Cảnh giác cao độ trước diễn biến mưa lũ bất thường

Thứ Ba, 04/12/2007, 15:43

"Chưa bao giờ trong khoảng thời gian ngắn trong vòng 1 tháng (từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11/2007) mà các sông miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận lại liên tiếp xảy ra nhiều đợt lũ lớn như vậy, nhiều sông xảy ra từ 4 đến 5 đợt lũ" Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học, Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ phòng chống lụt bão TW bày tỏ lo ngại .

Điều này cũng cho thấy tình hình rất khó lường trong thời gian tới, cần được các cấp, ngành, người dân quan tâm cảnh giác cao độ.

Lo ngại trước hiện tượng mưa lũ lớn đe dọa triền miên

Để minh họa cho nhận định đầy quan ngại trên, Thứ trưởng Đào Xuân Học đã đưa ra một số tình hình cụ thể. Đó là, trong đợt mưa lũ từ 14/10, các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đã có mưa to, đặc biệt là các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế có mưa rất lớn, ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình và từ Bình Định đến Phú Yên phổ biến từ 200 - 300mm; khu vực Quảng Trị và khu vực từ Quảng Nam đến Quảng Ngãi phổ biến 300 - 400mm; vùng tâm mưa Thừa Thiên - Huế từ 500 - 600mm.

Do mưa lớn, tập trung trong một thời gian ngắn, các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đã xảy ra một đợt lũ vừa và lũ lớn trên hầu khắp các sông. Đỉnh lũ trên phần lớn các sông từ Quảng Trị đến Bình Định đều vượt mức báo động III.

Tiếp đó, đợt mưa lũ cuối tháng 10 đầu tháng 11 (từ 28/10 đến 4/11), do ảnh hưởng của 2 áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào khu vực Quảng Ngãi đến Phú Yên và không khí lạnh, các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hoà liên tiếp xảy ra các đợt mưa nối tiếp nhau, trong đó mưa lớn tập trung vào khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên.

Do mưa lớn, gối nhau liên tiếp nên các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hoà đã xảy ra một đợt lũ kéo dài, gối nhau liên tiếp và có nhiều đỉnh. Các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị lũ ở mức báo động I đến báo động III; các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hoà đều vượt báo động III. Đặc biệt, đợt mưa lũ từ ngày 10 đến 14/11, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào khu vực Nam Trung Bộ và hoạt động của đới gió đông mạnh, các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định đã xảy ra đợt mưa to đến rất to, một số nơi mưa rất lớn như Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) tới 1.072mm, Thượng Nhật (Thừa Thiên - Huế) tới 804 mm; Trà My (Quảng Nam) 557mm;…

Do mưa lớn tập trung trong một thời gian ngắn, các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định đã xảy ra một đợt lũ lớn trên hầu khắp các sông. Các sông ở Thừa Thiên - Huế lũ vượt báo động III từ 0,5 đến 1,5m. Riêng các sông ở Quảng Nam lũ rất lớn. Mức nước đỉnh lũ trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 10,36m trên báo động III là 1,56m, sông Thu Bồn tại Câu Lâu là 5,39m trên báo động III là 1,69m, đều vượt đỉnh lũ năm 1999 và gần bằng lũ lịch sử 1964.

Cần làm gì để chống lũ?

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học, trong năm 2008 cần ngay ít nhất khoảng 1.000 tỉ đồng cho công tác phòng chống lụt bão. Đây có thể coi là mức kinh phí rất khiêm tốn so với thực tế nhu cầu để đảm bảo cho công tác này về lâu dài.

Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão TW vừa có đề xuất Chính phủ về kế hoạch tu bổ hệ thống các công trình thuỷ lợi, đặc biệt là các hồ chứa nước. Hiện nay các hồ chứa nước ở miền Trung đều đã được xây dựng từ lâu, nhiều hồ chứa bị hư hỏng nặng không đảm bảo an toàn, đặc biệt là an toàn đối với dân cư vùng hạ lưu.

Vì vậy, ngay sau mùa lũ này cần tiến hành tu bổ gấp các hồ bị hư hỏng nặng với kinh phí 600 tỉ đồng, còn trong những năm tới từng bước tiến hành đầu tư để tu sửa lại toàn bộ các hồ bị hư hỏng khác với tổng kinh phí dự kiến 4.827 tỉ đồng.

BCĐ phòng chống lụt bão TW cũng đề nghị Chính phủ cấp ngay vốn bù thủy lợi phí cho các Công ty khai thác thủy lợi để phục vụ sản xuất của nhân dân; khoanh nợ, giãn nợ cho ngư dân, đặc biệt là những người làm nghề nuôi trồng thuỷ hải sản ở ven biển, trên sông bị thiệt hại trong các đợt lũ vừa qua.

Một nội dung khác cũng hết sức quan trọng là đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu neo đậu tàu thuyền. BCĐ phòng chống lụt bão TW cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ tăng mức đầu tư lĩnh vực này trong những năm tới. Được biết, theo Quyết định 288/2005/QĐ-TTg, cả nước được đầu tư xây dựng 98 khu neo đậu cho 65.850 tàu, thuyền, nhưng cho đến nay kết quả thực hiện đạt rất thấp.

Tính đến năm 2007, cả nước mới hoàn thành được 3 khu neo đậu. Năm 2007 khởi công thêm 7 khu và năm 2008 dự kiến khởi công tiếp 4 khu, tổng số là 14 khu. Theo đó, tổng số tiền đầu tư theo khái toán là 5.500 tỉ đồng, nhưng đến nay mới cấp được gần 300 tỉ đồng. Ngoài ra, đối với hệ thống đê biển, BCĐ phòng chống lụt bão TW cũng đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống đê biển.

Được biết Chính phủ đã phê duyệt Chương trình tu bổ, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam, tuy nhiên trong 2 năm qua mới đầu tư được rất ít trong tổng số nhu cầu của đề án. Theo Thứ trưởng Đào Xuân Học, trong những năm tới cần ưu tiên đầu tư cho những vùng đê biển còn yếu, không đảm bảo, trong đó có các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Quảng Nam.

Cùng đó, tiếp tục đầu tư cho hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang. Trước mắt, năm 2008 cần đầu tư để khắc phục, sửa chữa đê biển và sạt lở cho các tỉnh miền Trung với kinh phí khoảng 308 tỉ đồng.

Một số hậu quả do các đợt lũ ở miền Trung (từ 14/10 đến 14/11)

-159 người chết, 10 người mất tích; 304 người bị thương

- Hơn 2,6 triệu người bị ảnh hưởng

- 4.733 ngôi nhà bị đổ sập, trôi

- 1.803 phòng của trường học, bệnh viện bị đổ, sập, ngập

- Gần 20.000 ha lúa bị ngập, hư  hại;…

Ước tính thiệt hại về giá trị tài sản lên tới 5.678 tỉ đồng

Đinh Tuấn
.
.
.