Chưa thể đánh giá chính xác mức độ khả thi của Dự án TP sông Hồng

Thứ Ba, 04/12/2007, 19:20
Giám đốc Sở Quy hoạch- Kiến trúc Hà Nội cho rằng “Dự án thành phố sông Hồng tiềm ẩn những yếu tố có thể thực hiện được. "Còn nó khả thi đến mức độ nào thì phải tủy thuộc vào chất lượng dự án, do chúng ta biết khai thác những lợi thế của dự án ấy đến đâu”.

Dự án Thành phố sông Hồng là một dự án lớn đang gây sự chú ý của dư luận. Đã có nhiều luồng ý kiến trái chiều nhau xung quanh dự án này. Bên lề kỳ họp thứ 11 HĐND khóa XIII, phóng viên báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Tô Anh Tuấn, Giám đốc Sở Quy hoạch- Kiến trúc Hà Nội xoay quanh vấn đề này.

- Xin ông cho biết những trở ngại trong việc thực hiện di dời trên 100.000 dân trong dự án Quy hoạch thành phố sông Hồng?

Ông Tô Anh Tuấn: Đương nhiên đây là một dự án rất lớn và có nhiều khó khăn phức tạp. Nhưng mặt khác dự án này cũng sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề lớn của Hà Nội. Vấn đề lớn, mục tiêu lớn thì khó khăn cũng lớn. Chúng ta sẽ phải cân nhắc rất kỹ đến di dời giải phóng mặt bằng, thật cần thiết thì mới di dời. Con số 100.000 dân đó đến giờ này mới là đề xuất của nhóm nghiên cứu của Hàn Quốc chứ chưa chính thức.

Bây giờ mới là thời điểm Thành phố xem xét kết quả nghiên cứu đó để có quan điểm của mình. Cái gì họ làm tốt thì ta khai thác, cái gì chưa đạt thì ta yêu cầu sửa, cái gì chưa đúng hướng thì thậm chí ta có những quyết đáp riêng. Còn chuyện chỉnh sửa sông, xây dựng... thì là vấn đề của các nhà khoa học, cơ quan quản lý phải thẩm định cho kỹ, nhưng với trình độ phát triển khoa học kỹ thuật bây giờ thì việc đó không phải là khó. 

- Vậy theo ông, chúng ta phải  làm gì để dự án này không trở thành dự án treo?

Ông Tô Anh Tuấn: Ta mới đang lập quy hoạch chứ chưa phải là dự án. Khi nào được duyệt thì mới chia thành nhiều dự án để thực hiện như dự án về xây dựng đê, dự án cải tạo bãi sông, các khu công viên, đường sá...

Theo tôi, hiện nay chúng ta đang dùng khái niệm “quy hoạch treo” một cách khá ngẫu hứng. Đã gọi là quy hoạch thì phải có tầm nhìn rất xa, từ 20-50 năm.

- Ông có thể cho biết lộ trình thẩm định dự án quy hoạch này?

Ông Tô Anh Tuấn: Đây là quy hoạch lớn, phức tạp chưa từng có tiền lệ. Một quy hoạch tổng hớp lớn cả về mặt kính tế, xã hội, kỹ thuật nên chúng ta chưa có quy định một quy trình cho việc phê duyệt loại quy hoạch như thế. Vì vậy, chúng tôi đã phải báo cáo thành phố để đề xuất một quy trình phê duyệt lên Thủ tướng Chính phủ. Trước hết Thủ tướng phải phê duyệt quy trình phê duyệt ấy  rồi trên cơ sở đó thực hiện việc phê duyệt chứ cái này không có quy định sẵn. Đây là quy hoạch liên ngành, có các vấn đề về thủy lợi, dân sinh, xã hội, kinh tế, công nghệ, quy hoạch đô thị. Theo tôi,  sẽ phải tổ chức thẩm định từng phần hoặc các mặt của dự án ấy theo chuyên ngành. Sau đo, Hội đồng thẩm định quốc gia sẽ đánh giá tất cả các mặt đó và báo cáo Thủ tướng chính phủ để xem xét.

Chiều 3/12, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và thị trưởng Seul  (Hàn Quốc) đã ký biên bản về việc tiếp tục hợp tác trong việc thẩm định quy hoạch này. Trước đây đã một thỏa thuận hợp tác về lập quy hoạch. Phía Hàn Quốc đã lập xong quy hoạch, chúng ta còn việc thẩm định, sửa chữa, chỉnh sửa, trình duyệt cho đến khi được duyệt.

- Thời điểm 30 năm  để thực hiện dự án có quá ngắn không? Và cơ chế tài chính để thu hút vốn liệu có chúng ta có phải thực hiện theo kiểu đổi đất lấy cơ sở hạ tầng?

Ông Tô Anh Tuấn:  Phía Hàn Quốc đề nghị thời gian hoàn thành dự án ngắn hơn, chỉ 13 năm. Thực ra những vấn đề về tính khả thi trong đó có thời hạn là một vấn đề phải được đánh giá kỹ trong việc thẩm định. Họ vừa bắt đầu giao “sản phẩm”, việc thẩm định còn chưa được tiến hành thì nói thời gian ngắn hay dài bây giờ là hơi vội.

Với một dự án đầu tư nhiều tỷ USD thì phải xem xét rất cẩn trọng. Trong quá trình thẩm dịnh phải tính rất kỹ: Nhà nước chi cái gì vào đây, doanh nghiệp chi cái gì vào đây, chính sách, cơ chế của chúng ta như thế nào về tài chính cho hợp lý để có hiệu quả tiền của Nhà nước và người dân, đảm bảo lơi ích của người dân.

Đương nhiên một cơ chế chung phải huy động nhiều nguồn lực, trong đó có những việc Nhà nước phải làm thì phải lấy vốn ngân sách. Còn lại chủ yếu phải huy động nhiều nguồn lực khác chủ yếu là các tập đoàn, doanh nghiệp mạnh có tiềm lực. Một mặt dùng tài chính của họ để thực hiện được các hạng mục dự án, nhưng cũng phải có cơ chế để cho họ có thể thu lại được tiền đã bỏ ra. Còn trong dự án không có một câu nào đề cập đến việc đổi đất lấy cơ sở hạ tầng.

- Hiện nay, có nhiều ý kiến cho nghi ngờ về tính khả thi của dự án này? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Tô Anh Tuấn: Thực ra nói con số đánh giá tính khả thi theo phần trăm thì chẳng ai nói được. Nó rất mơ hồ. Tôi chỉ nói rằng dự án này tiềm ẩn trong nó những yếu tố có thể thực hiện được, Còn nó khả thi đến mức độ nào thì phải tủy thuộc vào chất lượng dự án, do chúng ta biết khai thác những lợi thế của dự án ấy đến đâu.

Một dự án bản thân nó rất khả thi nhưng nếu quản lý kém thì sẽ không thể khả thi. Dự án có khả thi hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Cuối năm nay họ sẽ bắt đầu bàn giao sản phẩm và bắt đầu bước vào giai đoạn thẩm định cái quy hoạch ấy

Ngọc Yến (thực hiện)
.
.
.