Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11:

Có khả năng đạt và vượt một số chỉ tiêu vĩ mô

Thứ Ba, 02/12/2014, 09:55
Ngày 1/12, Thủ tướng đã chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11/2014. Theo đó, Thủ tướng khẳng định nếu không có đột biến bất thường, chúng ta có khả năng đạt và vượt các chỉ tiêu đã báo cáo với Quốc hội, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8% trong năm nay. Bên cạnh đó, tại phiên họp báo Chính phủ, nhiều thông tin liên quan đến việc xử lý sai phạm của ông Trần Văn Truyền, đối phó với hụt thu ngân sách do giá dầu giảm, việc tinh giản biên chế… cũng đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ giải đáp.

Thông cáo của Chính phủ cho biết, qua tháng 11, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, đà tăng trưởng tiếp tục được phục hồi, tăng trưởng GDP cao hơn cùng kỳ 2 năm trước, nhiều khả năng cả năm sẽ đạt và vượt kế hoạch đề ra là 5,8%. Số doanh nghiệp (DN) phải chấm dứt hoạt động cũng giảm 1,5% so với tháng trước, trong khi số DN thành lập mới tăng 13,7%. Vốn đầu tư cho phát triển, tổng cầu của nền kinh tế đều có xu hướng tăng. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý tình hình xuất hiện nhiều yếu tố cần được xem xét thấu đáo để đưa ra những quyết sách phù hợp. Đơn cử việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm âm trong tháng 11 và cả năm 2014 dự kiến tăng thấp ở mức 3% so với 5% theo kế hoạch cần phải được đánh giá về nguyên nhân, để dự báo tình hình.

Trên một số phương tiện thông tin, nhiều ý kiến quan ngại CPI giảm do tổng cầu yếu, sức mua thấp, có nguy cơ giảm phát. Dù vậy, trong buổi họp báo thường kỳ chiều cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết: Các thành viên Chính phủ khẳng định không có nguy cơ giảm phát, kinh tế vẫn tăng trưởng khá. CPI giảm chủ yếu do giá xăng, giá gas giảm mạnh, là tín hiệu tốt cho DN sản xuất kinh doanh, giảm giá đầu vào, kích thích nhu cầu tiêu dùng.

Chính phủ đã thống nhất đưa vào Nghị quyết là không tăng biên chế trong 2015. Đối với biên chế giảm tự nhiên do nhiều cán bộ đến tuổi nghỉ hưu, các đơn vị có thể bổ sung để đảm bảo nhiệm vụ, nhưng không quá 50% số giảm, để dành số 50% còn lại tính toán cho phát sinh yêu cầu nhiệm vụ mới. Điều này cũng nói lên  sự quyết liệt của Chính phủ  trong điều hành, trong thực hiện các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội. Trong tháng 12 này, Chính phủ cũng đã chỉ đạo các lực lượng tập trung vào công tác chống buôn lậu để ổn định thị trường dịp cuối năm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11. Ảnh: TTXVN .

Chiều cùng ngày, tại phiên họp báo Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên đã trao đổi thêm với báo chí về các thông tin nóng đang được nhân dân cả nước quan tâm. Thứ nhất đối với dự án trên đèo Hải Vân, Bộ trưởng cho biết UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã họp với các cơ quan chức năng và quyết định dừng dự án, giao trách nhiệm cho Ban quản lý dự án Lăng Cô – Chân Mây tiếp tục làm việc với đối tác theo tinh thần đúng pháp luật. Chính phủ cũng giao cơ quan chức năng nghiêm túc rút kinh nghiệm những sơ hở,  bởi qua rà soát cho thấy ngay cả trong hợp đồng của dự án cũng có sơ hở. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành chức năng phối hợp với UBND tỉnh nhanh chóng xem xét, rút ra bài học báo cáo Thủ tướng, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo nếu có vấn đề phát sinh.

Về phương án bù đắp hụt thu do giá dầu thô giảm mạnh trên thị trường thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết đà giảm rất nhanh của giá dầu hiện nay, theo dự báo của các chuyên gia, có khả năng dừng vào giữa 2015.  Tuy nhiên, đó cũng chỉ là dự báo, tình hình còn đang diễn biến phức tạp. Báo cáo kế hoạch cân đối ngân sách của Chính phủ gửi Quốc hội với dự tính giá dầu là 100 USD/thùng. Dự tính nếu giá dầu giảm xuống trên dưới 80 USD/thùng, chúng ta sẽ mất trên dưới 20 nghìn tỷ. Theo thông tin từ Bộ trưởng Nên, giá thành khai thác dầu thô của Việt Nam từ 35 – 40 USD/thùng đến 70 USD/thùng. Hiện Chính phủ đang xem xét phương án chỉ khai thác ở những mỏ có lợi nhuận tương đối tốt, ngừng khai thác những mỏ giá cao và có tính toán các phương án bù đắp. “Đến thời điểm này thì tạm tin rằng phương án Bộ Tài chính đưa ra là khả thi” – Bộ trưởng Nên bày tỏ.

Về tình trạng 600 em học sinh tại Hương Khê (Hà Tĩnh) không đến trường tới nay đã 4 tháng do việc sáp nhập trường, Bộ trưởng Nên cho biết, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đích thân chỉ đạo và yêu cầu phải đưa các em trở lại trường học trong tháng 12 này.

Tiếp tục thông tin về sai phạm của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền và sai phạm của một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, Bến Tre về phân nhà, và xử lý hậu quả của việc bổ nhiệm hàng loạt cán bộ của ông Truyền trước đây, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết hiện các bên liên quan đang tiến hành xử lý, kiểm điểm theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau đó sẽ có thông tin đầy đủ hơn. Qua trường hợp của ông Trần Văn Truyền cho thấy thái độ kiên quyết, tinh thần trách nhiệm cao, và sự công khai, minh bạch trong xử lý. “Tất cả các trường hợp khác nếu có vi phạm chắc chắn cũng sẽ thực hiện như vậy” – Bộ trưởng khẳng định.

Chính thức quyết định nghỉ Tết Âm lịch 9 ngày và Tết Dương lịch 4 ngày

Tại phiên họp thường kỳ ngày 1/12, Chính phủ đã thảo luận về Tờ trình của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc nghỉ Tết Nguyên đán và hoán đổi ngày nghỉ hằng tuần vào dịp nghỉ lễ năm 2015 với cán bộ, công chức, viên chức. 

Các ý kiến nhất trí với phương án do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất, lựa chọn. Theo đó, công chức, viên chức nghỉ 9 ngày đối với Tết Nguyên đán 2015 (từ ngày 15/2 đến hết ngày 23/2/2015); nghỉ 4 ngày đối với Tết Dương lịch 2015 (từ ngày 1/1 – 4/1/2015); nghỉ 6 ngày dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Ngày Chiến thắng 30-4 và Ngày Quốc tế Lao động 1-5 (từ 28/4 - 3/5). 
Vũ Hân
.
.
.