Cô giáo nhận lương hưu 1,3 triệu đồng: Chính sách không làm sai

Thứ Ba, 31/10/2017, 11:53
Sáng 31-10, trước phát biểu của đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) về tâm tư của cô giáo công tác 33 năm nhận mức lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi đã có tranh luận và khẳng định: Chính sách làm không sai. Cùng với đó, ông cũng phủ nhận thông tin về tình trạng sa thải công nhân nữ trên 35 tuổi.


Ông Lợi lý giải, cô giáo Trương Thị Lan công tác 33 năm, nhưng có 11 năm làm dạng công điểm, hưởng chế độ theo thỏa thuận, chỉ có 22 năm công tác chính thức. Mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm của cô Lan là 1,8 triệu đồng, và theo quy định, cô được nhận lương hưu bằng 69% lương bình quân đóng bảo hiểm 22 năm, tức là được 1,267 triệu đồng/tháng. 

“Tuy nhiên, tất cả những người tham gia BHXH thấp hơn mức lương cơ sở thì được nhận bằng mức lương cơ sở, nên đã cấp thêm 37.000 đồng cho cô Lan, thành 1,3 triệu đồng/tháng, nên không phải do chúng ta làm sai chế độ, mà vấn đề là cải cách tiền lương theo cách đóng cao để lương hưu cao hơn”.

Theo ông Lợi, có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là đầu tiên là thời gian đóng ít và tiền lương làm căn cứ đóng BHXH trên nền rất thấp. “Bài toán đặt ra ở đây là nếu chính sách bảo hiểm của chúng ta như thế này thì sẽ không thu hút được người tham gia. Khi về hưu lương rất thấp, không đủ sống. Bây giờ hệ thống mầm non của chúng ta đã tốt hơn, lương 5 – 6  triệu đồng/tháng, thì lương về hưu 70% cũng là được. Vì vậy, cần nâng nền mức đóng BHXH trên tổng lương, tăng thời gian đóng bảo hiểm, nữ là 30 năm, nam là 35 năm để đủ 75% thì mức nhận sẽ cao hơn. 

Sắp tới, đề án cải cách đổi mới chính sách tiền lương sẽ trình Trung ương VII xem xét thì phải thiết kế sao cho đảm bảo nâng mức đóng để mức hưởng cao. Nhưng nghịch lý là khi mức đóng tăng thì người lao động và doanh nghiệp lại không muốn, vì muốn “tiền tươi thóc thật” và sợ quỹ này không được bảo toàn” – ông Lợi bày tỏ.

Ông Bùi Sỹ Lợi

Cũng theo ông Lợi, trên thế giới không có nước nào lương về hưu vượt quá 75% của tiền lương đóng như Việt Nam, cao nhất chỉ 50% – 60%. Tuy tỷ lệ cao như vậy, nhưng mức tuyệt đối lại rất thấp vì mức đóng quá thấp, người lao động chủ yếu đóng trên tiền lương tối thiểu vùng, chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng chứ không trên tổng thu nhập. Vì vậy, Bộ Luật Lao động, điều 90 nói phải đóng trên thu nhập để khi về hưu tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cao, tỷ lệ có thấp một chút nhưng số tuyệt đối vẫn cao. Từ 1/1/2018 phải đóng theo tổng thu nhập và hiện các DN đang kêu. 

Ông Lợi cũng cho rằng tư duy của chính sách tiền lương hiện nay có mâu thuẫn. “Bài toán đặt ra là muốn làm lĩnh vực nào cũng được, phần lương cứng của anh phải lớn. Đằng này chúng ta phần cứng lại nhỏ hơn phần mềm, có đến 17 loại phụ cấp. Có ngành có thâm niên, có ngành không có thâm niên, nên có câu chuyện không bình đẳng. Về nguyên lý, đặc điểm ngành cứ hưởng cao hơn nhưng khi về hưu thì cấp bậc ngang nhau phải hưởng như nhau.

Về câu chuyện doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI sa thải công nhân nữ 35 tuổi trở lên, ông Bùi Sỹ Lợi hoàn toàn phủ nhận. Theo đó, ông cho biết: Khi nghe tin này, Thường vụ Quốc hội đã rất bức xúc và ông trực tiếp làm trưởng đoàn đi khảo sát tại 4 tỉnh/thành phố: Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bắc Ninh, thì “doanh nghiệp rất muốn giữ lao động ở độ tuổi cao có kinh nghiệm để làm. 

Có 3 trường hợp rời đi là họ hết hợp đồng, nhưng ở độ tuổi dưới 30, chứ không phải trên 35; thứ hai là nhảy việc và  thứ ba là vi phạm pháp luật bị chấm dứt hợp đồng lao động. Tỷ lệ đến tuổi 35 về ở các doanh nghiệp rất thấp và tỷ lệ là nữ càng thấp. Phải khen rất nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI, đã làm nhà trẻ, nhà ở, chăm sóc người lao động rất tốt” – ông Lợi bày tỏ.

Bên cạnh đó, các DN cũng rất mong Đảng, Nhà nước thực hiện cơ chế đối thoại trong DN theo quy định của pháp luật để giải quyết ngay khó khăn, khúc mắc, không để xảy ra xung đột. Tôi nói thêm để chúng ta đánh giá tình hình đúng, khách quan”. 

Vũ Hân
.
.
.