Chúng ta dễ dãi với người ngoài và khắt khe với người nhà?

Thứ Ba, 31/10/2017, 14:33
“GDP đột ngột giảm rồi đột ngột tăng chỉ vì sản phẩm của doanh nghiệp FDI thực sự là nỗi lo ngại trên thực tế” – Đại biểu Phạm Trọng Nhân bày tỏ trong phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế - xã hội.


Theo ĐB, các DN FDI chiếm 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 70% kim ngạch xuất khẩu, 50% giá trị sản xuất công nghiệp, nhưng thực tế chỉ đóng góp vào ngân sách từ 15% - 19%.

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) từ đầu năm đến thời điểm 20-9 vừa qua có 1.844 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 14,6 tỷ USD, tăng đến 30,4% về vốn so với cùng kỳ năm 2016. Năm 2017 ước vốn đầu tư thực hiện thông qua góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài khoảng 3 tỷ USD. Đây được cho là nguyên nhân giữ vững sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Nhưng sau “cơn địa chấn” của FDI lại là nỗi lo âm ỉ của nhà quản lý, chuyên gia và nhà đầu tư trong nước. Hoàn thành mục tiêu tăng trưởng, thì giá trị nội tại mang lại cho nền kinh tế, đời sống của người dân làm sao? “Đột ngột giảm rồi đột ngột tăng GDP của quốc gia chỉ vì sản phẩm của doanh nghiệp FDI thực sự là nỗi lo đáng ngại trên thực tế”, ĐB Phạm Trọng Nhân nói. Thống kê trong giai đoạn 2015 - 2017 cho thấy, cả nước có khoảng 50% số doanh nghiệp FDI kê khai lỗ. Trong đó có những doanh nghiệp thua lỗ liên tục trong nhiều năm liền, nhưng điểm ngược đời là càng lỗ thì doanh nghiệp FDI càng mở rộng sản xuất.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân

Chưa hết, thống kê trong 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất ở Việt Nam năm 2015 cho thấy một nghịch lý là khối doanh nghiệp FDI có số lượng nhiều nhất, chiếm 46%, nhưng tỷ lệ góp vào tổng thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ chiếm 37%, và có xu hướng giảm dần.

Ở một câu chuyện khác, chỉ tiêu tăng trưởng tổng hợp từ nhiều yếu tố, trong đó có tổng kim ngạch xuất khẩu. Con số 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của FDI giúp Việt Nam tăng trưởng đã bị chuyển giá, nên lợi nhuận từ con số này vô cùng thấp. Vì vậy, dù có thu 20% thuế thu nhập từ con số này thì giá trị cũng không đáng là bao, thậm chí là 0% khi bị báo cáo lỗ, còn 80% thu nhập doanh nghiệp được chuyển về chính quốc. Đại biểu cho rằng câu chuyện nền kinh tế đang vướng trong “bẫy thu nhập trung bình” và sẽ còn bị giữ chặt trong thời gian dài có “nguyên nhân chính xuất phát từ đây”.

“Một trong những mục tiêu thu hút đầu tư là hấp thụ và chuyển giao công nghệ. Thế nhưng, theo thống kê 80% số doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ ở mức trung bình thế giới, 14% ở mức thấp và lạc hậu, 5 - 6% là công nghệ cao. Tuy mang tiếng là công nghệ cao, nhưng thực chất các công đoạn thực hiện ở Việt Nam chỉ đa phần là khâu lắp ráp. Thế nên, Việt Nam từ vị trí 57 trên toàn cầu về tiêu chí, hiệu quả chuyển giao công nghệ tụt xuống vị trí 103 năm 2014 và 46 bậc sau 5 năm, thấp hơn nhiều so với Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Campuchia là điều không quá ngạc nhiên” – ĐB chia sẻ.

“Thử nhìn lại chính sách mà Nhà nước ưu đãi đặc thù cho FDI bao gồm cho phép chuyển lỗ, miễn đánh thuế ra nước ngoài, hoàn thuế cho lợi nhuận tái đầu tư. Chúng ta cứng nhắc, khắt khe với chính người nhà của mình, người luôn đồng cam cộng khổ và có nhiều đóng góp cho kinh tế”, ĐB Phạm Trọng Nhân đánh giá.

Dẫn ra câu chuyện Viettel “vỡ mộng” vì bị Bộ Tài chính “bác” xin ưu đãi thuế như Samsung, hay khoản đầu tư 500 tỷ cho khoa học công nghệ của Gốm sứ Minh Long không được hỗ trợ chỉ vì thiếu vài thủ tục hành chính, ĐB Phạm Trọng Nhân cho rằng, đây là ví dụ cho thấy việc gánh vác vai trò là động lực chính cho nền kinh tế còn khó khăn đến chừng nào. Vừa bị thất thu thuế, công nghệ lạc hậu, cạn kiệt tài nguyên, nhân công rẻ, thiếu công bằng trong ưu đã đầu tư và cuối cùng là hệ lụy từ môi trường. “Điều này có công bằng cho đất nước và người dân? Đã đến lúc phải suy xét trước khi quá muộn”, ĐB cảnh báo.

“Làm sao để rời vai những gã khổng lồ và tự đứng trên đôi chân của mình hay không là câu hỏi lớn mà tất cả chúng ta có trách nhiệm trả lời”!


Vũ Hân
.
.
.