Cấp đổi chứng minh nhân dân từ 9 lên 12 số là cần thiết

Thứ Hai, 09/06/2014, 14:51
Thảo luận tại tổ sáng nay, các đại biểu Quốc hội thừa nhận sự cần thiết ban hành Luật Căn cước công dân cũng như các cải tiến cấp, đổi chứng minh nhân dân từ 9 lên 12 số.

Tại buổi thảo luận, đại diện Vụ Pháp chế Bộ Công an, ông  Đỗ Văn Cương báo cáo thêm về tình hình cấp đổi CMND 12 số thay cho loại 9 số hiện nay. 12 số trên CMND mới cũng chính là mã số định cá nhân trong thẻ căn cước công dân sau này.  Sau một thời gian thực hiện thí điểm tại Hà Nội, Bộ Công an đã mở rộng tại 5 tỉnh thành khác như Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình. Lý do đổi, theo Bộ Công an do CMND làm theo công nghệ cũ, chất liệu kém nên có nhiều trường hợp bị làm giả.

Góp ý về dự án luật này, đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TPHCM) đồng ý cấp thẻ căn cước công dân thay cho giấy CMND hiện hành. Ông cho rằng có thể cấp ngay từ khi công dân sinh ra, bảo đảm quyền con người, nêu được gốc tích, đặc điểm nhận dạng của công dân đó. Đại biểu Huỳnh Minh Thiện, Đỗ Văn Đương (TPHCM) cho rằng, cần quy định trẻ sinh ra bao nhiêu ngày thì được cấp thẻ. Về khái niệm quê quán, nguyên quán, sinh quán, cần giải thích rõ vì nhiều ý kiến hiểu khác nhau, vận dụng khác nhau.

Đại biểu Lê Đông Phong, Phó Giám đốc sở Công an TPHCM nhấn mạnh, thẻ căn cước công dân tạo thuận lợi cho công dân, tiện lợi trong quản lý, tạo sự tương tác giữa công dân và Nhà nước. Ông cũng đề nghị dự thảo khái quát rõ hơn mục đích là nêu gốc tích, đặc điểm nhận dạng của công dân đó. Cần bổ sung thông tin cơ bản về gốc tích, đặc điểm nhân dạng và sinh học khác được quy định trong dự luật để phân biệt người này, người khác, cần có thông tin về nhóm máu, vân tay...

Đại diện Vụ Pháp chế, ông Đỗ Văn Cương phát biểu tại Đoàn TPHCM sáng nay.

Theo tờ trình, mặc dù Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về căn cước công dân phù hợp với tình hình thực tiễn của từng giai đoạn, nhưng cho đến nay, các quy định này còn tản mạn, chủ yếu được ban hành dưới hình thức nghị định của Chính phủ nên hiệu lực thi hành thấp. Trong khi đó, quyền và nghĩa vụ của công dân về căn cước công dân là quyền và nghĩa vụ cơ bản nên cần phải được quy định trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao là luật. Mặt khác, yêu cầu đặt ra hiện nay cũng như những năm tiếp theo là phải đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, từng bước thực hiện Chính phủ điện tử. Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu căn cước công dân hiện nay chủ yếu được lưu trữ thủ công, không được kết nối, chia sẻ thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; việc cấp, quản lý, sử dụng chứng minh nhân dân chưa đáp ứng được yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và thực hiện Chính phủ điện tử. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng Luật căn cước công dân để tạo cơ sở pháp lý thực hiện các đòi hỏi này.

Việc xây dựng dự án Luật căn cước công dân phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế; phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, bảo đảm phù hợp với chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân của Đảng, Nhà nước hiện nay và những năm tiếp theo.

Việc xây dựng dự án Luật được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn trong những năm qua; kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế; tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân trong đi lại, giao dịch, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, yêu cầu quản lý dân cư, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật. Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn cho công tác quản lý căn cước công dân; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật quy định về các giấy tờ tùy thân của công dân. Quá trình xây dựng cũng đã tham khảo có chọn lọc pháp luật về quản lý cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cấp, quản lý và sử dụng giấy tờ về căn cước công dân của một số nước, phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam

Đ.Minh
.
.
.