Công an trong vùng đồng bào Chăm am hiểu phong tục tập quán

Thứ Tư, 09/09/2009, 13:05
Trung tướng Trần Đại Quang, Thứ trưởng Bộ Công an yêu cầu, phải củng cố lại lực lượng Công an cơ sở đủ mạnh, am hiểu phong tục tập quán, sinh hoạt của dân tộc Chăm; từng bước đào tạo đội ngũ cán bộ Công an là con em của đồng bào dân tộc tại địa bàn...

Ngày 7/9, tại tỉnh Ninh Thuận, Bộ Công an đã tổ chức sơ kết 5 năm đảm bảo ANTT trong vùng đồng bào dân tộc Chăm. Trung tướng Trần Đại Quang, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã đến dự và phát biểu chỉ đạo. Về dự sơ kết còn có Công an 10 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam có đông đảo đồng bào dân tộc Chăm sinh sống từ Bình Định, TP Hồ Chí Minh đến tỉnh An Giang.

Thứ trưởng Trần Đại Quang trao đổi với các đại biểu dự Hội nghị.

5 năm qua, các đơn vị địa phương đã nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 06/2004/CT-TTg ngày 18/2/2004 của Thủ tướng Chính phủ "Về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo ANTT đối với vùng đồng bào dân tộc Chăm…", cơ bản đã làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, góp phần giữ vững ANTT, bảo vệ tuyệt đối an toàn các ngày lễ, Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Chăm.

Song song với công tác đảm bảo an toàn sản xuất, thúc đẩy kinh tế phát triển; công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đảm bảo an ninh trong khu vực đồng bào dân tộc Chăm đã được Công an các đơn vị địa phương quan tâm; lực lượng Công an đã tham mưu tốt cho các bộ, ban, ngành triển khai nhiều phong trào cách mạng khác, đẩy mạnh việc cải cách hành chính, phục vụ yêu cầu tư pháp của đồng bào kịp thời, được đồng bào trong dân tộc Chăm đồng tình ủng hộ. Bên cạnh đó, lực lượng Công an còn chủ động liên hệ với các ngành chức năng, hỗ trợ bà con về kỹ thuật, nguồn vốn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trong nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế gia đình trong cộng đồng người Chăm tại địa phương, nâng cao mức sống, vươn lên làm giàu cho gia đình và xã hội…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Đại Quang nêu rõ: Phải tập trung đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả chiến tranh tâm lý, phá hoại tư tưởng của các thế lực thù địch, chủ động hơn trong công tác thông tin, tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và đồng bào Chăm hiểu rõ âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, từ đó nâng cao cảnh giác, không nghe và làm theo luận điệu của địch.

Trước mắt phải củng cố lại lực lượng Công an cơ sở đủ mạnh, am hiểu phong tục tập quán, sinh hoạt của dân tộc Chăm; từng bước đào tạo đội ngũ cán bộ Công an là con em của đồng bào dân tộc tại địa bàn, lực lượng Công an phải làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt chính sách đảm bảo an sinh xã hội, dân tộc, tôn giáo; chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc để phá hoại chủ trương đại đoàn kết dân tộc, từ đó nâng cao cảnh giác không nghe và làm theo luận điệu của địch, phản bác lại luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch và bọn phản động lợi dụng dân tộc Chăm ở bên ngoài…

Phương Nam
.
.
.