Cân nhắc thận trọng để bảo vệ quyền con người

Thứ Hai, 24/08/2015, 14:28
Việc thông qua các dự án luật về tư pháp tại kỳ họp Quốc hội sắp tới sẽ góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích chính đáng của công dân, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền.

Phát biểu khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, trọng tâm của phiên họp này là tiếp tục thảo luận, hoàn thiện nhiều bộ luật liên quan lĩnh vực tư pháp. Việc thông qua các dự án luật này tại kỳ họp Quốc hội sắp tới sẽ góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích chính đáng của công dân, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh vấn đề quyền con người trong các dự luật.

Theo Chủ tịch Quốc hội, khi hoàn thiện pháp luật về tư pháp, cùng mảng pháp luật về tổ chức bộ máy, thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đã được thông qua, có thể nói Quốc hội đã sửa đổi, ban hành hệ thống pháp luật cần thiết triển khai Hiến pháp 2013.

Thời gian tới, nhóm pháp luật liên quan đến dân chủ xã hội cũng sẽ được sửa đổi, ban hành như Luật Báo chí sửa đổi, Luật Tiếp cận thông tin, Luật về hội, Luật Biểu tình... Các luật này từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm cho Quốc hội khoá 14 nền tảng cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc để triển khai Hiến pháp mới.

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần này, các đại biểu cho ý kiến dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi); Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi)… Nhấn mạnh Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đang lấy ý kiến của nhân dân, liên quan đến quyền con người, bảo vệ công lý, bảo vệ lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu phải cân nhắc thận trọng để đảm bảo quyền con người, quyền công dân.

Về Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), phải quy định để đảm bảo chặt chẽ toàn bộ quy trình từ tạm giam, tạm giữ đến truy tố, xét xử. Xét xử phải theo nguyên tắc công khai, tranh tụng, quyền của luật sư, người tự bào chữa phải được tôn trọng. Quyền tư pháp giao cho toà án và quyết định cuối cùng là của toà án, nhân danh nước CHXCN Việt Nam.

Trình bày báo cáo về một số vấn đề lớn trong quá trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo Bộ luật Dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, dự thảo không coi các hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể đầy đủ của quan hệ pháp luật dân sự, đồng thời cũng loại trừ việc điều chỉnh đối với hộ gia đình sử dụng đất - vốn đang là vấn đề gặp nhiều vướng mắc hiện nay.

Do còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về hai phuơng án của chủ thể quan hệ pháp luật dân sự.

Phương án 1: Quy định về sự tham gia vào quan hệ dân sự của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân như Điều 102 của dự thảo.

Phương án 2: tiếp tục quy định về các chủ thể quan hệ dân sự là hộ gia đình, bao gồm cả hộ gia đình sử dụng đất, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân như BLDS hiện hành.

M.Đ.
.
.
.