Chưa có điều luật quy định, tòa cũng không được ‘né’ trách nhiệm

Thứ Ba, 25/08/2015, 08:10
Đề cập trách nhiệm của tòa án xét xử tranh chấp dân sự trong trường hợp chưa có điều luật quy định, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý: Hiến pháp giao toà thực hiện quyền tư pháp, quyết định đúng-sai, phải- trái. Không thể nói vì không có điều luật quy định nên tòa không nhận, tòa bảo người dân về để tự giải quyết với nhau.

Giải quyết như thế nào các vụ tranh chấp dân sự khi chưa có điều luật quy định là vấn đề được tranh luận tại Hội nghị đại biểu chuyên trách ngày 24/8 về dự án Bộ luật Dân sự sửa đổi. Một số ý kiến cho rằng, vì không có điều luật nên tòa không thể giải quyết, trong trường hợp đó người dân phải tự giải quyết.

Tuy nhiên, quan điểm này bị phần lớn đại biểu phản bác bởi Nhà nước giao cho tòa trách nhiệm giải quyết tranh chấp thì tòa phải làm, trường hợp chưa có điều luật quy định thì phải vận dụng điều luật tương tự hoặc tập quán pháp, tiền lệ pháp để phân giải cho hợp lý.

Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: TTXVN.

Đánh giá cao cách tiếp cận của ban soạn thảo và hướng đổi mới trong dự thảo, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng toà án từ chối giải quyết vì chưa có điều luật là không thể chấp nhận được. Ông chỉ rõ, tòa nhân danh công lý, lẽ phải mà nói thẩm phán không biết xử kiểu gì thì không nên làm thẩm phán. Các nước việc đó người ta làm vài trăm năm rồi, không lẽ Việt Nam đến nay không làm được, người dân không chấp nhận làm thẩm phán mà từ chối giải quyết.

Đồng tình quan điểm, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền xác định, trách nhiệm tòa là phải thụ lý, còn việc xử như thế nào thì tòa phải vận dụng. Ở góc độ toà án, Phó Chánh án TAND tối cao Tống Anh Hào nhấn mạnh, Hiến pháp quy định toà bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân nên toà phải xử lý. Nhà nước không xử lý thì người dân vẫn phải tự xử lý, ảnh hưởng đến vấn đề trật tự xã hội. Do đó, quy định toà không được từ chối giải quyết là bước tiến để toà thực hiện quyền tư pháp, đáp ứng thực tế.

Trong khi đó, đại biểu Trần Đình Nhã lo ngại, xây dựng nhà nước pháp quyền là đảm bảo công dân sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Cơ quan nhà nước phải xử lý theo pháp luật chứ không thể xử lý cái mà luật chưa quy định.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng nhìn nhận, pháp luật phải thống nhất, còn vận dụng tập quán thì mỗi nơi lại khác nhau, điều đó dễ dẫn tới những sai lệch và cảm tính. Đồng thời, áp dụng tập quán, lẽ công bằng để bảo đảm quyền con người, quyền công dân là tốt nhưng phải đặt trong hoàn cảnh của chúng ta, đó là trình độ, kỹ năng thẩm phán.

Chốt vấn đề, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ rõ, Hiến pháp giao toà thực hiện quyền tư pháp, quyết định đúng-sai, phải- trái. Nói không có điều luật thì tòa không nhận, cơ quan nhà nước bảo người dân về để tự giải quyết với nhau là không được, như vậy là thoái thác trách nhiệm. Ở đây cần bàn việc tòa giải quyết như thế nào cho hợp lý chứ không phải từ chối trách nhiệm.

Cũng tại phiên họp sáng qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, trọng tâm là tiếp tục thảo luận, hoàn thiện nhiều bộ luật liên quan lĩnh vực tư pháp. Việc thông qua các dự án luật này tại kỳ họp Quốc hội sắp tới sẽ góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích chính đáng của công dân, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Theo Chủ tịch Quốc hội, khi hoàn thiện pháp luật về tư pháp, cùng mảng pháp luật về tổ chức bộ máy, thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đã được thông qua, có thể nói Quốc hội đã sửa đổi, ban hành hệ thống pháp luật cần thiết triển khai Hiến pháp 2013. Thời gian tới, nhóm pháp luật liên quan đến dân chủ xã hội cũng sẽ được sửa đổi, ban hành như Luật Báo chí sửa đổi, Luật Tiếp cận thông tin, Luật về hội, Luật Biểu tình...

Các luật này từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm cho Quốc hội khoá XIV nền tảng cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc để triển khai Hiến pháp mới. 

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần này, các đại biểu cho ý kiến dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi); Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi)… Nhấn mạnh Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đang lấy ý kiến của nhân dân, liên quan đến quyền con người, bảo vệ công lý, bảo vệ lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu phải cân nhắc thận trọng để đảm bảo quyền con người, quyền công dân.

Về Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), phải quy định để đảm bảo chặt chẽ toàn bộ quy trình từ tạm giam, tạm giữ đến truy tố, xét xử. Xét xử phải theo nguyên tắc công khai, tranh tụng, quyền của luật sư, người tự bào chữa phải được tôn trọng. Quyền tư pháp giao cho toà án và quyết định cuối cùng là của toà án, nhân danh nước CHXHCN Việt Nam.

Nguyễn Thành
.
.
.