Hội thảo khoa học “Biển Đông – Hợp tác và phát triển bền vững”:

Chứng cứ lịch sử, đấu tranh pháp lý sẽ là “sức mạnh vượt xa” của Việt Nam

Chủ Nhật, 08/06/2014, 10:08
Chiều 6/6, ĐH Quốc gia Hà Nội đã tổ chức hội thảo khoa học “Biển Đông – Hợp tác và phát triển bền vững”. Tại hội thảo này, những chứng lý sống động, những tư liệu khoa học lịch sử quý giá do các nhà khoa học tâm huyết nghiên cứu đã thêm một lần nữa khẳng định: chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là một hiện thực hiển nhiên, là điểm mạnh vững chãi của chúng ta, vượt xa tất cả các quốc gia khác.

Thêm nhiều chứng cứ khoa học lịch sử khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam

GS. Nguyễn Quang Ngọc, một nhà khoa học, một chuyên gia lịch sử tâm huyết đã có những nghiên cứu rất tỉ mỉ, chi tiết, chính xác, có lớp lang về biển Đông. Giải thích về tên gọi biển Đông của Việt Nam, ông cho hay: “Tên gọi biển Đông của Việt Nam xuất hiện từ thời kỳ đầu dựng nước, gắn liền với phạm vi đường bờ biển phía Đông của các quốc gia cổ đại đầu tiên và có xu hướng được tích hợp dần vào dòng chảy chủ đạo của lịch sử với công cuộc Nam tiến được mở đầu vào năm 1069, được căn bản hoàn thành vào năm 1757 và được quy về một mối, thống nhất, ổn định, đầy đủ và trọn vẹn với sự ra đời của vương triều Nguyễn vào đầu thế kỷ XIX. Tên gọi thật ra cũng có nhiều ý nghĩa khác nhau, thậm chí chỉ một tên gọi có thể tùy từng điều kiện, từng hoàn cảnh cụ thể mà mang những hàm ý không giống nhau; nhưng tên gọi biển Đông là thành quả của công cuộc dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của Việt Nam, chắc hẳn sẽ không có sự thay đổi dù chỉ trong quan niệm”.

GS Ngọc còn chia sẻ, từ năm 1993 đến năm 1999, Viện Khảo cổ học, thuộc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia (nay là Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) đã nhiều lần tiến hành điều tra và hai lần khai quật trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Kết quả khai quật ở 4 đảo Trường Sa Lớn, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca và điều tra, thám sát trên 6 đảo khác đã phát hiện được các di tích, di vật thuộc thời đại sắt sớm (tương đương với văn hóa Sa Huỳnh muộn - Champa sớm) ở ven biển miền Trung Việt Nam. Đoàn công tác còn tìm thấy trên các đảo này các mảnh gốm sứ từ thế kỷ XIII-XIV đến thế kỷ XVII-XVIII, là những mảnh hoa văn chìm dưới men, những mảnh trôn bát bôi màu sôcôla cho đến những mảnh vẽ hoa lam muộn.

Bản đồ do J. L. Taberd vẽ năm 1838, trên đó chú thích rõ quần đảo ở vị trí Hoàng Sa là "Paracel seu Cát Vàng” (Paracel hay Cát Vàng). Phần được khoanh tròn.

Theo GS Hà Văn Tấn, Chủ nhiệm chương trình thì: “Chúng ta có thể nói rằng đã tìm được những chứng tích khoa học hiển nhiên về các hoạt động trên biển của cả cư dân tiền sử Việt Nam cũng như của người Việt Nam trong lịch sử, mặt khác là có được những tư liệu, cũng hiển nhiên, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải quốc gia”.

GS Ngọc còn cho hay, thừa nhận mối quan hệ mật thiết giữa vùng biển đảo ở giữa biển Đông với vùng duyên hải đối diện vốn thuộc vương quốc Chămpa nên nhiều bản đồ phương Tây cuối thế kỷ XVI đã vẽ một cách rõ ràng và chính xác các quần đảo Pracel (Paracels) và khu vực duyên hải miền Trung tương đương với tỉnh Quảng Ngãi sau này là Costa da Pracel hay Costa de Pracel (bờ biển Hoàng Sa). Chẳng hạn có thể thấy rất rõ ở 2 tấm bản đồ của Bartholome Lasso (1590 và 1592-94) vẽ quần đảo Pracel (Hoàng Sa) ở ngoài khơi và dải duyên hải đối diện (tương đương với khu vực Quảng Ngãi) được đánh dấu là Costa da Pracel (bờ biển Hoàng Sa). Đặc biệt tấm bản đồ của anh em Van Langren người Hà Lan vẽ năm 1595 đánh dấu rất rõ ràng. I.de Pracel ở ngoài khơi và Costa de Pracel là vùng bờ biển nằm ở phía bên trong Pulo Catam (Cù Lao Ré) thuộc tỉnh Quảng Ngãi hiện nay.

Giải pháp pháp lý sẽ tiếp thêm sức mạnh chính nghĩa của Việt Nam

PGS.TS. Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Hội đồng Viện NCKH Biển và Hải đảo, Giám đốc Trung tâm Luật biển và hàng hải quốc tế (Khoa Luật ĐHQGHN) cho hay, Nhà nước Việt Nam đã xác lập chủ quyền hợp pháp với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, nhưng hiện nay hai quần đảo này đang bị chiếm đóng hoàn toàn (quần đảo Hoàng Sa) hoặc chiếm đóng một phần (quần đảo Trường Sa) một cách bất hợp pháp bởi Trung Quốc và các quốc gia khác. Chính bởi sự chiếm đóng và hiện diện quân sự bất hợp pháp của các quốc gia này ở hai quần đảo khiến cho quá trình thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam bị cản trở, thậm chí bị xâm phạm nghiêm trọng.

Gần đây nhất là vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vị trí nằm hoàn toàn trong giới hạn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (cách đảo Lý Sơn 120 hải lý, cách ranh giới ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam 80 hải lý). Bất chấp luật pháp quốc tế, phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam và thế giới, một tháng qua, Trung Quốc vẫn hạ đặt và duy trì trái phép giàn khoan Hải Dương 981 nằm sâu trong thềm lục địa của Việt Nam với lực lượng quân sự bảo vệ hùng hậu chưa từng có trong 30 năm qua.

Tuy nhiên, PGS.TS. Nguyễn Bá Diến đầy niềm tin khi cho rằng, chúng ta sẽ bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng “nguồn sức mạnh của Việt Nam”. Nguồn sức mạnh đó được kết tinh từ hai bộ phận chính: sức mạnh dân tộc (nội lực) và sức mạnh thời đại (quốc tế). Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là quan điểm cơ bản của Đảng và cũng là một bài học lớn của cách mạng Việt Nam. Hiện nay, trước bối cảnh quốc tế và yêu cầu mới của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bài học đó cần tiếp tục được quán triệt, thực hiện.

Nói về cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, PGS.TS Nguyễn Bá Diến khẳng định, chúng ta phải coi giải pháp pháp lý sẽ như là một công cụ, vũ khí lợi hại. Bởi giải pháp chạy đua vũ trang hay kinh tế, Việt Nam khó có thể ngang bằng với các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc thì Việt Nam hoàn toàn có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử chứng minh chủ quyền của mình trên biển Đông. Đây là điểm mạnh của chúng ta, vượt xa các quốc gia khác. Tuy nhiên, việc giải quyết tranh chấp thông qua các thiết chế tài phán quốc tế, tổ chức quốc tế đòi hỏi phải có sự quyết tâm về mặt ý chí và sự chuẩn bị kỹ lưỡng trên cả phương diện thủ tục, nội dung, nguồn lực (nhân lực, vật lực) và các điều kiện đảm bảo khác.

Giải pháp pháp lý được coi là một trong những hệ giải pháp quan trọng nhất, an toàn và hiệu quả nhất trong tổng thể các giải pháp đấu tranh, bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên biển Đông. Hơn nữa, thông qua việc sử dụng các luận cứ, luận chứng pháp lý được xây dựng trên cơ sở pháp luật quốc tế - cán cân công lý của thời đại, được cả cộng đồng quốc tế xây dựng và tuân thủ - càng tiếp thêm sức mạnh chính nghĩa của Việt Nam trước cộng đồng khu vực và quốc tế.

GS. TSKH Vũ Minh Giang, ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng khoa học để chứng minh chủ quyền tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa và việc thực thi chủ quyền đó một cách liên tục muộn nhất là từ thế kỷ XVII. Bằng chứng đó còn được khẳng định chắc chắn bởi các tư liệu khách quan của người nước ngoài và bởi chính tư liệu Trung Quốc cho đến đầu thế kỷ XX. Nhiều học giả trong và ngoài nước đã có những phân tích xác đáng và đều nhận định khá thống nhất rằng kiểu cách tập hợp, trích dẫn và giải thích sử liệu của nhóm Hàn Chấn Hoa không theo các nguyên tắc khoa học mà có dụng ý chủ quan, cắt xén, lắp ghép tùy tiện và giải thích gượng ép. Có thể nói luận lý của các học giả Trung Quốc về chủ quyền của họ đối với hai quần đảo có từ thời Đông Hán là phi lý, phản khoa học”.

Thu Phương
.
.
.