Quốc hội thảo luận dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương:

Cần thận trọng trong chọn phương án HĐND quận, phường

Thứ Ba, 25/11/2014, 09:49
Luật Tổ chức chính quyền địa phương là luật cơ bản trong hoạt động của chính quyền địa phương. Để xây dựng bộ máy nhà nước thống nhất, hiệu quả, phù hợp với quyền và lợi ích của nhân dân, các đại biểu đã thẳng thắn nêu quan điểm, thống nhất xây dựng dự án luật nhằm giải quyết những bất cập, tồn tại.

Sau hơn 10 năm thực hiện Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) năm 2003, HĐND và UBND các cấp đã không ngừng được củng cố và hoàn thiện, cơ bản thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội ở địa phương theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, qua thực tiễn đã bộc lộ những hạn chế bất cập: Chưa phân biệt đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, chưa phân định rõ thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương. Hiến pháp năm 2013 có nhiều điểm mới về chính quyền địa phương. Định hướng của Đảng yêu cầu tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, phân biệt giữa chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo, đẩy mạnh phân cấp giữa Trung ương và địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương cần được thể chế hóa trong luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp.

Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương điều chỉnh các vấn đề về tổ chức đơn vị hành chính, mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương, tổ chức, hoạt động của HĐND, UBND và mối quan hệ giữa HĐND, UBND với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị- xã hội và nhân dân. Những vấn đề về quy định đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, tên gọi “đơn vị hành chính tương tương” thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, mô hình tổ chức chính quyền địa phương, đã được nhiều đại biểu phân tích.

Liên quan đến những quy định đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cho rằng, cần phải làm rõ, chi tiết hơn nữa vì đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chưa có tiền lệ ở nước ta và ở các nước cũng không có “đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” mà chỉ có “đặc khu hành chính” hoặc “đặc khu kinh tế”. Do vậy, cần được nghiên cứu kỹ vấn đề này. Có nhiều điểm chưa rõ như “thành phố trong thành phố”, đây là vấn đề rất mới. Dự án luật cũng chưa thấy nói rõ chính quyền ở đảo thế nào. Trường hợp nào thì huyện đảo không có xã, trường hợp nào thì có xã cũng cần quy định rõ ràng.

Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) phát biểu ý kiến.

Về tên gọi “đơn vị hành chính tương đương” thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, khoản 1 Điều 110 Hiến pháp 2013 có quy định: “Thành phố trực thuộc Trung ương chia thành quận, huyện, thị xã và đơn vị hành chính tương đương”. Một số ý kiến đề nghị quy định “đơn vị hành chính tương đương” là “thành phố”. Việc đề xuất tên gọi này là căn cứ vào Đề án chính quyền đô thị của thành phố Hồ Chí Minh đã trình Bộ Chính trị.

Theo đề án này thì 4 khu vực (cửa ngõ) của thành phố đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, đòi hỏi phải được tăng cường phân cấp trong quản lý. Vì vậy, kiến nghị cho thành lập 4 thành phố Đông-Tây-Nam-Bắc. Về mô hình tổ chức và hoạt động của 4 thành phố này cơ bản như thành phố thuộc tỉnh (do chưa đô thị hóa 100% như quận nên vẫn được phân chia thành phường xã). Phân tích về sự đổi mới, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, đây là lần đầu tiên Hiến định chính quyền địa phương, luật pháp trước đây không có. Lần này xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới, 4 vấn đề còn tồn tại trong mô hình tổ chức. “Quyền của HĐND thực tế hiệu quả rất thấp, một năm chỉ họp mấy lần, quyết được cái gì, chỉ là hình thức”, ông Lịch nói.

Nói về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, phải nâng cao năng lực, nếu không nâng được thì cần xem lại. “Tôi nghĩ khi ta thiết kế thế này, chính quyền từ Trung ương đến địa phương là hành pháp dọc, ngoài ra còn hệ thống ngang để giải quyết quyền lợi nhân dân. Địa phương lớn có thể 3 cấp chính quyền đô thị, ví dụ TP Hồ Chí Minh nội dung phân quyền phân cấp, một mô hình chính quyền địa phương 2 cấp”, đại biểu Lịch phân tích. Có 2 phương án cho mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Phương án 1: ở quận, phường không tổ chức HĐND (chức năng đại diện, giám sát, quyết định các vấn đề ở địa phương do HĐND thành phố, thị xã đảm nhiệm). Phương án 2: ở quận, phường vẫn tổ chức HĐND (HĐND quận, phường ngoài việc thực hiện chức năng đại diện và chức năng giám sát, chức năng quyết định tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ là: thông qua ngân sách quận, phường theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, bầu nhân sự của HĐND, UBND cùng cấp, và thông qua đề án thay đổi đơn vị hành chính ở quận, phường). “Mô hình chính quyền hiện nay là bất cập, cần nghiên cứu với tư duy kế thừa cái phù hợp, đổi mới gắn với yêu cầu thực tiễn một cách thấu đáo. Cả hai phương án đều không phù hợp, không chuyển tải Hiến pháp 2013”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu quan điểm.

Bà đề nghị chính quyền ở nông thôn giữ 3 cấp, ở đô thị có đặc điểm riêng cần một chính quyền 2 cấp (thành phố và cấp chính quyền cơ sở) và cần phải nghiên cứu kỹ để phù hợp với sự phát triển, nếu không nghiên cứu kỹ sẽ làm mất niềm tin của người dân. Nhiều đại biểu chưa thống nhất với các phương án nêu trong dự án luật. Đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh) đề nghị quán triệt và nhất quán với Hiến pháp. Nên tính giữa các địa bàn nông thôn hay thành phố, hải đảo khác nhau thế nào. Với mong muốn một chính quyền địa phương hiệu quả, đại biểu Hồ Thị Cẩm Đào (Sóc Trăng) cho rằng: Chính quyền 2 cấp hay 3 cấp nhưng điều quan trọng là hiệu lực hiệu quả, tinh gọn và phát huy tính dân chủ của người dân tốt hơn. Cần phải phân tích kỹ 2 phương án này, xem phương án nào hiệu quả nhất thì quyết định…

Buổi chiều, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Nghị quyết thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Tiếp đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) và Nghị quyết thi hành Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi). Thảo luận về việc phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; thảo luận về việc phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật

Kim Quý - Vũ Hân
.
.
.