Cần lấy ý kiến đại biểu QH về mô hình GĐPY để quyết định khách quan

Thứ Ba, 10/04/2012, 09:40
Tại kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XIII tới đây, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự án Luật Giám định tư pháp. Mặc dù vấp phải ý kiến không tán thành của hầu hết đại biểu Quốc hội và chuyên gia luật pháp, ý kiến cơ quan quản lý, song đến nay, dự thảo luật vẫn giữ như tờ trình ban đầu là bỏ mô hình pháp y Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự thảo Luật Giám định tư pháp trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 (cuối năm 2011) với điểm mấu chốt là quy định về cơ quan giám định pháp y. Điều 16, dự thảo Luật quy định: “Trung tâm pháp y tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là đơn vị sự nghiệp có thu, có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng và trực thuộc Sở Y tế”. Theo quy định này, mô hình pháp y Công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ không còn tồn tại mà sáp nhập vào trung tâm giám định pháp y tỉnh do Sở Y tế quản lý.

Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều không tán thành quy định của dự thảo, cho rằng cách làm như vậy là không khoa học, thiếu thực tiễn và đề nghị giữ nguyên mô hình pháp y Công an tỉnh như hiện hành. Sau đó, đoàn thư ký kỳ họp công bố bản tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội (thảo luận tại tổ và hội trường tại kỳ họp thứ 2) cho thấy: 63 ý kiến không nhất trí quy định của dự thảo luật về bỏ mô hình giám định pháp y thuộc Công an tỉnh, chỉ có 31 ý kiến nhất trí quy định dự thảo luật.

Tại các phiên họp gần đây của UBTV Quốc hội tiếp tục khẳng định tính khoa học trong việc giữ mô hình pháp y Công an cấp tỉnh, thành phố. Chỉ có một số ý kiến, trong đó có ý kiến của Ban soạn thảo (Bộ Tư pháp), Bộ Y tế (cơ quan phối hợp soạn thảo) và Ủy ban Tư pháp (cơ quan thẩm tra) là bảo lưu quan điểm như dự thảo luật. Xem lại bản tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn thừa nhận, Phòng Giám định pháp y Công an các tỉnh phát huy hiệu quả, 63 ý kiến đại biểu đề nghị giữ lại, chỉ có 31 ý kiến đề nghị bỏ đi. “Như vậy, ý kiến đề nghị giữ lại chiếm đa số. Theo tôi, không có việc gì phải bỏ cả” – Phó Chủ tịch nêu rõ. Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ cũng từng phát biểu thẳng thắn tại phiên họp UBTV Quốc hội: “Tôi đi kiểm tra thấy rằng, nếu nói dân sự mà đi làm được về pháp y là rất khó khăn, đánh xe đến đón họ còn không đi, nhiều người còn tắt điện thoại để tránh phải đi, đó là pháp y Y tế”.

Thực tế, tính khoa học của việc giữ nguyên mô hình pháp y Công an cấp tỉnh, thành phố đã được chứng minh trong thực tiễn. Ra đời từ những năm 1960 đến nay, lực lượng này thực hiện nhiệm vụ rất tốt, có bề dày kinh nghiệm. Đội ngũ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự tại Công an các tỉnh, thành nằm trong cơ cấu tổ chức của Công an các tỉnh tương tự như pháp y trong Quân đội, hoàn toàn độc lập với CQĐT. Hiện có 213 giám định viên pháp y và 96 y sĩ, y tá đang làm vai trò trợ lý giám định. Họ đều được đào tạo cơ bản về kiến thức, chuyên sâu về lĩnh vực y học, đồng thời cũng được đào tạo chuyên sâu về công tác điều tra tội phạm, đầy đủ các nội dung, kiến thức về pháp luật hình sự tố tụng. Giám định pháp y đòi hỏi tính kỷ luật cao và điều này chỉ giám định pháp y trong Công an mới đảm trách được.

Trong khi đó, giám định pháp y y tế không mang tính kỷ luật, tác phong lực lượng vũ trang nên có tâm lý dễ làm khó bỏ. Đến nay, ngành Y tế mới có 39 trung tâm pháp y, 16 phòng giám định pháp y ở cấp tỉnh, còn một số tỉnh thì chưa có, đa số các trung tâm và phòng này hầu hết không đủ số giám định viên tư pháp, nhiều trung tâm chỉ có một giám định viên, hầu hết các trung tâm này đều không có trụ sở làm việc mà phải đặt nhờ vào các khoa giải phẫu bệnh..

Gần đây, có ý kiến cho rằng, mô hình giám định pháp y Công an cấp tỉnh hiện chỉ có số ít các nước áp dụng, còn các nước tiên tiến như Nga, mô hình này giao cho ngành Y tế. Chúng tôi thấy rằng, đặc điểm, điều kiện hoạt động mô hình giám định tư pháp ở ta có đặc thù riêng, cần phải căn cứ cụ thể vào thực tiễn đất nước chứ không có nghĩa “bê” nguyên mô hình ở nước ngoài. Việc tổ chức theo mô hình nào, nhập hay giữ nguyên phải vì yêu cầu khách quan, vì tính hiệu quả công tác giám định pháp y chứ không thể vì lý do nào khác

Phan Đăng
.
.
.