Tọa đàm "Việt Nam và các tranh chấp tại Biển Đông"

Thứ Sáu, 12/06/2015, 16:46
Đây là chủ đề một buổi tọa đàm do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc phòng thuộc Đại học Quốc gia Australia (ANU) mới tổ chức với sự tham gia của đông đảo giảng viên, học giả và sinh viên Việt Nam và quốc tế đang theo học ở Australia. 

Tại buổi tọa đàm, anh Đỗ Thanh Hải, một nghiên cứu sinh Việt Nam tại Australia, đã trình bày các kết quả chính trong luận án nghiên cứu sinh sắp hoàn thành, theo đó nêu rõ cơ sở lịch sử và pháp lý của những tuyên bố chủ quyền và vùng biển của Việt Nam, đồng thời giải thích cách tiếp cận của Việt Nam với việc quản lý và giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông trong giai đoạn 1991-2011.

Trụ sở Nghị viện châu Âu (EP) ở thành phố Strasbourg của Pháp. Ảnh: Petrophoto.net.

Theo diễn giả, Việt Nam có lập luận pháp lý xác đáng và nhiều cứ liệu lịch sử đáng tin cậy để chứng minh nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ đã tuyên bố chủ quyền và quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam cũng dần điều chỉnh và làm sáng tỏ các yêu sách về các vùng biển phù hợp với các quy định của Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Các học giả, nhà nghiên cứu tham gia tọa đàm cũng đã nêu nhiều vấn đề liên quan đến tình hình Biển Đông và  như biện pháp ứng phó của Việt Nam. Nhiều học giả khác nêu vấn đề quan tâm liên quan đến chính sách của Việt Nam và nhận được giải đáp thuyết phục từ diễn giả. Trước đó, theo tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, vào ngày 10/6, tại trụ sở Nghị viện châu Âu (EP) ở thành phố Strasbourg của Pháp, 

Nhóm nghị sĩ có quan hệ với các nước Đông Nam Á của EP cũng đã tổ chức buổi tọa đàm với các Đại sứ, Trưởng Phái đoàn các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Liên minh châu Âu (EU) về các vấn đề liên quan đến quan hệ EU-ASEAN, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Đại sứ Vương Thừa Phong - Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh EU đã tham dự tọa đàm

Thảo luận về những diễn biến gần đây ở Biển Đông, nhiều đại biểu tham dự tọa đàm của cả hai bên đã bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với những diễn biến căng thẳng gần đây trên Biển Đông liên quan đến các hành động đơn phương của Trung Quốc gia tăng các hoạt động xây dựng, lấn chiếm các đảo và bãi đá ở quần đảo Trường Sa nhằm mục đích thay đổi nguyên trạng tại khu vực tranh chấp này. 

Các nghị sĩ châu Âu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn, an ninh và tự do hàng hải ở Biển Đông, bày tỏ mong muốn các bên liên quan hành động trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Các nghị sĩ đề nghị ASEAN và Trung Quốc sớm tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) nhằm tạo điều kiện đảm bảo hòa binh, an ninh và ổn định trong khu vực.

H.Chi
.
.
.