Chỉ doanh nghiệp Nhà nước được cung ứng dịch vụ nổ mìn trên toàn quốc

Thứ Sáu, 02/06/2017, 14:58
Thảo luận tại kỳ họp thứ 2 về phạm vi được trang bị vũ khí quân dụng, các ĐBQH vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau: một số đề nghị giới hạn lại trong phạm vi hẹp, một số lại đề nghị mở rộng ra một số đối tượng mới. Giải trình, tiếp thu ý kiến ĐB về dự án này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị không trang bị vũ khí cho các lực lượng chuyên trách chống buôn lậu, doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề đặc biệt, bảo tàng.

Qua tổng hợp lý kiến ĐB cho thấy: một số ĐB đề nghị cân nhắc việc trang bị cho lực lượng dân quân tự vệ, Kiểm lâm, Kiểm ngư, Hải quan, An ninh hàng không, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao... để phạm vi được trang bị vũ khí không quá rộng. Ngược lại, một số ĐB lại muốn bổ sung đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng như Công an xã, lực lượng dự bị động viên, các lực lượng chuyên trách chống buôn lậu, doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề đặc biệt, bảo tàng... 

Trước các ý kiến này, UBTVQH cho rằng: Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao hiện được giao điều tra đối với 38 tội danh quy định trong Bộ luật hình sự; đối tượng điều tra của cơ quan này cũng nguy hiểm, rất khó lường, do đó, cần thiết trang bị vũ khí quân dụng cho lực lượng này để thực hiện nhiệm vụ.

Với lý do việc quy định cụ thể các cơ quan, đơn vị được trang bị vũ khí cần bảo đảm linh hoạt, phù hợp trong từng giai đoạn; mặt khác, việc quy định cụ thể số lượng, chủng loại vũ khí quân dụng trang bị cho các đơn vị Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ, Công an nhân dân thuộc phạm vi bí mật nhà nước, nên UBTVQH đề nghị Quốc hội cho không quy định cụ thể trong luật.

UBTVQH cũng đề nghị không trang bị vũ khí cho các lực lượng chuyên trách chống buôn lậu, doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề đặc biệt, bảo tàng... còn lực lượng Công an xã là, lực lượng dự bị động viên là một bộ phận của Quân đội nhân dân đã thuộc đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng trong dự thảo Luật.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã làm rõ sơ bộ một số vấn đề ĐBQH quan tâm về dự án luật này trong kỳ họp thứ 2 của Quốc hội vào tháng 11 năm ngoái 

Về quản lý, sử dụng vật liệu nổ, một số ý kiến đề nghị quy định chỉ giao doanh nghiệp nhà nước thực hiện hoạt động nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ; đồng thời phân định rõ doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ, không để doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa kinh doanh. Ý kiến khác đề nghị giữ quy định như dự thảo Chính phủ trình vì việc quy định “doanh nghiệp Nhà nước” không phù hợp với quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Có ý kiến đề nghị quy định tổ chức cung ứng dịch vụ nổ mìn trên phạm vi toàn quốc phải là doanh nghiệp nhà nước để phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng chỉ giao doanh nghiệp nhà nước sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp và tách hoạt động sản xuất với kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp. Đồng thời bổ sung quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 44 dự thảo Luật: chỉ giao doanh nghiệp nhà nước được cung ứng dịch vụ nổ mìn trên phạm vi toàn quốc. Quy định này phù hợp với quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Về một số ý kiến đề nghị giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý, cấp phép các hoạt động liên quan đến vật liệu nổ công nghiệp, không giao Bộ Công Thương; một số ý kiến đề nghị phân cấp quản lý một số hoạt động cho Sở Công thương thay cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; đề nghị không quy định thời hạn của một số loại giấy phép hoặc quy định thời hạn dài hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp, UBTVQH cho rằng: Theo quy định hiện hành về phân công quản lý nhà nước, Bộ Công Thương được giao chủ trì thực hiện quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp, Bộ Công an được giao chủ trì thực hiện quản lý nhà nước đối với việc bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, theo đó, dự thảo Luật được xây dựng phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Đối với việc phân cấp quản lý cho Sở Công thương, UBTVQH thấy rằng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước trên địa bàn, do đó trong dự thảo Luật cần giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Việc phân cấp các hoạt động quản lý cụ thể sẽ được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Công Thương để phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Đối với quy định về thời hạn của các loại giấy phép, UBTVQH thấy rằng, việc quy định thời hạn giấy phép nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

UBTVQH cũng bảo lưu quan điểm về phạm vi điều chỉnh của luật trước một số ý kiến đề nghị chỉ điều chỉnh đối với vũ khí, công cụ hỗ trợ, không điều chỉnh vật liệu nổ và tiền chất thuốc nổ; hoặc chỉ điều chỉnh với vũ khí, vật liệu nổ, không điều chỉnh công cụ hỗ trợ... bởi “vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ đều là nguồn nguy hiểm cao độ có nguy cơ trực tiếp xâm hại tính mạng, sức khỏe con người và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, nên cần quản lý chặt chẽ trong mọi hoạt động nhằm bảo đảm an toàn, tránh thất thoát, hạn chế việc lợi dụng, sử dụng vào hoạt động phạm tội”.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 2 diễn ra cuối năm 2016, giải trình về phạm vi điều chỉnh này, Thượng tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an cũng nhấn mạnh: Các loại vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ có liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người và đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Thực tế trong nhiều năm qua, có nhiều vụ án đối tượng tự sản xuất vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ để gây án. Vì vậy, cần phải quy định chặt chẽ trong dự án luật, hạn chế đối tượng lạm dụng, sử dụng vật liệu nổ, đặc biệt liên quan đến các tội về khủng bố mà hiện thế giới rất quan tâm. Việc quản lý cũng sẽ giúp Việt Nam ngăn chặn triệt để loại tội phạm này.


Vũ Hân
.
.
.