Hiệp định về dẫn độ giữa CHXHCN Việt Nam và Cộng hòa Pháp

Cơ sở pháp lý quan trọng hợp tác song phương phòng, chống tội phạm

Thứ Ba, 21/07/2020, 07:40
Để giúp bạn đọc có thể hiểu rõ về nội dung của Hiệp định về dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Pháp, Báo CAND trân trọng giới thiệu bài viết của Trung tướng, GS, TS. Nguyễn Ngọc Anh, Ban Nghiên cứu chuyên đề giúp việc Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam về Hiệp định.

LTS: Ngày 1-5-2020, Hiệp định về dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Pháp chính thức có hiệu lực pháp lý. Việc đàm phán, ký và hoàn tất thủ tục pháp luật để Hiệp định này có hiệu lực đã khẳng định ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị, ngoại giao, pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động phòng, chống tội phạm và hợp tác giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật của hai nước trong truy bắt, dẫn độ đối tượng phạm tội lẩn trốn ra nước ngoài, thể hiện cam kết quốc tế của hai nước về việc không để quốc gia mình thành nơi lẩn trốn an toàn của các đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài, phạm tội xuyên quốc gia.

Để giúp bạn đọc có thể hiểu rõ về nội dung của Hiệp định này, Báo CAND trân trọng giới thiệu bài viết của Trung tướng, GS, TS. Nguyễn Ngọc Anh, Ban Nghiên cứu chuyên đề giúp việc Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam về Hiệp định.

Thiếu tướng, GS, TS. Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam và ông Pierre-Christian Soccoja, Cục trưởng Cục Điều ước quốc tế, các vấn đề dân sự và tương trợ tư pháp, Tổng cục nước Pháp ở hải ngoại và hành chính lãnh sự, Bộ Ngoại giao ký tắt dự thảo Hiệp định dẫn độ với Cộng hòa Pháp. (Paris, Pháp, tháng 12-2014).

1. Thực hiện ủy quyền của Chủ tịch nước và sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, tháng 12-2014, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Ngoại giao đàm phán dự thảo Hiệp định về dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà Pháp tại Pa-ri, Cộng hòa Pháp. Kết thúc vòng đàm phán thực chất và hiệu quả, ngày 4-12-2014, hai Trưởng đoàn đã ký Biên bản đàm phán và ký tắt vào dự thảo Hiệp định; đồng thời, thống nhất báo cáo cấp có thẩm quyền hai nước để hoàn thành việc ký Hiệp định trong thời gian sớm nhất có thể.

Ngày 6-9-2016, tại Hà Nội, đại diện được ủy quyền của hai nhà nước đã ký Hiệp định về dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà Pháp (Hiệp định). Sau thời gian hoàn thành các thủ tục trong nước và trao đổi công hàm ngoại giao, Hiệp định có hiệu lực vào ngày 1-5-2020 (theo Thông báo số 33/2020/TB-LPQT ngày 23-5-2020 của Bộ Ngoại giao về hiệu lực của điều ước quốc tế). Việc có hiệu lực của Hiệp định về dẫn độ giữa Việt Nam với Cộng hòa Pháp khẳng định ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị, ngoại giao, pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động phòng, chống tội phạm và hợp tác giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật của hai nước trong truy bắt, dẫn độ đối tượng phạm tội lẩn trốn ra nước ngoài, góp phần giải quyết, xử lý hiệu quả các vụ án hình sự và phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia có liên quan đến hai nước.

2. Hiệp định bao gồm Tên gọi, Lời nói đầu và 24 điều, với những nội dung chính như sau:

- Lời nói đầu của Hiệp định nêu rõ việc hai bên đàm phán, ký kết Hiệp định này với mong muốn thiết lập hợp tác hiệu quả hơn giữa hai nước trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc của pháp luật quốc tế và tôn trọng các nguyên tắc hiến định của mỗi bên.

- Về nghĩa vụ dẫn độ (Điều 1), các bên cam kết chuyển giao cho nhau, theo quy định của Hiệp định này, bất cứ người nào đang có mặt trên lãnh thổ của một trong các bên, bị các cơ quan tư pháp của bên kia truy tố vì đã thực hiện một tội phạm hoặc truy nã để thi hành hình phạt tù đối với một hành vi có thể bị dẫn độ.

 - Các hành vi có thể bị dẫn độ (Điều 2) là các hành vi bị xử phạt tù từ một năm trở lên hoặc nặng hơn theo pháp luật của bên yêu cầu và bên được yêu cầu. Ngoài ra, nếu việc dẫn độ được yêu cầu nhằm thi hành một hình phạt tù được tuyên bởi cơ quan tư pháp có thẩm quyền của bên yêu cầu, thời hạn chấp hành hình phạt còn lại ít nhất phải là sáu tháng. Nếu yêu cầu dẫn độ liên quan đến nhiều hành vi khác nhau mà mỗi hành vi đều có thể bị xử phạt theo pháp luật của hai bên nhưng một số hành vi không đáp ứng các điều kiện quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này thì bên được yêu cầu cũng có thể đồng ý dẫn độ đối với các hành vi đó. Đối với các tội phạm trong lĩnh vực thuế, phí, lệ phí, hải quan và ngoại hối, việc dẫn độ được thực hiện theo quy định của Hiệp định này.

- Các trường hợp bắt buộc từ chối dẫn độ (Điều 3) bao gồm: a) Đối với các tội phạm được bên được yêu cầu xác định là tội phạm chính trị hoặc hành vi liên quan đến tội phạm chính trị; b) Trong trường hợp bên được yêu cầu có lý do xác đáng để cho rằng việc dẫn độ được yêu cầu nhằm mục đích truy tố hoặc trừng phạt một người vì lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch hoặc chính kiến, hoặc tình trạng của người đó có nguy cơ bị trầm trọng hơn vì một trong các lý do này; c) Trong trường hợp đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành hình phạt theo quy định pháp luật của bên được yêu cầu. Các hành vi được thực hiện trên lãnh thổ của bên yêu cầu nhằm tạm đình chỉ hoặc đình chỉ thời hiệu được bên được yêu cầu xem xét nếu pháp luật của bên này cho phép; d) Trong trường hợp tội phạm bị yêu cầu dẫn độ được bên được yêu cầu xác định là tội phạm chỉ mang tính chất quân sự; e) Trong trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ sẽ bị xét xử bởi một tòa án không đáp ứng các bảo đảm cơ bản về thủ tục hoặc trong trường hợp việc dẫn độ được yêu cầu để thi hành một hình phạt do tòa án đó tuyên; f) Trong trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ đã bị xét xử ở bên được yêu cầu mà bản án đã có hiệu lực pháp luật tuyên có tội, tuyên không có tội, hoặc có một quyết định đại xá hoặc đặc xá, về tội phạm hoặc các tội phạm bị yêu cầu dẫn độ; g) Trong trường hợp hình phạt có thể bị áp dụng theo pháp luật của bên yêu cầu về những hành vi bị yêu cầu dẫn độ là tử hình, trừ trường hợp bên yêu cầu cung cấp đảm bảo chắc chắn rằng hình phạt tử hình sẽ không bị áp dụng, tuyên án hay thi hành.

- Các trường hợp có thể từ chối dẫn độ (Điều 4) bao gồm: a) Trong trường hợp, theo pháp luật của bên được yêu cầu, các cơ quan tư pháp của bên này có thẩm quyền xét xử tội phạm bị yêu cầu dẫn độ; b) Trong trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ bị truy tố ở bên được yêu cầu, về tội phạm hoặc các tội phạm bị yêu cầu dẫn độ, hoặc trong trường hợp các cơ quan tư pháp của bên được yêu cầu đã quyết định, theo thủ tục phù hợp với pháp luật nước mình, không truy tố hoặc chấm dứt việc truy tố đã tiến hành với tội phạm hoặc các tội phạm đó; c) Trong trường hợp tội phạm bị yêu cầu dẫn độ được thực hiện ngoài lãnh thổ của bên yêu cầu và pháp luật của bên được yêu cầu không cho phép truy tố tội phạm đó được thực hiện ngoài lãnh thổ của mình; d) Trong trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ đã bị xét xử bởi một bản án có hiệu lực pháp luật tuyên có tội hoặc không có tội ở một nước thứ ba về tội phạm hoặc các tội phạm bị yêu cầu dẫn độ; e) Vì những lý do nhân đạo, trong trường hợp việc chuyển giao người bị yêu cầu dẫn độ có thể gây ra cho người đó những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chủ yếu do tuổi tác hoặc tình trạng sức khỏe.

- Về dẫn độ công dân (Điều 5), Hiệp định quy định việc dẫn độ không được thực hiện nếu người bị yêu cầu dẫn độ có quốc tịch của bên được yêu cầu. Quốc tịch được xác định vào ngày thực hiện tội phạm bị yêu cầu dẫn độ. Nếu việc dẫn độ bị từ chối chỉ căn cứ vào quốc tịch của người bị yêu cầu dẫn độ thì bên được yêu cầu, theo quy định pháp luật của nước mình và theo tố cáo của bên yêu cầu về hành vi phạm tội, phải chuyển vụ việc cho các cơ quan có thẩm quyền của nước mình để tiến hành thủ tục tố tụng hình sự, nếu cần thiết. Nhằm mục đích đó, các tài liệu, báo cáo và đồ vật liên quan đến hành vi phạm tội được chuyển miễn phí theo phương thức quy định tại Điều 8 Hiệp định này và bên yêu cầu được thông tin về việc xử lý yêu cầu của mình.

- Về thủ tục, Điều 6 Hiệp định quy định Trừ trường hợp Hiệp định này có quy định khác, pháp luật của bên được yêu cầu là hệ thống pháp luật duy nhất được áp dụng đối với thủ tục bắt khẩn cấp, dẫn độ và quá cảnh.

- Mỗi bên chỉ định một cơ quan trung ương để thực hiện hiệp định này (Điều 7), theo đó, đối với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan trung ương là Bộ Công an; đối với Cộng hòa Pháp, cơ quan trung ương là Bộ Tư pháp.

- Về thủ tục yêu cầu dẫn độ (Điều 8), yêu cầu dẫn độ và mọi giấy tờ, tài liệu trao đổi sau đó được chuyển qua đường ngoại giao. Yêu cầu dẫn độ phải được lập bằng văn bản có các nội dung sau: (i) tên, địa chỉ của cơ quan có thẩm quyền yêu cầu dẫn độ và tên, địa chỉ của cơ quan được yêu cầu dẫn độ; (ii) tài liệu mô tả các hành vi bị yêu cầu dẫn độ, nêu thời gian, địa điểm thực hiện hành vi, tính chất pháp lý của các hành vi và dẫn chiếu các quy định pháp luật được áp dụng đối với các hành vi đó, bao gồm cả các quy định về thời hiệu; (iii) nội dung các quy định pháp luật áp dụng đối với tội phạm hoặc các tội phạm bị yêu cầu dẫn độ, các hình phạt tương ứng và thời hiệu, và trong trường hợp tội phạm được thực hiện ở ngoài lãnh thổ của bên yêu cầu, nội dung các quy định pháp luật hoặc quy định của điều ước quốc tế trao thẩm quyền cho bên đó; (iv) tài liệu mô tả đặc điểm nhận dạng cụ thể của người bị yêu cầu dẫn độ (nếu có) và mọi thông tin khác nhằm xác định danh tính, quốc tịch và nếu có thể, nơi lưu trú của người đó.

Trong trường hợp yêu cầu dẫn độ nhằm truy cứu trách nhiệm hình sự, yêu cầu dẫn độ phải kèm theo bản gốc hoặc bản sao xác thực lệnh bắt của cơ quan tư pháp có thẩm quyền của bên yêu cầu.

Trong trường hợp yêu cầu dẫn độ nhằm thi hành hình phạt tù, yêu cầu dẫn độ phải kèm theo bản gốc hoặc bản sao xác thực của bản án kết tội có hiệu lực thi hành và quyết định về mức hình phạt được tuyên và thời hạn chấp hành hình phạt còn lại.

- Về bổ sung thông tin (Điều 9), nếu thông tin hoặc tài liệu được bên yêu cầu cung cấp không đủ để cho phép bên được yêu cầu ra quyết định theo quy định của Hiệp định này, hoặc nếu các thông tin, tài liệu đó không hợp lệ thì bên được yêu cầu đề nghị bổ sung các thông tin cần thiết hoặc thông báo cho bên yêu cầu các nội dung còn thiếu hoặc không hợp lệ để chỉnh sửa. Bên được yêu cầu có thể ấn định thời hạn để cung cấp các thông tin bổ sung hoặc chỉnh sửa các nội dung không hợp lệ.

- Về bắt khẩn cấp (Điều 16), Hiệp định quy định: Trong trường hợp khẩn cấp, các cơ quan có thẩm quyền của bên yêu cầu có thể yêu cầu bắt khẩn cấp người bị yêu cầu dẫn độ. Yêu cầu bắt khẩn cấp phải bằng văn bản, nêu rõ có một trong số các giấy tờ thay thế quy định tại các điểm b và c Điều 8 Hiệp định này và cho biết ý định gửi yêu cầu dẫn độ. Văn bản này cũng nêu rõ tội phạm bị yêu cầu dẫn độ, thời gian, địa điểm và hoàn cảnh thực hiện tội phạm cũng như tất cả các thông tin cần thiết cho phép xác định danh tính, quốc tịch và nơi lưu trú của người bị truy nã. Yêu cầu bắt khẩn cấp được chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền của bên được yêu cầu, hoặc bằng đường ngoại giao, hoặc thông qua Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), hoặc bằng bất kỳ phương thức nào thể hiện dưới dạng văn bản và được các bên chấp thuận.

Ngay sau khi nhận được yêu cầu tại khoản 1 Điều này, các cơ quan có thẩm quyền của bên được yêu cầu phải xử lý theo quy định pháp luật nước mình. Bên yêu cầu được thông báo về việc xử lý yêu cầu đó. Việc bắt khẩn cấp chấm dứt nếu trong thời hạn sáu mươi ngày kể từ ngày bắt, bên được yêu cầu không nhận được yêu cầu dẫn độ và các giấy tờ, tài liệu quy định tại các điểm b và c Điều 8 Hiệp định này. Việc trả tự do cho người bị bắt khẩn cấp có thể thực hiện vào bất kỳ thời điểm nào nhưng bên được yêu cầu phải có trách nhiệm thực hiện mọi biện pháp cần thiết, nếu cần, để tránh việc người này bỏ trốn. Việc trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều này không ngăn cản việc bắt lại và dẫn độ người đó nếu yêu cầu dẫn độ chính thức và các giấy tờ, tài liệu quy định tại Điều 8 Hiệp định này được chuyển đến sau đó.

- Các điều 10, 11, 12, 13, 14, 15, 17, 18, 19, 20, 21, 22 và 23 quy định về các vấn đề ngôn ngữ sử dụng và xác thực tài liệu; quyết định và chuyển giao; hoãn dẫn độ hoặc dẫn độ tạm thời; chuyển giao tài sản; quy tắc đặc biệt; dẫn độ lại sang nước thứ ba; thông báo kết quả; quá cảnh; nhiều yêu cầu dẫn độ; chi phí; quan hệ với các điều ước quốc tế khác; giải quyết tranh chấp; áp dụng về thời gian tương tự như với các hiệp định về dẫn độ khác mà Việt Nam đã ký kết.

- Điều 24 Hiệp định quy định Hiệp định này có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai kể từ ngày nhận được thông báo cuối cùng của các thông báo về hiệu lực của các bên. Mỗi bên có thể chấm dứt Hiệp định này vào bất kỳ thời điểm nào bằng việc gửi thông báo bằng văn bản cho bên kia qua đường ngoại giao. Trong trường hợp này, Hiệp định chấm dứt hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ sáu kể từ ngày nhận được thông báo đó. Các yêu cầu dẫn độ đã nhận được trước khi Hiệp định chấm dứt hiệu lực vẫn được xử lý theo quy định của Hiệp định.

3. Hiệp định về dẫn độ giữa hai nước có hiệu lực từ ngày 1-5-2020. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan thực thi và bảo vệ pháp luật của hai quốc gia hỗ trợ lẫn nhau trong truy bắt, dẫn độ người có hành vi phạm tội lẩn trốn từ nước này sang nước kia, tạo điều kiện cho việc điều tra, xử lý vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài liên quan đến hai quốc gia. Ngoài việc quy định mục đích, phạm vi, đối tượng, điều kiện, thẩm quyền và cách thức hợp tác giữa cơ quan chức năng của hai nước, Hiệp định còn thể hiện thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, không để quốc gia mình trở thành nơi lẩn trốn an toàn của các đối tượng phạm tội có yếu tố nước ngoài.

Hiệp định được đàm phán, ký kết trên cơ sở nội dung đã được hai bên thống nhất, bảo đảm các nguyên tắc được quy định tại Luật Điều ước quốc tế năm 2016 (trước đây là Luật Đàm phán, ký kết và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005), Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2018 và các văn bản pháp luật có liên quan ở Việt Nam; phù hợp với thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về dẫn độ và phòng, chống tội phạm. Cùng với việc ký kết Hiệp định về tương trợ tư pháp về hình sự (có hiệu lực ngày 1-5-2020) và hơn 40 điều ước quốc tế song phương và đa phương quy định về dẫn độ, tương trợ tư pháp về hình sự, phòng, chống tội phạm ma túy, khủng bố, mua bán người…

Hiệp định dẫn độ giữa Việt Nam và Pháp góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý quốc tế trong lĩnh vực tố tụng hình sự, tăng cường khả năng của các cơ quan chức năng trong nước, nâng cao hiệu quả hợp tác thực thi pháp luật giữa hai nước trong truy bắt các đối tượng bỏ trốn, góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm, đóng góp tích cực vào việc củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược trong thời gian tới.

Trung tướng, GS, TS Nguyễn Ngọc Anh
.
.
.