Ngày làm việc thứ 5, kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội khóa XIV:

Chưa rõ giải pháp về những vấn đề “nóng”

Thứ Bảy, 06/07/2013, 00:21
Trọn một ngày 5/7 đã được dành để các đại biểu HĐND TP chất vấn lãnh đạo UBND TP xung quanh hàng loạt vấn đề liên quan đến thâm hụt ngân sách, quản lý đất đai, quản lý trật tự đô thị, phòng cháy chữa cháy trên địa bàn. Các câu hỏi được liên tiếp đưa ra nhưng dường như, phần trả lời của lãnh đạo UBND TP chưa trọng tâm và chưa có những giải pháp thỏa đáng.

Cây xăng nào vi phạm phải đình chỉ ngay

Trong số các vấn đề được coi là “trọng tâm” của ngày chất vấn, vấn đề phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các cây xăng được các đại biểu đặc biệt quan tâm. Đại biểu Nguyễn Hoài Nam chất vấn: "Vụ cháy cây xăng ở phố Trần Hưng Đạo đã báo động cho chúng ta, người dân rất lo lắng về các cây xăng trong thành phố. Trong số 52 cây xăng có 60% không đảm bảo phòng cháy phải đình chỉ ngay".

Thay mặt UBND TP Hà Nội, Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy (PCCC) đã đưa ra một loạt nguyên nhân và giải pháp về PCCC trên địa bàn TP. Theo Đại tá Nguyễn Văn Sơn, hàng năm vào đầu vụ nắng nóng hay xảy ra cháy. Nguyên nhân là thời tiết làm vật liệu khô, chất cháy bốc hơi, chỉ cần lượng nhiệt nhỏ cũng dễ bùng cháy. 6 tháng đầu năm 2013, Hà Nội giảm 49 vụ cháy so với cùng kỳ năm trước, gây thiệt hại 8 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Sở PCCC cho biết, sau vụ cháy cây xăng tại số 2B Trần Hưng Đạo, Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy đã kiểm tra 10 cửa hàng xăng dầu, thống nhất phá dỡ 8 cây xăng, ngừng hoạt động 2 cây xăng khác. Đơn vị này sẽ tiếp tục kiểm tra trong tháng 7 để có đánh giá theo tiêu chuẩn mới nhất. Các đại biểu cho rằng, phải nêu rõ thời điểm di chuyển các cây xăng không an toàn và cơ chế giám sát. "Người dân rất lo ngại cháy tại các tòa nhà cao tầng, khi xảy ra hỏa hoạn, thì hệ thống chữa cháy không hiệu quả. Tại sao như vậy, bởi hệ thống đã được thiết kế, thẩm định, phê duyệt? Trách nhiệm của chủ đầu tư và cơ quan quản lý thế nào?", đại biểu Nguyễn Nguyên Quân nêu vấn đề.

Cây xăng số 9 Trần Hưng Đạo nằm trong diện phải di dời.

Trả lời vấn đề này, Đại tá Nguyễn Văn Sơn cho rằng: "Có cửa hàng xăng dầu xây dựng đã 30 năm, khi đó chưa quy định diện tích tối thiểu, còn bây giờ thì có quy định diện tích tối thiểu 300m2. Trước đây, phải cách công trình công cộng là 50m, tiêu chuẩn mới là 100m. Việc áp dụng tiêu chuẩn mới trong nội thành là rất khó khăn”.

Không để tình trạng chủ đầu tư bất động sản tay không bắt giặc

Xung quanh trách nhiệm của UBND TP liên quan đến vấn đề kinh tế ngân sách có nhiều tồn tại, nhiều chỉ tiêu thụt lùi, hàng chục ý kiến lần lượt được nêu ra ngay sau khi Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng đọc báo cáo của UBND TP. Về con số hỗ trợ DN, năm nay, dự toán bố trí 100 tỷ đồng, nhưng kết quả giải ngân 5 tháng đầu năm mới đạt 7,6%, theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng, nguyên nhân là do cơ chế chính sách đặt ra quá chặt chẽ như phải liên quan đến xuất khẩu, có đông lao động… Về dự kiến hụt thu ngân sách của Hà Nội năm nay là 10.300 tỷ đồng, TP chưa có điều chỉnh dự toán thu của năm 2013, vẫn quyết tâm hoàn thành dự toán được giao.

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam cho biết, vấn đề nổi cộm của thành phố hiện nay là người dân (nhà đầu tư thứ cấp) góp vốn cho các dự án xây dựng với hi vọng có nhà ở như cam kết trong hợp đồng, tuy nhiên có nhiều dự án chủ đầu tư thu đến 70-80% tiền của các hộ dân rồi nhưng không hoàn thiện, thậm chí có chủ đầu tư còn “xù” nợ bỏ trốn. Các đại biểu cho rằng, điều này ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề an ninh của TP, gây hậu quả xấu cho xã hội và UBND TP có nắm được danh sách này hay không? Thẳng thắn hơn, ông Nam cho rằng, rất nhiều chủ đầu tư bất động sản gần như “tay không bắt giặc”, lấy những mảnh đất đẹp, chiếm dụng vốn ngân hàng, tiền của người dân.

Giải đáp những băn khoăn của đại biểu, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng cho biết, tại thời điểm này, doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, thì có quyền được cho gia hạn nộp tiền sử dụng đất. Mặc dù vậy, ông Tưởng cũng thừa nhận, trên thực tế có doanh nghiệp làm ăn lỗ, nhưng vẫn phải báo cáo lãi, cho nên Cục Thuế cho rằng họ vẫn phải nộp tiền sử dụng đất. “Ngay cả trường hợp có lãi cũng không có khả năng để nộp tiền vì báo cáo lãi đó cũng chưa thật chính xác. Người ta cố gắng báo cáo lãi để cố gắng giữ thương hiệu, uy tín để tiếp tục làm ăn ở những ngành nghề khác, ở lĩnh vực khác. Cho nên báo cáo lãi ấy cũng chưa phải là báo cáo thật”, ông Tưởng trả lời.

Tuy nhiên, câu trả lời này của vị Phó Chủ tịch UBND TP không làm thỏa mãn các đại biểu. “Nói như Phó Chủ tịch là quá đơn giản. Vì nếu chỉ dựa vào báo cáo, kê khai của doanh nghiệp để cho giãn, hoãn, trong khi bản chất những chủ đầu tư này đã bán đến 70-80% giá trị hàng hóa mà không xem xét trách nhiệm quản lý nhà nước với những vấn đề này. Đó là chưa kể trách nhiệm của thành phố trong việc lựa chọn năng lực của chủ đầu tư trong việc triển khai dự án. Hiện nay, thị trường đã bắt đầu bộc lộ thế nào là chủ đầu tư có năng lực thực sự và chủ đầu tư chộp giật dự án để lấy được đất rồi bán. Tôi thấy thành phố phải tổng hợp vấn đề này và đưa ra giải pháp trong thời gian tới”, một đại biểu nêu ý kiến

Ngọc Yến
.
.
.