Sử dụng di động gây ảnh hưởng phiên tòa có thể bị phạt 1 triệu đồng

Thứ Hai, 22/12/2014, 15:03
Quy định này ghi trong Pháp lệnh xử lý hành vi cản trở hoạt động của tòa án nhân dân, được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến sáng nay.

Sáng nay, 22/12, Ủy ban thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 33. Cho ý kiến về Pháp lệnh xử lý hành vi cản trở hoạt động của tòa án, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật cho rằng, theo quy định của Điều 390 của Bộ luật TTDS thì thủ tục, thẩm quyền xử phạt, mức tiền phạt đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng do UBTV Quốc hội quy định. Thi hành quy định nêu trên của Bộ luật TTDS, Quốc hội đã giao UBTV Quốc hội ban hành Pháp lệnh xử phạt hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án nhân dân.

Bộ luật TTDS tuy có quy định về hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự của tòa án nhưng lại không quy định cụ thể về thẩm quyền xử phạt của TAND cũng như về thủ tục xử phạt, mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm, thủ tục thi hành quyết định xử phạt... Do đó, các tòa án hầu như không xử phạt được trường hợp vi phạm nào.

Theo Bộ luật TTHS, những biện pháp đối với người vi phạm trật tự phiên tòa (Điều 198) trong đó có quy định chủ tọa phiên tòa có thẩm quyền xử phạt người vi phạm trật tự phiên tòa. Trong đó, “người có nghĩa vụ thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo nhưng không làm đúng trách nhiệm của mình thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự...” (khoản 2 Điều 94). Tuy nhiên, các quy định nêu trên mới chỉ quy định có tính nguyên tắc chung nhất, nếu không có văn bản pháp luật cụ thể hóa thì không thể thi hành được.

 Theo dự thảo Pháp lệnh, hành vi cản trở hoạt động tố tụng của toà án nhân dân là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện vi phạm quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tố tụng hành chính, Bộ luật tố tụng dân sự gây cản trở toà án nhân dân tiến hành các hoạt động tố tụng để giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của toà mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự và theo quy định của pháp luật phải bị xử lý vi phạm hành chính.

Phiên khai mạc UBTV Quốc hội sáng nay.

Đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính gồm: cảnh cáo; phạt tiền; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng trực tiếp để cản trở hoạt động tố tụng của tòa. Đối với mức phạt tiền, hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án nhân dân là vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 24 của Luật xử lý vi phạm hành chính. Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Pháp lệnh này là 40.000.000 đồng. Trong đó phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sau đây:

a) Không chấp hành việc kiểm tra an ninh của lực lượng có trách nhiệm bảo vệ phiên tòa;

b) Người dưới 16 tuổi đã được nhắc nhở nhưng vẫn vào phòng xử án, trừ trường hợp được Tòa án triệu tập tham gia phiên tòa;

c) Ăn uống, hút thuốc, mặc trang phục, sử dụng điện thoại di động trong phòng xử án gây ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của Tòa án mặc dù đã được nhắc nhở;

d) Bị cáo đang bị tạm giam tiếp xúc với người bào chữa hoặc người khác mà không được phép của Chủ tọa phiên tòa.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu cân nhắc kỹ về quy định người bị xử phạt còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính như: Buộc rời khỏi phòng xử án; tạm giữ người; áp giải người vi phạm; tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm; khám người; khám đồ vật… Chủ tịch đề nghị quy định những nội dung này phải rõ ràng hơn.

N.Thành
.
.
.