Chú Sáu Dân - Ân nhân của văn nghệ sĩ

Chủ Nhật, 15/06/2008, 09:20

Những lần gặp anh em văn nghệ sĩ, chú Sáu không giữ khoảng cách của một người lãnh đạo. Chú ôm và bắt tay những nghệ sĩ lớn tuổi, xoa đầu những người nhỏ tuổi. Chúng tôi có cảm tưởng đứng trước mình không phải là một nhà lãnh đạo mà là một người cha, người chú.

Chú Sáu Dân biết cha tôi (giáo sư Ca Văn Thỉnh) từ lúc cha tôi hoạt động cách mạng chống Pháp.

Sau giải phóng miền Nam, gia đình tôi chuyển vào sống ở Sài Gòn, mối quan hệ giữa chú Sáu và cha tôi trở nên thân thiết hơn. Lúc đó chú đã xem tôi như một đứa cháu gái nhỏ.

Chú Sáu Dân với văn nghệ sĩ TP HCM.

Đầu những năm 1980, tôi đang là hiệu trưởng Trường trung cấp Nghệ thuật sân khấu 2, mỗi lần gặp tôi chú Sáu rất hay hỏi thăm về tình hình của trường. Khi ấy, trường lập một đoàn kịch trẻ. Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí hoạt động, tôi trình bày với chú Sáu xin giúp đỡ. Chú đã chỉ đạo nhiều chủ trương để giải quyết kinh phí hoạt động cho đoàn kịch. Chú còn đề nghị TP cấp cho đoàn kịch một chiếc xe ca để đi diễn. Nhờ vậy mà đoàn kịch trẻ được “cứu sống”.

Những lần gặp anh em văn nghệ sĩ, chú Sáu không giữ khoảng cách của một người lãnh đạo. Chú ôm và bắt tay những nghệ sĩ lớn tuổi, xoa đầu những người nhỏ tuổi. Chúng tôi có cảm tưởng đứng trước mình không phải là một nhà lãnh đạo mà là một người cha, người chú.

Khi biết tin cô Bảy Phùng Há đề xuất thành lập viện dưỡng lão nghệ sĩ, chú Sáu rất khuyến khích thực hiện. Chú đề nghị TP cấp mảnh đất ở đường Âu Dương Lân, quận 8 để làm viện dưỡng lão. Nhờ đó, năm 1998 viện dưỡng lão nghệ sĩ chính thức hình thành. Viện trở thành nơi bảo bọc và cưu mang những nghệ sĩ neo đơn, không nơi nương tựa vào quãng cuối đời...

Có lần khi ăn cơm cùng chú Sáu tại nhà một người thân, tôi đã nói bức xúc của mình về việc Trường trung cấp Sân khấu mãi không được nâng cấp lên đại học. Tôi dẫn ra bao nhiêu lý lẽ về “công trạng” của trường như đào tạo được nhiều thế hệ đạo diễn giỏi như nghệ sĩ Trần Ngọc Giàu, Hồng Vân, Hoa Hạ...

Chú chờ cho tôi nói xong, rồi đùa: “Chị Hai nói hết chưa?”. Sau đó chú mới ân cần hướng dẫn tôi rằng: Muốn được nâng cấp lên đại học thì tự bản thân trường phải cố gắng phấn đấu. Trường cũng phải có những chuẩn bị về nội dung giáo trình, đội ngũ giáo viên... Chú khuyên bảo tôi làm gì cũng phải làm từ gốc đến ngọn, từng bước một.

Chú nhấn mạnh quan trọng nhất là tự bản thân nhà trường phấn đấu, thi đua dạy tốt hơn thì hiển nhiên sẽ được giải quyết nguyện vọng. Chú còn tỉ mỉ hướng dẫn tôi gửi từng văn bản lên lãnh đạo cấp trên. Tôi đã trao đổi lại với ban giám hiệu, xúc tiến làm tuần tự theo những gì chú đã gợi ý, chỉ bảo.

Đến năm 1995, trường được công nhận là trường cao đẳng và hiện nay chúng tôi đã hoàn chỉnh hồ sơ để chuẩn bị nâng cấp lên thành trường đại học...

Với tôi và các anh em văn nghệ sĩ, chú Sáu Dân như một vị cứu tinh, luôn giải quyết những khó khăn cho anh em một cách thấu lý đạt tình. Tôi và anh em nghệ sĩ mang nặng những ân nghĩa, ân tình đối với chú...

Theo Trà Giang (Pháp luật TP HCM) ghi theo lời kể của NSƯT - đạo diễn Ca Lê Hồng
.
.
.