Quốc hội khóa XIII thảo luận về quyết toán ngân sách:

Chỉ rõ ai, cơ quan nào làm thất thoát ngân sách để xử lý

Chủ Nhật, 26/05/2013, 08:15
“Báo cáo quyết toán ngân sách cần đi đôi với báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nhất là trong các công trình đầu tư xây dựng cơ bản, chi tiêu, sử dụng ngân sách nhà nước để có căn cứ xử lý những hành vi sai phạm”, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) nêu quan điểm trong phiên thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước, sáng 25/5.

Phải tiết giảm chi ngân sách

Nguồn thu ngân sách nhà nước rất khó khăn, nhiều khoản bị thâm hụt, không đạt mục tiêu, trong khi nguồn chi mỗi lúc một “phình”, lại bị thất thoát, tham nhũng, lãng phí, chi sai nguyên tắc... khiến các đại biểu Quốc hội lo ngại. Theo Báo cáo thẩm tra về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2011 là 962.982 tỷ đồng (bao gồm cả thu chuyển nguồn từ năm 2010 sang năm 2011, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2010, thu hồi vốn ngân sách cho vay, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước). Trong khi đó, tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.034.244 tỷ đồng (bao gồm cả chi chuyển nguồn từ năm 2011 sang năm 2012), bội chi ngân sách nhà nước là 112.034 tỷ đồng, bằng 4,4% GDP (không bao gồm kết dư ngân sách địa phương).

Ủy ban Tài chính - Ngân sách thừa nhận, thu ngân sách nhà nước tuy tăng cao nhưng thiếu vững chắc, chưa bắt nguồn từ nội lực của nền kinh tế. Việc lập dự toán chi hoàn thuế giá trị gia tăng trong năm 2011 chưa sát thực tế (dự toán năm 2011 là 42.000 tỷ đồng, thực hiện hoàn thuế là 61.000 tỷ đồng, tăng 19.000 tỷ đồng). Mặc dù tăng thu xuất nhập khẩu 17.065 tỷ đồng nhưng vẫn để nợ số chi hoàn thuế giá trị gia tăng chưa có nguồn thanh toán lên tới 14.532 tỷ đồng, tạo thêm áp lực mất cân đối ngân sách những năm sau. Trong bối cảnh thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, vừa phải tiết kiệm chi thường xuyên, vừa phải cắt giảm đầu tư công, nhưng tổng chi cân đối ngân sách Nhà nước vẫn tăng lớn (61.954 tỷ đồng), vượt 8,5% so với dự toán, trong đó chủ yếu là do tăng chi đầu tư phát triển (56.306 tỷ đồng).

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho hay, kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, số dự án triển khai dở dang, chậm tiến độ khá nhiều, gây lãng phí, khối lượng nợ đọng đầu tư xây dựng tăng cao, các vi phạm trong đầu tư xây dựng cơ bản xảy ra ở tất cả các khâu từ quy hoạch cho đến quyết toán công trình, hiệu quả chi đầu tư xây dựng cơ bản hạn chế, gây thất thoát, lãng phí lớn cho ngân sách Nhà nước. “Chi cho một số lĩnh vực quan trọng như giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, sự nghiệp kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt làm ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ và mục tiêu phát triển chung về kinh tế - xã hội”, ông Hiển nói.

Các đại biểu đề nghị làm rõ hiệu quả chi ngân sách Nhà nước, nhất là đối với những nội dung chi đầu tư, xây dựng cơ bản, đồng thời cần chỉ rõ những cá nhân, tổ chức chi sai nguyên tắc, không hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát ngân sách Nhà nước. Đại biểu Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh) quan ngại, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, việc sử dụng ngân sách Nhà nước lẽ ra phải tiết kiệm tối đa nhưng thực tế vẫn còn tình trạng lãng phí, thất thoát. “Kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong quản lý sử dụng ngân sách chưa nghiêm minh, thất thoát ngày càng tăng trong xây dựng cơ bản, đầu tư dàn trải chưa được khắc phục. Đề nghị Quốc hội cần làm rõ những vi phạm trong sử dụng ngân sách Nhà nước để có hình thức xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật”, bà Dung bức xúc. Bà nói, đây là tiền của của nhân dân, Quốc hội cần xem xét kỹ, Chính phủ cần xác định địa chỉ cụ thể để xử lý nghiêm minh những ai làm thất thoát nguồn lực quốc gia”. Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cũng bày tỏ lo lắng bởi chuyển nguồn ngân sách còn lớn (tăng 23,9%), tăng 24.900 tỷ so với năm 2010, đặc biệt gần 1/4 ngân sách phải chuyển nguồn qua năm sau là “vấn đề cần rút kinh nghiệm”.

Nhiều đại biểu đề nghị siết chặt việc chi ngân sách, tránh thất thoát.

Nợ công đang trong ngưỡng an toàn

Nói về tình hình nợ công ở Việt Nam hiện nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Ninh khẳng định: Theo quy định, nợ công được phép tương đương không quá 65% GDP. Hiện nợ công của Việt Nam vẫn trong ngưỡng an toàn cho phép. Chính phủ sẽ có giải trình chi tiết, cụ thể hơn gửi Quốc hội về vấn đề này.

Trao đổi về việc xử lý nợ xấu, theo Phó Thủ tướng, phần lớn tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu hiện nay là bất động sản. Hiện thị trường địa ốc còn ảm đạm nên nếu vội vàng đem ra bán thì giá rẻ. Nhưng khi thị trường ấm lên, tình hình sẽ lại khác. Xử lý nợ xấu nói chung phải kết hợp nhiều yếu tố, rất khó chứ không phải dễ...

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên): Những “cái không” tạo  đất cho tham nhũng

Báo cáo kiểm toán nêu ra nhiều “cái không” về nguồn thu, chi như không đúng thời gian, không phân bổ hết vốn được giao, không đủ thủ tục, không đúng cơ cấu chương trình được duyệt, không đúng đối tượng mục tiêu, không sát thực tế... Những “cái không” này là mảnh đất tạo điều kiện cho tham nhũng, tiêu cực phát triển. Tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để phiên thảo luận về ngân sách được truyền hình trực tiếp để người dân giám sát, bởi ngân sách là tiền của dân.

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh): Liệu chính sách có lệch?

Nhiều đại biểu tâm tư về cách chúng ta thảo luận và phê chuẩn ngân sách Nhà nước thế nào cho thực chất và hiệu quả. Chúng ta thảo luận về số tiền mà chúng ta đã chi tiêu cách đây 1,5 năm, nhưng số liệu đầy đủ nhất chính là ở quyết toán, bởi số liệu về ngân sách Nhà nước cuối năm cũng là ước thôi. Tuy nhiên, đây là vấn đề chuyên môn sâu nên khó cho đại biểu thảo luận. Tới đây, chúng ta phải nghiên cứu làm sao để đổi mới cách làm, để đánh giá hiệu quả sử dụng ngân sách chính xác hơn.

Về chi ngân sách, vì sao Nghị quyết 11 của Quốc hội đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng chi cho đầu tư phát triển lại tăng 37%, chi cho đầu tư xây dựng cơ bản tăng đến 34,5%. Như vậy, chính sách tài khóa có phối hợp với chính sách tiền tệ để thực hiện mục tiêu chung là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô không, hay mỗi chính sách đi một nẻo...

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng: Giảm mua sắm ôtô, hội họp, tiếp khách... để tiết giảm ngân sách

Được Quốc hội phê chuẩn vào vị trí mới, tân Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng với kinh nghiệm làm tổng kiểm toán đã sớm phác thảo những dự kiến mới, trong đó theo ông “việc quan trọng hàng đầu là đảm bảo cân đối thu, chi ngân sách, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài khóa, thực hiện công khai minh bạch”...

- Tuần tới, ông sẽ đến Bộ Tài chính nhận việc ngay?

À, phải sau khi được Chủ tịch nước ký quyết định phê chuẩn, lúc đó tôi sẽ chính thức bắt tay vào công việc trên cương vị mới. Định hướng lớn sẽ là tiếp tục triển khai những chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, phục vụ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát ở mức thấp hơn, tăng trưởng ở mức cao hơn năm 2012. Nhưng việc quan trọng hàng đầu là đảm bảo cân đối thu, chi ngân sách; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài khóa, thực hiện công khai minh bạch để tăng cường sự kiểm tra giám sát của Nhà nước và xã hội.

- Vậy trong khi chờ quyết định phê chuẩn của Chủ tịch nước, ông sẽ...

Trong những ngày sắp tới, tôi sẽ dành phần lớn thời gian để nắm thật chi tiết thông tin về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước; các giải pháp để chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế góp phần tăng thu ngân sách nhà nước. Đồng thời rà soát các giải pháp để giảm chi ngân sách, thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách.

- Và ưu tiên sẽ là?

Tôi sẽ ưu tiên nắm về tình hình nợ công, nhằm đảm bảo an toàn về nợ và an ninh tài chính quốc gia theo quy định của Luật Quản lý nợ công. Rà soát lại tiến độ thực hiện cải cách các chính sách thuế, phí, lệ phí và thu ngân sách Nhà nước phù hợp để khuyến khích sản xuất tiêu dùng... Tôi cũng sẽ cùng với các đồng chí lãnh đạo Bộ Tài chính rà soát lại các cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả công tác quản lý giá, đặc biệt là giá một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, các dịch vụ công…

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng.

- Thảo luận tại Quốc hội, đại biểu lo lắng thu chi ngân sách?

Tôi chia sẻ điều đó. Theo tôi, việc quan trọng hàng đầu là đảm bảo cân đối thu, chi ngân sách. Cùng với đó là tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, thực hiện công khai minh bạch để tăng cường sự kiểm tra giám sát của Nhà nước và xã hội. Thời gian qua, mặc dù các Bộ, ngành, địa phương đã rất tích cực thực hiện các Nghị quyết nêu trên, nhưng tôi cho rằng còn nhiều nội dung vẫn chậm, chưa được thực hiện một cách hiệu quả. Tới đây nếu được Quốc hội thông qua, Bộ Tài chính sẽ triển khai các nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung thuế giá trị gia tăng một cách nhanh chóng để sớm đưa các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

- Bộ trưởng dự định tiết giảm chi ngân sách thế nào để giảm bội chi?

Về giảm chi ngân sách, cần rà soát các nhiệm vụ chi thường xuyên. Ưu tiên chi cho con người (lương và tính chất lương); các khoản chi đảm bảo hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị, các khoản chi an sinh xã hội, chi đầu tư các công trình quan trọng. Ví dụ như cắt giảm hoặc lùi thời gian các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, các khoản chi mua sắm trang thiết bị, ôtô. Hạn chế tối đa hội nghị hội thảo quốc gia, lễ khởi công, khánh thành, công bố quyết định… Bộ Tài chính đề nghị tiết giảm tối thiểu 20% chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu… Tiết kiệm tối thiểu 30% dự toán kinh phí đã phân bổ cho các nhiệm vụ chi như lễ hội, tiếp khách, hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài…

Đăng Minh (ghi)

Tổng Kiểm toán Nguyễn Hữu Vạn.
Tổng Kiểm toán Nguyễn Hữu Vạn: Kiểm toán và tài chính cũng có nhiều điểm tương đồng

Tân Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn nói rằng, tuy đảm nhận cương vị mới nhưng ông cũng đã có kinh nghiệm về tài chính, mà “kiểm toán và tài chính cũng có nhiều điểm tương đồng”. Ông Vạn đến dự kỳ họp với tư cách khách mời. Bởi vậy, sáng thứ Bảy (25/5), khi được báo chí “săn đón”, Tổng Kiểm toán nói: “Lúc nào các nhà báo cần câu trả lời thì tôi sẽ dành thời gian, nhưng không phải ngay lúc này”...

- Nhưng “ngay lúc này” ghế mới, người mới, hẳn sẽ có nhiều cảm xúc để chia sẻ ngay, thưa ông?

Quyết định bổ nhiệm của Quốc hội có hiệu lực, tôi có thể bắt đầu luôn nhưng có lẽ, tất cả các vấn đề đang ở phía trước, nên cũng cần phải có một khoảng thời gian chuẩn bị.

- Ông có chia sẻ gì về người tiền nhiệm của mình?

Tôi và anh Đinh Tiến Dũng (nguyên Tổng Kiểm toán, hiện là Bộ trưởng Tài chính - PV) cũng như anh Vương Đình Huệ (nguyên Tổng Kiểm toán, hiện là Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - PV) trước đây rất gần gũi nhau, thường xuyên trao đổi, vì công việc cần có sự phối hợp.

- Làm Bí thư của một tỉnh miền núi xa xôi, nay xuống Hà Nội đảm nhận cương vị mà có đại biểu cho rằng “nóng và nhạy cảm”, ông cảm thấy...?
 
Thật ra, về chuyên môn thì kiểm toán và tài chính cũng có nhiều điểm tương đồng. Tôi đã làm công tác tài chính nhiều. Đó là yếu tố để có thể tiếp cận phương pháp làm kiểm toán trong thời gian tới...

- Nguyên tắc của kiểm toán là tìm ra sự trung thực, đúng luật về tài chính, nhưng rất có thể sự thật lại bị chi phối bởi những điều không có trong văn bản, thưa ông?

Đó chính là yêu cầu lớn nhất và là trách nhiệm của ngành kiểm toán. Ngành kiểm toán làm việc theo nguyên tắc trung thực, khách quan và theo pháp luật. Tất nhiên, cơ chế chính sách hiện nay có những điểm đã chuẩn, có những điểm còn cần điều chỉnh, ngành kiểm toán cần xem xét thực tế để đưa ra kiến nghị.

- Báo chí cần nhiều thông tin từ kiểm toán, nhưng trong nghiệp vụ thì dường như kiểm toán lại...

Cho phép tôi có một thời gian để làm quen với công việc mới. Khi nào báo chí cần hỏi, cần tôi trả lời, tôi sẽ dành thời gian. Nói chung, theo quy định, có những báo cáo, những con số bắt buộc phải công khai, cũng có những con số trong phạm vi chưa chính thức thì chưa công khai thông tin được. Luật đã quy định, những nội dung kiểm toán công khai chính là những số liệu để cung cấp cho báo chí. Những gì quy định cho phép, tôi sẽ cố gắng để làm.

Đăng Minh (ghi)

Kim Quý - Vũ Hân
.
.
.