Nâng cao đạo đức công vụ cho lực lượng hoạt động trong lĩnh vực tư pháp

Thứ Tư, 28/01/2015, 13:21
Sáng 28/1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tổ chức hội thảo khu vực phía Bắc “Thực trạng, giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp”.

Đồng chí Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương chủ trì hội thảo. Thượng tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương đã tới dự.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Lê Thị Thu Ba nhấn mạnh, tham nhũng, tiêu cực luôn được coi là nguy cơ của mỗi quốc gia, có thể diễn ra trong mọi lĩnh vực, trong đó có hoạt động tư pháp. Điều khiến dư luận hoài nghi là ở đâu có quyền lực thì ở đó có nguy cơ quyền lực bị tha hóa và xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Trong hoạt động tư pháp, nếu xảy ra tham nhũng, tiêu cực sẽ ảnh hưởng xấu đến tính nghiêm minh của pháp luật và kỷ cương của Nhà nước. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong hoạt động tư pháp còn ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Đẩy mạnh hoạt động cải cách tư pháp là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hơn bao giờ hết. Mục tiêu của Đảng, Nhà nước là phải khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng nền tư pháp vững mạnh dân chủ, nghiêm minh bảo vệ công lý và để phục vụ nhân dân tốt hơn.

Sau phát biểu khai mạc, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành đã phát biểu ý kiến tham luận xung quanh chủ đề này. Tham luận của Bộ Công an cho thấy, công tác phòng, chống tiêu cực trong lực lượng CAND được Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an chú trọng thường xuyên. Điều đó được thể hiện trong việc Bộ Công an đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, trong đó có phòng chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp.

Từ những việc làm nghiêm minh của các đơn vị trong lực lượng CAND, nhiều vụ việc tiêu cực đã được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật, có tác dụng tích cực trong việc đề cao tinh thần trách nhiệm trong chấp hành pháp luật, răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

Tham luận của Bộ Công an cũng thẳng thắn thừa nhận, tình hình tiêu cực trong hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp của Công an vẫn còn xảy ra ở các cấp, các lĩnh vực và việc xử lý chậm đã làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối một bộ phận cán bộ Công an.

Để góp phần chủ động, tích cực trong việc phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp của lực lượng CAND, đại diện lãnh đạo Bộ Công an đề ra các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, toàn diện, khoa học, có tính khả thi và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhằm từng bước ngăn chặn, hạn chế, đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp trong lực lượng CAND tiến tới xây dựng nền tư pháp Việt Nam công khai, minh bạch theo Nghị quyết số 49/NQ-TW.

Thượng tướng Bùi Văn Nam và các đồng chí lãnh đạo tham gia hội thảo.

Phát biểu tham luận, đại diện lãnh đạo Viện KSND Tối cao cho biết, qua thực tiễn tổng kết, tổng hợp các hành vi tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong hoạt động tư pháp cho thấy, các hành vi này thường được thực hiện dưới các dạng: lạm dụng chức vụ, quyền hạn, nhũng nhiễu trong hoạt động tư pháp nhằm chiếm đoạt tài sản; tham ô tài sản, nhận hối lộ... cố ý làm một việc mà pháp luật không cho phép làm trong quá trình thực hiện các hoạt động tư pháp.

Giải pháp để hạn chế tình trạng tiêu cực mà đại diện Viện KSND Tối cao đưa ra là cần sửa đổi, bổ sung Bộ Luật hình sự liên quan đến tội phạm tham nhũng, chức vụ nói chung và tội phạm tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp nói riêng; tiếp tục hoàn thiện các quy chế, quy định phối hợp và kiểm soát giữa Viện KSND với các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan, tổ chức khác trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong hoạt động tư pháp; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy chế nghiệp vụ của Viện KSND liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong hoạt động tư pháp. Ngoài ta cần đổi mới phương thức hoạt động của cơ quan chuyên trách chống tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong hoạt động tư pháp…    

Tham luận của đại diện lãnh đạo TAND Tối cao chỉ rõ, trong quá trình tố tụng ở nhiều vụ án cho thấy, một số vụ án đã áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo được hưởng án treo hoặc đình chỉ vụ án không đúng.

Điều đáng nói là có tình trạng nể nang, né tránh, thậm chí bao che trong việc xử lý đối với cán bộ cơ quan tư pháp vi phạm; nhiều hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp chưa được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, gây bức xúc trong dư luận, làm giảm uy tín và hiệu lực hoạt động của các cơ quan tư pháp. Các văn bản quy định về thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp dễ dẫn đến tình trạng quan liêu, gây phiền hà, sách nhiễu đương sự, bị cáo để tham nhũng.

Công tác phát hiện, thanh tra, kiểm tra, xử lý các vụ việc tiêu cực chưa đạt yêu cầu đề ra. Sau khi chỉ ra những tồn tại, bất cập, đại diện lãnh đạo TAND Tối cao đưa ra một số giải pháp như: phải xây dựng cơ chế phát huy sức mạnh của nhân dân, cơ quan, tổ chức trong phát hiện, phòng ngừa tham nhũng, bảo vệ người trung thực, phát hiện, tố cáo những người có hành vi tham nhũng, khen thưởng kịp thời người có công trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Và để làm được điều đó thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải đề cao trách nhiệm của mình trong việc ngăn ngừa, kiểm soát hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Nguyễn Hưng
.
.
.