Chính phủ chỉ đạo đưa vốn tín dụng vào các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên

Thứ Hai, 28/05/2012, 08:23
Thực hiện điều hành lãi suất theo hướng mặt bằng lãi suất hạ dần phù hợp với mức giảm của lạm phát đồng thời điều hành theo lạm phát mục tiêu (từ 7-8%). Chỉ đạo kiên quyết việc đưa vốn tín dụng vào các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên theo Nghị quyết 13/NQ-CP.

Phối hợp hài hòa, linh hoạt giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để từng bước hạ lãi suất tín dụng, giải quyết nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp xử lý hàng tồn kho, kích thích tổng cầu của nền kinh tế, đồng thời nhất quán thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát… Đó là những vấn đề trọng tâm được Chính phủ quyết nghị tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, tổ chức ngày 27/5.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2012. Ảnh: T.H.

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì họp báo, thông tin các nội dung chủ yếu phiên họp thường kỳ Chính phủ.

Theo Chủ nhiệm Vũ Đức Đam, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2012 đã có những khởi sắc. Chỉ số giá tiêu dùng giảm mạnh, CPI tháng 5/2012 chỉ tăng 0,18% so với tháng trước và tăng 2,78% so với cuối năm 2011.  Đáng chú ý, đây là tháng đầu tiên thực hiện tăng lương tối thiểu và phụ cấp công vụ nhưng giá cả thị trường tiếp tục ổn định. Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhanh hơn lộ trình giảm mặt bằng lãi suất góp phần tạo niềm tin của thị trường... Tỷ giá ổn định, cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện, dự trữ ngoại tệ tăng.

Tuy nhiên, kinh tế trong nước nổi lên một số khó khăn cần giải quyết như: tăng trưởng kinh tế thấp, mặt bằng lãi suất tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng. Thu ngân sách 5 tháng ước đạt 39,3%, khá thấp so với cùng kỳ năm trước.

Với những kết quả bước đầu đạt được trong 5 tháng đầu năm, Chính phủ nhất trí cho rằng phải kiên trì giữ vững các mục tiêu đã đề ra cho năm 2012: chủ động điều hành kiềm chế lạm phát ở mức khoảng 7 - 8%, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng ở mức hợp lý khoảng 6% và bảo đảm thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội theo kế hoạch đề ra từ đầu năm. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp, chỉ đạo quyết liệt để xử lý nợ xấu, trước hết là nợ xấu giữa các ngân hàng và có biện pháp cơ cấu lại nợ, giãn nợ, cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có tiềm năng kinh doanh tốt nhưng đang khó khăn tạm thời nhằm khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế. Thực hiện điều hành lãi suất theo hướng mặt bằng lãi suất hạ dần phù hợp với mức giảm của lạm phát đồng thời điều hành theo lạm phát mục tiêu (từ 7-8%). Chỉ đạo kiên quyết việc đưa vốn tín dụng vào các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên theo Nghị quyết 13/NQ-CP. Điều hành mức cung ứng tiền và mức tăng trưởng tín dụng hợp lý trong các tháng từ nay đến cuối năm, bảo đảm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng nhưng không để lạm phát cao quay trở lại.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Trước tình hình doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố cần chủ động tăng cường tiếp xúc, lắng nghe các phản hồi về chính sách từ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để có các biện pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Yêu cầu xử lý nghiêm vụ Vinalines

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi phóng viên về sai phạm tại Vinalines, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam cho hay: Việc cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng trong mua ụ nổi là trái với chỉ đạo của Chính phủ và có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đầu tư, cụ thể là đấu thầu. Vụ việc đang được cơ quan điều tra làm rõ, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Trách nhiệm liên quan ai, cơ quan nào sẽ căn cứ kết quả điều tra để xử lý theo quy định. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm các cá nhân sai phạm.

Tại buổi họp báo, đại diện Bộ Công thương cho hay, hiện, Bộ chưa có phương án điều chỉnh giá điện.

Đ.Trường
.
.
.