UBTV Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Cư trú sửa đổi:

Cân nhắc quy định công chứng thủ tục nhập khẩu

Thứ Sáu, 22/03/2013, 10:54
Dự án Luật Cư trú trình UBTV Quốc hội tại phiên họp ngày 21/3 quy định trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức… thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc quy định này.
>> Một số điểm mới trong Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cư trú

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú tiếp tục được UBTV Quốc hội thảo luận lần hai, sau khi đã cho ý kiến tại phiên họp tháng trước. Thẩm tra dự luật, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú, đồng thời nhấn mạnh: Các nội dung sửa đổi, bổ sung của luật không làm ảnh hưởng đến quyền cư trú của công dân đã được khẳng định trong Hiến pháp và phải bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú lần này cần bảo đảm tính thống nhất với các dự án luật khác, nhất là dự án Luật Hộ tịch, cần đơn giản hóa các giấy tờ, thủ tục đối với người dân. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện ghi nhận, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú trình Thường vụ Quốc hội lần này đã được chỉnh lý, bổ sung nhiều nội dung quan trọng, hợp lý.

Dự án bổ sung một số điểm, như bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm, gồm nghiêm cấm hành vi giả mạo điều kiện để được đăng ký thường trú; cho người khác đăng ký vào chỗ ở của mình nhưng người này thực tế không cư trú tại chỗ ở đó hoặc để trục lợi. Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ cho rằng, quy định cấm là cần thiết vì thực tế có trường hợp người có hộ khẩu thường trú ở thành phố cho người khác đăng ký vào chỗ ở của mình để kiếm tiền bất hợp pháp. Nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với việc bổ sung nghiêm cấm hai hành vi như dự thảo luật, song đề nghị rà soát lại để bảo đảm tính khả thi, đầy đủ bao quát của các quy định này trong thực tiễn (do còn có nhiều hành vi giả mạo khác như: giả mạo kết hôn, giả mạo họ hàng thân thích, giả mạo giấy tờ tuyển dụng…) để đăng ký thường trú.

Về bổ sung điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, quy định tăng thời gian tạm trú từ 1 năm lên 2 năm. Dự thảo luật đã bổ sung quy định công dân được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương khi có chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì còn phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND thành phố, có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng, được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú. Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với quy định tăng thời gian tạm trú liên tục tại thành phố từ 1 năm lên 2 năm cũng như quy định điều kiện diện tích bình quân đối với trường hợp cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng, việc áp dụng quy định này trên phạm vi toàn thành phố trực thuộc trung ương là rộng, đề nghị chỉ áp dụng các điều kiện hạn chế đăng ký thường trú trong nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương (không áp dụng với ngoại thành).

Nhiều ý kiến UBTV Quốc hội cho rằng, đối với quy định “Nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú” là khắt khe, khiến người ở thuê, ở nhờ khó có cơ hội đăng ký hộ khẩu vì chỗ ở của họ thường xuyên biến động. Một mặt, Luật Thủ đô cũng đã bỏ quy định này nên cần đảm bảo thống nhất trong các văn bản luật. Cơ quan thẩm tra cho rằng, với quy định trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức… phải có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng là không cần thiết vì làm tăng thêm thủ tục hành chính, gây phiền hà, tốn kém, dễ bị lợi dụng, tiêu cực làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân.

Về bổ sung một số trường hợp được đăng ký thường trú, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị cân nhắc bổ sung đối tượng người chưa thành niên (có cha mẹ ly hôn và cha mẹ đều đã kết hôn với người khác), còn cha, mẹ và cha mẹ vẫn có điều kiện nuôi dưỡng, nhưng có nguyện vọng về sống với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, cần đề phòng khả năng lợi dụng kẽ hở của pháp luật, đơn cử như trường hợp người gần đến tuổi thành niên lợi dụng để chuyển hộ khẩu đi, “né” nghĩa vụ quân sự.

Theo chương trình xây dựng pháp luật, dự thảo luật này sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2013

Đ.Minh
.
.
.