Cần công bằng và minh bạch, tạo sự đột phá để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Thứ Năm, 27/02/2014, 22:40
Chiều 27/2, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch công tác năm 2014. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đến dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng dự, còn có đại diện nhiều bộ, ban, ngành TW và ngành Y tế các địa phương.

Trước những kết quả đạt được cũng như tồn tại của ngành Y tế trong năm 2013, Bộ Y tế đã mạnh dạn đưa ra nhiều giải pháp, nhằm tạo bước đột phá cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong năm 2014. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cải cách hành chính đang là yếu kém của ngành Y tế. Các ý kiến phản ánh qua đường dây nóng cho thấy, vấn đề nhức nhối với người dân chính là thái độ ứng xử của các thầy thuốc, khi cáu gắt và không hướng dẫn người bệnh, chiếm 40%. Bộ Y tế đã khắc phục bằng thiết lập đường dây nóng, tăng cường công tác truyền thông và đặc biệt, năm 2014 sẽ tập trung thí điểm Đề án đo lường sự hài lòng của người dân với dịch vụ y tế công trên nhiều lĩnh vực, xác định rõ các loại dịch vụ công của ngành Y tế, xây dựng bộ công cụ đo lường cho mỗi lĩnh vực của ngành Y tế...

Ngành Y tế quyết tâm bằng biện pháp hành chính, giám sát và tài chính, để thay đổi chất lượng khám, chữa bệnh (KCB). Nâng cao đạo đức nghề nghiệp, sẽ đưa ra khỏi ngành những cá nhân không xứng đáng. Bộ Y tế sẽ tổ chức triển khai thực hiện Thông tư hướng dẫn thực hiện Quy tắc ứng xử vừa ban hành, để có hành lang pháp lý cao hơn về thực hiện quy tắc ứng xử của nhân viên y tế đối với bệnh nhân.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết: Qui tắc ứng xử của ngành Y tế từng có, nhưng chỉ là vận động, còn nay là bắt buộc thực hiện trong các đơn vị, nhất là tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Nét mới của Qui tắc lần này qui định cụ thể hơn, ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở y tế khi để xảy ra vi phạm trong đơn vị mình phụ trách. Bên cạnh việc bị xử lý theo Luật Công chức viên chức, người vi phạm còn bị xử lý theo Qui chế của bệnh viện (BV) như trừ lương, thưởng v.v… Việc đánh giá chất lượng BV không thực hiện theo phương pháp chấm chéo như trước, mà sẽ tổ chức Hội đồng độc lập để đánh giá chất lượng BV, nhằm nâng cao chất lượng KCB của các BV, đáp ứng yêu cầu nhân dân.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Chúng ta đã làm được nhiều việc trong công tác CSSK nhân dân, được quốc tế đánh giá cao. Nhưng phải làm sao năm 2014 chất lượng KCB phải có bước tiến rõ rệt, minh bạch để nhân dân giám sát, các BV thi đua. Chỉ khi qui chuẩn, tiêu chí công khai thì việc đánh giá, giám sát sẽ dễ. Hiện, có cơ sở y tế không có người bệnh, có nơi lại quá tải, vì thế, cùng với tăng giường bệnh, phải sử dụng hiệu quả trang thiết bị đã có; cũng cần xem lại cơ chế chính sách vì quá tải là do cơ chế tài chính dẫn đến, nên bằng cơ chế chính sách để sử dụng tốt hơn trang thiết bị, cơ sở vật chất đã đầu tư.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo: Vấn đề quan trọng trong ngành y hiện nay là phải đoàn kết, minh bạch và công bằng giữa điều trị và dự phòng, các tuyến TW và địa phương; vùng miền, nhất là cơ chế tài chính phân phối. Về y đức, ngành Y tế cũng cần bình tĩnh trước nhận xét của cộng đồng vì người dân hiểu rất rõ những cống hiến của ngành y.

Phó Thủ tướng dẫn chứng lần ông đã “vi hành” đến Bệnh viện K để “mục sở thị” chất lượng KCB và biết rằng, qui trình KCB hoàn toàn có thể rút ngắn từ 10 ngày chờ đợi xuống 2 ngày. Vì thế, yêu cầu ngành y cần phát động thực hiện tám chữ: “Nhân - Minh - Đức - Trí - Lượng - Thành - Khiêm - Cần”, đồng thời, tránh 8 tội: lười biếng, keo kiệt, tham lam, dối trá, dốt nát, bất nhân, hẹp hòi, thất đức, mà lương y Lê Hữu Trác đã chỉ ra. Nếu làm được và minh bạch mọi việc, sẽ đấu tranh được với tiêu cực và cái xấu sẽ giảm.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Y tế cần tăng cường áp dụng kỹ thuật khoa học để khắc phục khiếm khuyết, nâng một bước tiến về chất lượng KCB. Đặc biệt cần có chế độ chính sách đối với các bác sĩ mới ra trường và các sinh viên ngành y, cũng như phải có giải pháp căn cơ để các bác sĩ yên tâm công tác lâu dài ở vùng sâu, vùng xa.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Năm 2014 sẽ xây dựng Luật Phòng chống tác hại rượu bia, có Thông tư hướng dẫn đo độ cồn với người điều khiển cơ giới. Hiện, việc kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông đang được CSGT thực hiện bằng phương pháp không cần cán bộ y tế. Nhưng tới đây, khi xảy ra tai nạn giao thông, nếu nghi ngờ có nguyên nhân do rượu, lực lượng Công an sẽ tiến hành xét nghiệm máu để đo nồng độ cồn, bằng việc chuyển cho cơ sở y tế gần nhất xét nghiệm để khẳng định. Kết quả này sẽ làm tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ khi xem xét, xử lý vụ việc.

Dạ Miên
.
.
.