Hải Phòng:

Cần xử lý nghiêm việc xây dinh thự cá nhân trong Cung Văn hóa Thiếu nhi

Thứ Bảy, 21/09/2013, 11:14
Với diện tích 4,9ha, Cung Văn hóa Thiếu nhi Hải Phòng là cái nôi ươm mầm tài năng cho thiếu nhi lớn nhất thành phố Cảng và đã được UBND thành phố phê duyệt quy hoạch tổng thể vào năm 2010. Nhiều dự án đang triển khai, nhưng, sau gần 3 năm bắt tay vào thực hiện, “bỗng dưng” mọc lên nhiều công trình không được cấp phép, thậm chí không có trong quy hoạch...

Phía sau dãy nhà “Khối xã hội và quản lý” – nơi hiện làm CLB sinh hoạt năng khiếu cho trẻ em, theo quy hoạch là vườn hoa, nhưng tại đây đã mọc lên ngôi biệt thự nhà sàn bằng gỗ 2 tầng bóng loáng tọa lạc trên mặt bằng 120m2. Gắn liền với ngôi nhà tuyệt đẹp này là cả một cảnh quang nhân tạo trên khoảng đất rộng hơn 2.000m2, có tiền cảnh, hậu cảnh, kỳ hoa dị thảo và được bao bọc bởi tường rào để nhấn mạnh sự tách biệt của dinh thự dù nằm giữa Cung Văn hóa Thiếu nhi.

Nhiều người cho con em đến Cung sinh hoạt tỏ ra bức xúc khi nhìn thấy dinh thự mọc lên giữa không gian văn hóa của trẻ em nhưng cũng chỉ biết xì xầm.

Để làm rõ những phản ánh của người dân, chúng tôi đã tìm gặp ông Võ Quốc Thái, PGĐ Sở Xây dựng, song ông Thái không tỏ ý ngạc nhiên về ngôi nhà bằng gỗ, đồng thời khẳng định: Toàn bộ khu vực đất trống phía sau dãy “Khối xã hội và quản lý” là vườn hoa và nhà hội trường lớn. Căn nhà gỗ chúng tôi không cấp phép

Trong khi đó, trao đổi với báo chí về tư dinh này, ông Lê Như Hải, Giám đốc Cung Văn hóa Thiếu nhi giãi bày: Thực chất khu đất này trước đây để trống nên cứ đêm về có nhiều biểu hiện tệ nạn xã hội xảy ra như tiêm chích ma túy, "chợ" tình đồng giới. Vì vậy chúng tôi cho tư nhân thuê lại để xây dựng nhà sàn, làm vườn hoa, cây cảnh với mức thuê 2 triệu đồng/tháng.

Mục đích để các cháu thiếu nhi có chỗ chơi, học thêm nét văn hóa trong sinh hoạt của người dân tộc. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, trong ngôi biệt thự nhà sàn bằng gỗ này, ngoài chiếc trống đồng to bằng cái đĩa đựng rau, còn lại không có vật dụng gì thể hiện đồ của người dân tộc, ngược lại được trang bị hoàn toàn bằng những vật dụng tiện nghi như: nồi cơm điện, xe đạp đua, xe nôi em bé, tivi tinh thể lỏng, giường đệm... hiện diện trong ngôi nhà này là cô gái trẻ được giới thiệu là vợ của chủ nhân, đứa con khoảng 10 tháng tuổi cùng bà mẹ già đang ở tại đây trông cháu.

Một tư dinh trái quy hoạch ngang nhiên hiện diện trong Cung Văn hóa Thiếu nhi Hải Phòng.

Ông Lê Như Hải thừa nhận, việc bên thuê tự ý đưa gia đình vào đây sinh hoạt là ngoài ý muốn của lãnh đạo Cung, song không đáng lo, khi nào có nguồn tiền đầu tư sẽ thu hồi lại diện tích cho thuê để làm vườn hoa. Đến lúc đó bên thuê sẽ tháo dỡ di chuyển mà không đòi tiền đền bù vì đã có cam kết từ ban đầu.

Như đã nói trên, tại bản quy hoạch và điều chỉnh bản đồ tỷ lệ 1/500 cho Cung Văn hóa Thiếu nhi đã được UBND thành phố phê duyệt cuối năm 2010, Cung Văn hóa Thiếu nhi chỉ có 2 sân bóng đá mini có mái che, thế nhưng ngày 24/5/2011, Sở Xây dựng đã cấp phép số 36/GPXD để xây dựng thêm 2 sân bóng đá mini nữa, đến ngày 6/3/2012 - có nghĩa chỉ 10 tháng sau, Sở Xây dựng lại cấp giấy phép số 12 nhằm thay thế giấy phép xây dựng số 36 cho sân bóng đá mini chiếm dụng phần đất của “Khu các công trình thể thao” lại mọc lên tiếp 2 sân bóng đá mini có mái che nữa, nâng tổng số lên 4 sân?

Trả lời câu hỏi này, ông Võ Quốc Thái, PGĐ Sở Xây dựng cho rằng: Đây là chuyện nhỏ. Nếu chúng tôi xin phép UBND thành phố điều chỉnh quy hoạch phải mất thêm hàng năm nữa. Do vậy căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, công văn đề nghị của Thành đoàn, Cung Văn hóa Thiếu nhi và đặc biệt “yêu cầu” của nhà đầu tư (vì kêu gọi xã hội hóa), hơn nữa “Khu các công trình thể thao” cũng chính là đá bóng nên chúng tôi cấp phép điều chỉnh thành... 2 sân bóng đá mini nữa.

Điều đáng nói là, sự phát sinh thêm 2 sân bóng đá nữa đã xóa sổ sân quần vợt, cầu lông, thể dục dụng cụ và các hoạt động thể thao khác. Thể thao tại Cung Văn hóa Thiếu nhi Hải Phòng giờ đây chỉ còn mỗi môn bóng đá. Và theo như cách trả lời của ông Thái thì việc tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, cấp phép xây dựng "bóng đá hóa" Khu thể thao hoàn toàn dựa trên nguyện vọng, lợi ích của nhà đầu tư.

Hải Phòng từng bị điều tiếng, dư luận bức xúc về những công trình trái quy hoạch, sai chức năng mọc lên giữa những công trình văn hóa như vũ trường, sàn nhảy tại Cung Văn hóa Việt Tiệp, Nhà thi đấu thể thao trong Cung Văn hóa Thanh niên và nay là dinh thự tư nhân, bóng đá hóa trong Cung Văn hóa Thiếu nhi. Nếu thành phố tiếp tục không xử lý các sai phạm này theo cách kiên quyết, triệt để và nghiêm minh, e rằng thời gian tới sẽ còn nhiều loại công trình mang yếu tố tư nhân, tùy tiện bỗng dưng mọc lên tại nhiều thiết chế chức năng công cộng của thành phố cảng

Minh Lê
.
.
.