Đề nghị bổ sung điều luật xử lý tội 'khinh tòa'

Thứ Năm, 12/03/2015, 18:31
“Các nước có điều luật xử lý về tội “khinh tòa". Do đó, hành vi cản trở, gây rối, "khinh tòa" ở ta phải bị xử lý” - Đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao nói tại phiên họp UBTV Quốc hội sáng nay.

Tờ trình về dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) trình UBTV Quốc hội, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình cho hay, dự luật bổ sung một chương quy định về việc xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong việc giải quyết các vụ án hành chính.

“Đây là chương mới được bổ sung để tạo cơ sở pháp lý cho việc quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền, mức tiền phạt đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính nhằm xử lý nghiêm minh các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tố tụng hành chính, giáo dục mọi người chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, phòng ngừa những vi phạm có thể xảy ra, nâng cao uy tín của Toà án, bảo đảm sự tôn nghiêm của Toà án…” – Chánh án lý giải.

Theo ông, các nước có điều luật xử lý về tội “khinh tòa”. Do đó hành vi cản trở, gây rối, khinh tòa ở ta cũng phải được xử lý nghiêm minh. Những nội dung này được quy định trong dự luật.

Đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao đề nghị bổ sung quy định xử lý hành vi gây cản trở tại tòa.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, Ủy ban tán thành với ý kiến đề nghị có quy định trong dự thảo Luật TTHC (sửa đổi) về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính của TAND.

Xác định rõ hành vi vi phạm nào được coi là cản trở hoạt động tố tụng hành chính của TAND và bị xử lý hành chính cũng như hình thức xử lý, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 “Quyền con người, quyền cơ bản của công dân chỉ bị hạn chế theo quy định của Luật”.

Trình tự, thủ tục, thẩm quyền, mức tiền phạt… đối với các hành vi được thực hiện theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.

Thời gian qua, việc xét xử tại tòa gặp không ít những vấn đề phức tạp phát sinh từ chính bị cáo, người có quyền và nghĩa vụ liên quan cũng như những người khác tham dự phiên tòa.

Đã có những hành vi lăng mạ, xúc phạm hội đồng xét xử, thậm chí có xô xát, gây rối tại tòa, nhất là các phiên tòa hành chính, dân sự.

Chốn công đình yêu cầu phải nghiêm khắc, đảm bảo sự tranh tụng, phán xét của tòa án nên việc bổ sung những quy định xử lý trong dự luật được cho là cần thiết.

M.Đ.
.
.
.