Quốc hội tuần này:

Cân chỉnh quy định về nhà ở, kinh doanh bất động sản, bảo hiểm xã hội

Chủ Nhật, 25/05/2014, 22:00
Tuần làm việc thứ 2, Quốc hội dành thời gian cho công tác xây dựng pháp luật. Đáng chú ý, Quốc hội sẽ thảo luận các dự luật liên quan đến thị trường nhà ở và kinh doanh bất động sản, dự luật về bảo hiểm xã hội...

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội bổ sung quy định áp dụng chế độ BHXH bắt buộc đối với học viên Quân đội, Công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí (điểm e khoản 1 Điều 2). Về vấn đề này hiện có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành với dự thảo Chính phủ trình. Loại ý kiến thứ hai tán thành việc mở rộng đối tượng áp dụng chế độ BHXH bắt buộc đối với học viên Quân đội, Công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí như dự thảo.

Tuy nhiên, để đảm bảo công bằng với các nhóm đối tượng khác cũng đang hưởng sinh hoạt phí hoặc phụ cấp thì cần bổ sung quy định cán bộ không chuyên trách cấp xã cũng thuộc đối tượng BHXH bắt buộc. Cơ quan thẩm định thống nhất với loại ý kiến thứ hai vì đây là nhóm lao động có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên. Việc mở rộng BHXH bắt buộc với đối tượng này vừa góp phần vào mục tiêu tăng diện bao phủ của BHXH bắt buộc, vừa đảm bảo an sinh cho người lao động có quá trình làm việc lâu dài.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu và thể chế hóa quan điểm của Đảng về việc tách BHXH đối với lực lượng vũ trang và khu vực hành chính nhà nước ra khỏi khu vực doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các lĩnh vực khác vào thời điểm thích hợp để thúc đẩy quá trình cải cách chính sách BHXH, đảm bảo công bằng trong tham gia, thụ hưởng BHXH của người lao động thuộc các khu vực khác nhau.

Thứ ba tuần này, Quốc hội thảo luận dự án Luật Nhà ở và Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Đáng chú ý, dự luật Nhà ở xem xét việc không bắt buộc giao dịch bất động sản (BĐS) phải qua sàn, chỉ khuyến khích các bên tham gia để bảo đảm quyền lợi, công khai, minh bạch là đề xuất của Bộ Xây dựng trong Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi. Trước đề xuất này, đã có nhiều ý kiến đồng tình, tuy nhiên cũng có chuyên gia cho rằng muốn thị trường minh bạch, ổn định cần siết chặt quản lý chứ không nên bãi bỏ quy định nêu trên.

Theo Bộ Xây dựng, đề xuất bỏ quy định giao dịch BĐS phải qua sàn là cách để giảm thủ tục với chủ đầu tư, giảm chi phí cho người mua, thuê nhà. Đặc biệt thời điểm như hiện nay, thị trường trầm lắng, chủ đầu tư đã và đang tìm mọi cách để hút khách mà vẫn không bán được hàng nên việc giao dịch qua sàn không còn cần thiết. Trong khi đó, có ý kiến cho rằng, việc quy định chủ đầu tư khi giao dịch BĐS phải qua sàn chỉ là thủ tục hành chính hình thức. Bản thân sàn giao dịch nhà đất là một đơn vị độc lập nên không thể chỉ dựa vào quy định đó để "sống". Các sàn muốn duy trì hoạt động vẫn phải tự tìm việc cho nhân viên làm, tìm dự án để phân phối. Nhiều ý kiến cho rằng, việc siết chặt quản lý để tránh sàn môi giới làm rối loạn thị trường rất cần các cơ quan quản lý mạnh tay vào cuộc tăng cường kiểm tra, hoạt động. Khống chế số lượng, sàng lọc các sàn được phép hoạt động bằng quy định đánh giá tiêu chuẩn. Xây dựng danh sách cụ thể, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về những sàn đáng tin cậy làm cơ sở cho người dân đến tìm hiểu thông tin.

Trong khi đó, dự luật Nhà ở sửa đổi cũng đã đặt vấn đề đổi mới nội dung, phương thức thực hiện, quy định rõ cơ chế, chính sách ưu đãi để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội nhằm phục vụ cho các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, người thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước (Trung ương và địa phương) cũng như khuyến khích các thành phần kinh tế, đặc biệt là các hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển nhà ở xã hội. Dự thảo Luật (tại Điều 57) đã quy định yêu cầu chính quyền địa phương phải quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Tại Điều 19, Điều 58 quy định bắt buộc các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở phải có trách nhiệm phát triển nhà ở xã hội (thông qua việc dành quỹ đất trong dự án nhà ở thương mại và trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội). Tại Điều 54 và Điều 59 đã quy định cụ thể các hình thức phát triển nhà ở và các cơ chế ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội, trong đó có sự tham gia của Nhà nước về cấp vốn đầu tư xây dựng, miễn giảm nghĩa vụ tài chính hoặc hỗ trợ, ưu đãi tín dụng cho phát triển nhà ở xã hội. Đặc biệt, để đẩy mạnh việc xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê nhằm giảm áp lực về giá bán nhà ở trên thị trường và đáp ứng các điều kiện cũng như khả năng chi trả của người dân, nhất là các đối tượng chính sách, hộ nghèo, người thu nhập thấp tại khu vực đô thị thì bên cạnh các chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp, các hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, dự thảo Luật cũng quy định yêu cầu chính quyền địa phương phải quy hoạch các khu vực riêng để lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê; đối với các khu vực khác thì phải dành tối thiểu 20% diện tích đất xây dựng nhà ở hoặc diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê (thể hiện cụ thể tại Điều 55 của dự thảo Luật)...

Cũng trong tuần này, Quốc hội sẽ thảo luận một số dự luật quan trọng khác như dự án Luật Đầu tư công, Luật Công chứng, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Tổ chức Quốc hội... 

Nguyễn Thành
.
.
.