn 2005 - 2012, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22% năm 2005 xuống 9,45% năm 2010 (chuẩn cũ) và từ 14,2% năm 2010 xuống 9,6% năm 2012 (chuẩn giai đoạn 2011-2015). Ở các xã và thôn, bản đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 47% năm 2006 xuống 28,8% năm 2010. Kết quả giảm nghèo đã góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giữ vững an ninh chính trị, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, nâng cao hình ảnh của Việt Nam đối với thế giới.

Qua thảo luận, đa số các đại biểu cho rằng, công tác giảm nghèo vẫn còn bộc lộ những mặt chưa đạt như: Mức sống của hộ nghèo và hộ cận nghèo chưa có sự khác biệt đáng kể nên nguy cơ tái nghèo cao. Một số địa phương có tỷ lệ nghèo giảm nhưng cận nghèo tăng. Tỷ lệ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn cao, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% số người nghèo cả nước.... Để hướng đến giảm nghèo bền vững, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng: Vẫn còn tồn tại phân hóa giàu nghèo giữa các địa bàn dân cư. Nhiều người dân sợ đưa vào diện thoát nghèo vì mất một phần trợ cấp xã hội. “Cho cần câu chứ không cho con cá”, đại biểu Thân Đức Nam nhấn mạnh. Thời gian qua vừa cho con cá vừa cho cần câu, vừa có chính sách cho vay, khuyến nông khuyến ngư và trợ cấp…. Cần phải đưa khoa học vào sản xuất, thay đổi cơ cấu cũng như phương thức tổ chức, sản xuất nông nghiệp, nhất là lao động sản xuất nhỏ, tự cấp tự túc sang những ngành nghề phi nông nghiệp.

Nhấn mạnh đến việc phải có biện pháp để giảm hộ nghèo một cách bền vững, đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) cho rằng: Chính phủ cần đánh giá lại chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất đối với hộ nghèo do quỹ đất không có khả năng đáp ứng. Qua đó, để có chính sách sinh kế cho người dân thông qua cơ chế chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và phát triển hệ thống nhà ở xã hội.

2. Tạo việc làm cho người lao động là nội dung quan trọng đã được nhiều đại biểu nêu ý kiến. Tạo nhiều việc làm ở khu vực nông thôn, khu vực nông nghiệp, phi nông nghiệp. Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) lo lắng về những hạn chế của chính sách giảm nghèo. Bên cạnh những ưu điểm, chính sách giảm nghèo còn manh mún, chưa gắn với điều kiện tham gia của người nghèo, không ít người ỉ lại, trông chờ vào chính sách của Nhà nước. Đại biểu đề nghị cần điều chỉnh chính sách hợp lý, không để người dân ỉ lại. Chỉ khi bất khả kháng, nếu thực sự không có khả năng lao động thì mới hỗ trợ. “Không để người nghèo ở nhà cờ bạc, uống rượu, đánh con… để hưởng chính sách giảm nghèo. Cần xem xét hộ nghèo cho chính xác”, đại biểu Minh kiến nghị.

Người dân vùng nông thôn cần được hỗ trợ hiệu quả để thoát nghèo bền vững. Ảnh minh họa: Duy Hiển.

Các đại biểu cho rằng, muốn giảm nghèo bền vững, cần giải quyết công ăn việc làm và sản xuất hàng hóa, nông dân thì giao rừng, ngư dân thì ưu tiên hỗ trợ vốn, nhà cửa để bám biển đánh bắt hải sản và gìn giữ chủ quyền biển đảo quê hương. Với các ngư dân, các tàu đánh bắt hải sản ở Hoàng Sa, Trường Sa dễ nghèo khi gặp bão, đề nghị cho ngư dân ven biển được trang bị công cụ để tự vệ, học tập luật biển cho ngư dân. Để có tàu sắt cho ngư dân bám biển thực hiện giấc mơ, thì phải sớm giải ngân để ngư dân vay vốn để yên tâm  bảo vệ vùng biển, vùng trời Tổ quốc… Thảo luận về chính sách y tế và chăm sóc sức khỏe, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng: Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo trong thời gian qua được quan tâm ở tất cả các cấp, công tác quản lý, phương thức chi trả khám, chữa bệnh đã có những cải tiến phù hợp hơn. Chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe thông qua bảo hiểm y tế cùng với sự phát triển của tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng y tế cơ sở,… đã góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ y tế và công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Việc mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế với sự hỗ trợ của Nhà nước đã tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ, đáp ứng cơ bản mục tiêu đảm bảo an sinh trong chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người cận nghèo. Tuy nhiên, tỉ lệ sử dụng bảo hiểm y tế của người nghèo ở các địa bàn khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế so với các khu vực khác. Tỉ lệ người cận nghèo mua bảo hiểm y tế rất thấp. Số xã có trạm y tế chưa đạt chuẩn quốc gia, thiếu nhân lực chuyên môn ở các bệnh viện, dịch vụ và cơ sở hạ tầng y tế, giao thông đi lại ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn còn hạn chế đã ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh cũng như cơ hội tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người dân.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh: Dành phần lớn cho giảm nghèo

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Chính phủ vẫn dành một phần lớn cho giảm nghèo. Ngồn vồn từ ngân sách Nhà nước chiếm tỉ trọng lớn, mỗi năm 120 ngàn tỉ đồng, tín dụng ưu đãi. Năm 2014, ngân sách trực tiếp 163 nghìn tỉ đồng, dành một tỉ trọng lớn, được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao, tài trợ tiếp ODA cho Việt Nam.  Tuy vậy còn điều chưa hài lòng, đó là rào cản, các chương trình mục tiêu quốc gia một lúc không thể cắt đi được. Chỉ còn 2 chương trình được giữ nguyên là xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Có vấn đề là, ở ta cứ ai nghèo là ưu đãi như nhau, khiến  phản tác dụng. Nhân đạo, nhưng đồng tiền bỏ ra phải có động cơ và động lực, phải cam kết vươn lên chứ không phải cứ thu nhập dưới 400 ngàn đồng là hộ nghèo. Thực tế nhiều người xin được ở lại hộ nghèo. Phải tăng nhận thức vươn lên để thoát nghèo, sức dài vai rộng mà lười lao động thì thôi…

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát: Thu nhập cao sẽ tự giải quyết khó khăn

Xóa đói giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, thành tựu rất to lớn. Thông qua phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, thủy sản, chế biến… gần đây là xây dựng nông thôn mới. 90% hộ nghèo sống ở nông thôn, thường là sống ở vùng khó khăn thiếu nước sinh hoạt, thiếu đường giao thông. Cần phải quan tâm hỗ trợ vùng nghèo phát triển hàng hóa. Cuộc sống tự cung tự cấp không giúp thu nhập cho người nghèo. Cần có giải pháp, đó là giao thông tốt để tiếp cận thị trường, hỗ trợ vật nuôi, hàng hóa, khuyến nông, bảo vệ thực vật, hỗ trợ bảo vệ rừng,  trồng rùng để có thu nhập. Khuyến khích doanh nghiệp để tiếp cận thị trường. Nên tập trung vào 2 nguồn lực: Xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo. Khi có thu nhập cao, người dân tự giải quyết những khó khăn trong cuộc sống của mình.

Kim Quý - Vũ Hân
.
.
.