Không nhất trí quy định hạn chế đặt tên hơn 25 chữ cái

Thứ Ba, 09/06/2015, 15:30
Theo báo cáo thẩm tra đã chỉnh lý, bổ sung sau khi lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) vừa được trình bày trước Quốc hội sáng 9/6, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã không nhất trí quy định hạn chế đặt tên dài hơn 25 chữ cái, tên buộc phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam, không được đặt tên bằng số...

Báo cáo thẩm tra nhấn mạnh, theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Vì vậy, Ủy ban pháp luật tán thành với quy định hạn chế việc đặt tên “trường hợp gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự” vì quy định như vậy là phù hợp với Hiến pháp.

Tuy nhiên, Ủy ban pháp luật không tán thành quy định “Tên của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Họ, tên của một người không được vượt quá hai mươi lăm chữ cái” vì cho rằng quy định hạn chế về cách đặt tên, độ dài của tên là không cần thiết. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày báo cáo thẩm tra sau khi lấy ý kiến nhân dân của Dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) sáng 9/6.

Hơn nữa, việc đặt tên bằng số, bằng một ký tự hay quá dài cũng không ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, Uỷ ban Pháp luật đề nghị Ban soạn thảo làm rõ những nội dung này để bảo đảm thể chế hóa quy định của Hiến pháp về tôn trọng quyền con người, quyền công dân.

Về quy định “đối với người dưới mười bốn tuổi thì mọi trường hợp không bị hạn chế” trong việc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thừa nhận việc thay đổi tên, đệm..., Ủy ban pháp luật đề nghị bỏ quy định này vì cho rằng trẻ em dưới 14 tuổi là độ tuổi đang phát triển, chưa định hình về mặt tính cách, tâm lý; việc cho phép quyền được thay đổi tên và chữ đệm trong bất kỳ trường hợp nào cần cân nhắc thận trọng và quy định này cũng không phù hợp với Luật hộ tịch.

Về quy định về việc chuyển đổi giới tính theo hướng: “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác theo quy định tại khoản 1 Điều này”. 

Ủy ban pháp luật cho rằng: việc thừa nhận hay không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính không chỉ liên quan đến quyền nhân thân của một cá nhân, mà kèm theo đó là rất nhiều vấn đề xã hội phát sinh, chẳng hạn như hành lang pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp y học để chuyển đổi giới tính, vấn đề công nhận hôn nhân đồng giới, sự phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và truyền thống, phong tục, tập quán của Việt Nam... Do đó, vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng.

Dự thảo Bộ luật một mặt quy định Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính, nhưng mặt khác lại quy định quyền của người đã chuyển đổi giới tính được yêu cầu cơ quan nhà nước thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác có liên quan.

Như vậy, nếu việc chuyển đổi giới tính đã được thực hiện thì các hệ quả phát sinh lại được pháp luật tôn trọng và bảo hộ. Ủy ban pháp luật cho rằng đây là vấn đề hết sức nhạy cảm trong xã hội, nếu đã không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì cũng không cho phép được thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác theo giới tính mới. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu, giải trình rõ quy định này.

Vũ Hân
.
.
.