Chủ tịch Quốc hội và đại biểu truy vấn chuyện 'tách nhập môn sử'

Thứ Ba, 17/11/2015, 08:06
“Ý đại biểu muốn hỏi là: Theo Bộ trưởng, Lịch sử có còn là môn học độc lập trong sách giáo khoa không” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trực tiếp chất vấn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khi Bộ trưởng giải thích về việc tích hợp môn Lịch sử mà đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) đặt ra trước đó.

Đại biểu và Chủ tịch Quốc hội cùng chất vấn

Không chỉ đại biểu chất vấn mà người điều hành – Chủ tịch Quốc hội cũng trực tiếp đặt câu hỏi, yêu cầu Bộ trưởng trả lời thẳng, rõ vào nội dung đại biểu đặt ra. Điều này tạo không khí sôi động phiên chất vấn và nội dung hỏi đáp có tính trực diện hơn, thay cho việc báo cáo dàn trải dễ gây nhàm chán.

Điển hình, việc chất vấn môn Lịch sử có còn là môn học độc lập? Đại biểu Lê Văn Lai hỏi về đề án giáo dục phổ thông tổng thể, trong đó thay đổi cách giảng dạy bộ môn Lịch sử từ môn học độc lập sang môn tích hợp là căn cứ vào đâu?

Đây chính là nội dung báo chí, dư luận đang bàn luận nóng những ngày qua. Có lẽ đã lường trước được nội dung này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nói: “Đúng là dư luận quan tâm đến môn Lịch sử, vì không thấy môn học này xuất hiện trong chương trình giáo dục mới. Tuy nhiên, vấn đề này chỉ tập trung vào chương trình THPT, còn chương trình tiểu học và THCS về cơ bản nhận được sự nhất trí”.

“Như vậy, nội dung và khối lượng kiến thức về Lịch sử là tăng lên. Vì sao lại đưa môn này vào môn Công dân với Tổ quốc”? – đại biểu hỏi xoáy. Bộ trưởng GD-ĐT lý giải, vì có chủ trương tích hợp, bên cạnh đó, trong luật về giáo dục quốc phòng an ninh có quy định giảng dạy về lịch sử giữ nước, lịch sử quốc phòng nên ban soạn thảo dự kiến đưa vào chỗ này để tránh trùng lắp. Ngoài các nội dung lịch sử được giảng dạy trong phần Công dân với Tổ quốc, ở những môn học khác cũng dự kiến có giảng dạy Lịch sử, ví dụ về Văn học cũng gắn với Lịch sử. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải thích: “Chúng ta giảng về Hịch Tướng sĩ, Bình ngô Đại cáo, Tuyên ngôn độc lập, nếu không gắn với Lịch sử các cháu sẽ không hiểu được và không thể có rung động. Không phải chỉ Văn học mà Địa lý, Âm nhạc, Mỹ thuật cũng gắn kết, hỗ trợ với Lịch sử.

Ví dụ dạy bài hát “Câu hò bên bến Hiền Lương”, “Xa khơi”, nếu không gắn với Lịch sử thì các cháu không hiểu, không rung động. Cho nên rất nhiều môn học khác nữa cũng sẽ làm nhiệm vụ giáo dục truyền thống, giáo dục, hỗ trợ cho Lịch sử”.

Điều hành phiên thảo luận, nhận thấy người trả lời chưa đi vào trực tiếp câu hỏi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chất vấn nóng: “Ý đại biểu hỏi là theo Bộ trưởng,  Lịch sử có còn là môn độc lập trong sách giao khoa không, đề nghị Bộ trưởng trả lời thẳng vấn đề?”. 

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng chất vấn trước Quốc hội.

Không trả lời có hay không, Bộ trưởng giải thích: “Hiện nay, ban soạn thảo đang lắng nghe ý kiến rộng rãi của toàn dân. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ có thảo luận, tiếp thu. Chúng tôi dự kiến sẽ có báo cáo, làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Hội đồng Giáo dục quốc gia, Ủy ban Văn hóa, Thanh thiếu niên nhi đồng, các hội. Sau đó sẽ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Vì đây là chuyện rất hệ trọng”.

Bộ trưởng nói tiếp: “Quan điểm của chúng tôi là, nếu phân tích thấy việc tích hợp làm nhẹ, không làm tăng được thì không tích hợp. Còn việc tích hợp thấy vẫn đảm bảo thì vẫn cho tích hợp. Chúng tôi sẽ làm việc với các hiệp hội, chuyên gia giáo dục để có kết luận cuối cùng”.

Dưới hội trường có sự bàn tán, cho thấy chưa hài lòng với cách trả lời trên.

Tại sao thay bản dịch “Nam quốc sơn hà”?

Cũng về chương trình giáo dục, chất vấn của đại biểu Lê Văn Lai hỏi thẳng: Vì sao Bộ tự ý thay đổi bản dịch cũ của bài “Sông núi nước Nam” đã tồn tại bao đời nay, đã có chỗ đứng trong lòng dân tộc, coi là bản “Tuyên ngôn độc lập” đầu tiên của nước ta bằng bản dịch mới vốn gương gạo và không hay? Đây cũng chính là vấn đề báo chí “xoáy” nhiều ngày qua và hầu hết đều cho rằng, bản dịch mới “thô và vụng” đã làm hỏng bài thơ vốn được lưu truyền bao đời nay trong tâm trí người Việt.

Cụ thể, bản dịch cũ là:

Sông núi nước Nam, vua Nam ở

Rành rành định phận ở sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời

Bản dịch mới là:

Sông núi nước Nam, vua Nam ở

Vằng vặc sách trời chia xứ sở

Giặc dữ cớ sao phạm đến đây

Chúng mày nhất định phải tan vỡ.

 Suy nghĩa giây lát trước câu hỏi này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, văn bản này xuất hiện trong sách giáo khoa lớp 7 từ năm 2003 lần đầu tiên, sau đó tiếp tục được tái bản. “Tôi không có cơ hội để biết được năm 2003 lý do thế nào để làm, nhưng xin khẳng định ý kiến cá nhân là trong lần làm sách giáo khoa này, những thay đổi không cần thiết, không đem lại hiệu quả cao sẽ không đưa vào” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói. (Năm 2003, khi biên soạn bài này, ông Phạm Vũ Luận chưa phải là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT).

Nhiều tín hiệu mới trong tái cơ cấu

Cũng trong phiên chất vấn ngày 16/11, thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo thực hiện nhiệm vụ trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Những năm qua, Chính phủ đã nỗ lực đảm bảo ổn định vĩ mô, cân đối ngân sách, tập trung chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá… Trong bối cảnh kinh tế phát triển không thuận lợi, tăng trưởng thấp hơn dự kiến, trần nợ công và mức bội chi ngân sách đều đã được Quốc hội cho phép tăng lên, duy trì ở mức “phù hợp”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trực tiếp chất vấn.

Nợ công được cơ cấu lại theo hướng tăng tỷ trọng vốn vay trung và dài hạn với lãi suất hợp lý để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn, kiểm soát chặt đễ tránh lãng phí, tăng hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên, cân đối ngân sách nhà nước vẫn còn nhiều khó khăn, cơ cấu chưa hợp lý, chi thường xuyên lớn, bội chi còn cao, còn tình trạng thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá và lãng phí trong chi ngân sách...

Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn. Trong lĩnh vực ngân hàng, chính sách tiền tệ đã được điều hành linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa. Mặt bằng lãi suất hiện nay bằng khoảng 40% so với năm 2011, phù hợp với diễn biến lạm phát. Thị trường tiền tệ dần ổn định, thanh khoản của nền kinh tế và toàn hệ thống được cải thiện.

Về an ninh quốc phòng, Chính phủ cho biết đã ban hành và tích cực triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; đẩy mạnh thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp về an ninh; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, các sự kiện quan trọng của đất nước. Phát hiện, ngăn chặn kịp thời âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, không để bị động, bất ngờ. Hoàn thiện pháp luật về phòng chống tội phạm và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Làm rõ chức danh “hàm”

Đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong điều hành của Chính phủ, đặc biệt là trong việc giữ ổn định đời sống kinh tế - xã hội, tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội vẫn bày tỏ rất nhiều băn khoăn, đặc biệt với những vấn đề đã đặt ra từ đầu nhiệm kỳ nhưng vẫn không có bước tiến nào đáng kể.

Đó là vấn đề năng suất lao động thấp, những yếu kém trong giáo dục, nợ công ngày càng tăng cao, bội chi ngân sách lớn và “quốc nạn” tham nhũng chưa được đẩy lùi. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền bày tỏ: “Trong khi hàng chục triệu công nhân đang vật lộn với mức lương vài triệu đồng/tháng, hàng chục triệu nông dân vẫn đang sống rất khó khăn, thì một bộ phận cán bộ dù chỉ là cấp thấp đã giàu lên nhanh chóng. Một số cán bộ vừa được bổ nhiệm đã bị khởi tố như trường hợp Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã làm cử tri chưa yên tâm”.

Đại biểu cũng chất vấn về chức danh “hàm”, vốn không có trong quy định của pháp luật, nhưng thực tế các bộ lại áp dụng rất nhiều, với lý do là “giải quyết chế độ cho anh em” là chưa thuyết phục, sẽ ra sao nếu các địa phương cũng “noi gương” các bộ? Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho biết đã chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình tại kỳ họp trước, Bộ trưởng cũng đã hứa sẽ tổ chức hội thảo khoa học về vấn đề này, nhưng sau đó không thấy hồi âm. Sau khi đại biểu hỏi lại, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết đã xin ý kiến Thủ tướng, vì có 2 luồng ý kiến khác nhau về vấn đề này. Do đó, đại biểu đã dành câu hỏi chất vấn cho Thủ tướng, “quan điểm của Thủ tướng về vấn đề này thế nào, và “hàm” sẽ còn tồn tại đến bao giờ”?

Đăng Minh – Vũ Hân
.
.
.