Triển khai Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi:

Áp dụng linh hoạt, vì quyền lợi của người dân

Thứ Sáu, 13/03/2015, 19:48
Sáng 13/3, Đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã tới quận Bình Thạnh, TP HCM khảo sát việc triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) sửa đổi và công tác khám chữa bệnh theo mô hình bác sĩ gia đình.

Bà Trần Thị Thu Trang, Phó Chủ tịch UBND phường 14 (Q. Bình Thạnh) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, phường mới chỉ có 318/2.320 hộ tham gia mua BHYT tự nguyện theo hộ gia đình. Do người dân chưa hiểu hết lợi ích của việc mua BHYT theo hộ gia đình, cũng chưa nắm rõ được thủ tục.

Hiện, quận Bình Thạnh đã đầu tư trang thiết bị, nhân lực cho trạm y tế phường 14 để áp dụng khám chữa bệnh theo thẻ BHYT tại trạm. Phường đã có 3 trạm y tế gồm: phường 11, 21, 24 thực hiện khám bệnh theo thẻ BHYT và sẽ tiếp tục triển khai trong các phường khác trong thời gian tới.

Đồng thời sẽ triển khai áp dụng khám thông tuyến BHYT từ tuyến phường lên quận huyện. Tuy nhiên, phường đề xuất, cần bố trí thêm lực lượng 2 bác sĩ cố định tại trạm y tế phường, tăng cường thêm thiết bị, nhằm chuẩn bị cho việc triển khai qui định khám chữa bệnh thông tuyến đại trà vào năm 2016.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại buổi làm việc với UBND phường 14, Bình Thạnh TP HCM sáng 13/3

Đại diện Bệnh viện quận Bình Thạnh cũng cho biết, mặc dù chỉ là bệnh viện hạng 2 nhưng lại là một trong những bệnh viện có số thẻ BHYT nhiều nhất thành phố. Trong quý 4/2014, bệnh viện đã có đến 272.084 thẻ BHYT. Năm 2014, số lượt khám chữa bệnh theo thẻ BHYT là 662.948 lượt, chiếm 91%. Tỷ lệ thuốc nội được đưa vào sử dụng lên tới 65,76% trong năm qua, tỉ lệ chuyển tuyến trên chỉ có 2%, và tiếp nhận bệnh từ tuyến dưới, chủ yếu là bệnh cấp tính chiếm khoảng 0,5-1%.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho người dân được khám BHYT thuận lợi, nên có qui định cho phép người dân các quận lân cận được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện Bình Thạnh. Ngoài ra, bệnh viện cũng mong muốn được phép khám, chữa bệnh BHYT tại nhà đối với các trường hợp người bệnh cao tuổi, già yếu, bệnh nặng hiểm nghèo hoặc người khuyết tật không đi lại được.

Phát biểu tại buổi làm việc, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý và Khám chữa bệnh -Bộ Y tế cho rằng, nên quản lý sức khỏe người dân theo mô hình các bệnh viện tuyến trên khám bệnh cấp tính, hiểm nghèo, còn việc điều trị, cấp phát thuốc giao cho tuyến dưới. Để nắm sâu sát vấn đề chuyên môn, mỗi tuần 3 lần, bệnh viện tuyến trên nên cử bác sĩ xuống các trạm y tế để phối hợp khám, chữa bệnh cho người dân. Biện pháp này sẽ giảm tải tuyến trên, đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh tuyến dưới mà không cần tăng cường thêm bác sĩ tại trạm y tế xã.

Theo ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế, các trạm y tế phường xã tiếp tục làm tốt công tác khám chữa bệnh ban đầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, cấp phát thuốc theo các chương trình mục tiêu. Việc xây dựng mô hình bác sĩ gia đình với việc chăm sóc sức khỏe tại nhà với các bệnh nhân yếu, liệt, tai biến, người già là đáng khuyến khích nhưng chỉ nên khám, kê đơn chứ không làm các can thiệp tại nhà, tránh rủi ro.

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo diện BHYT tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng, công tác truyền thông đại chúng về Luật BHYT mới cần tiếp tục triển khai sâu, rộng để người dân hiểu quyền lợi tham gia BHYT tự nguyện hộ dân. Nên mở rộng các điểm bán thẻ BHYT tại các trạm y tế và phòng Y tế quận để cung cấp kịp thời cho người dân. Làm sao để tỉ lệ người dân tham gia BHYT theo lộ trình hết năm nay của TP HCM phải đạt mức 75%.

Việc triển khai Luật BHYT sửa đổi nên thực hiện theo phương châm “mềm mỏng, linh hoạt”, ưu tiên vì quyền lợi của người dân. Ví dụ, với trường hợp hộ gia đình không tham gia toàn bộ số người trong hộ do có người đi làm ăn xa hoặc gia đình khó khăn, chưa chứng minh được đã tham gia BHYT thì vẫn bán thẻ BHYT, nhưng chỉ có giá trị trong 3 tháng. Sau 3 tháng, nếu muốn tiếp tục tham gia BHYT thì phải đảm bảo nguyên tắc 100% thành viên trong hộ gia đình tham gia.

Huyền Nga
.
.
.