Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần gắn chặt hơn nữa với công tác xây dựng Đảng

Thứ Sáu, 11/09/2015, 09:08
Chiều 10/9, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức lễ khai giảng năm học 2015-2016. Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo.

Khai giảng năm học mới, GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện nêu rõ: Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, năm học 2015-2016, Học viện tiếp tục mở rộng hợp lý quy mô gắn liền với nâng cao chất lượng đào tạo các lớp cao cấp lý luận chính trị tập trung; đẩy mạnh đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý có trình độ chuyên môn cao (bậc thạc sĩ và tiến sĩ). Học viện đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện để tổ chức các lớp bồi dưỡng Bí thư cấp ủy cấp huyện cho Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Học viện tích cực tham gia bồi dưỡng cán bộ dự nguồn cấp tỉnh, thành phố cho các địa phương trong cả nước.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tô Huy Rứa đã biểu dương những kết quả đã đạt được của Học viện trong năm học vừa qua; chúc các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, viên chức Học viện bước vào năm học mới với khí thế mới, quyết tâm mới.

Phân tích bối cảnh tình hình, đồng chí Tô Huy Rứa nhấn mạnh vị trí, những yêu cầu đặt ra đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các ngành, các cấp của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội để Học viện định hướng các mặt công tác trong năm học tới và những năm tiếp theo. Đồng chí đề nghị công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học của Học viện cần gắn chặt hơn nữa với công tác xây dựng Đảng, nhất là với các nhiệm vụ cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Đồng chí Tô Huy Rứa lưu ý: Trong quá trình giảng dạy theo chương trình, giáo trình mới, cần nhận thức sâu sắc Học viện luôn luôn là một Trường Đảng Trung ương với những chức năng đặc biệt quan trọng. Đó là, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt trong hệ thống chính trị, góp phần bảo vệ, củng cố vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng và làm sâu sắc hơn kim chỉ nam cho cách mạng nước ta.

Đó là đảm bảo cho Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có phẩm chất và đạo đức cách mạng trong sáng, tiêu biểu cho trí tuệ của nhân dân, có năng lực động viên, tập hợp, tổ chức mọi tầng lớp nhân dân vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bởi vậy, Học viện cần nghiêm túc tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình đào tạo, bồi dưỡng theo các chương trình, giáo trình mới cả về nội dung và phương pháp. Các chương trình, giáo trình này nhất thiết phải đảm bảo tính Đảng và tính khoa học, phải không có nội dung trùng lặp với các chương trình giáo dục lý luận chính trị của các cơ sở đào tạo khác của đất nước.            

Năm học 2015 - 2016 cũng là thời điểm toàn Đảng, toàn dân tham gia góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn 30 năm đổi mới đất nước; sau đó là quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII. Hàng loạt vấn đề vừa quan trọng, cấp bách vừa cơ bản, lâu dài đang và tiếp tục thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Trước các vấn đề này, tiếng nói và sự đóng góp của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần rõ nét và hiệu quả hơn nữa.   

PV (theo TTXVN)
.
.
.