‘Căn chỉnh’ các dự án luật về hình sự, dân sự, tư pháp

Thứ Hai, 15/06/2015, 08:22
Tuần này, Quốc hội dành phần lớn thời gian để thảo luận các dự án sửa đổi luật, bộ luật về hình sự, dân sự, tư pháp. Thời lượng thảo luận mỗi dự án bộ luật là một ngày (gấp đôi thời gian thảo luận một dự luật thông thường).

Các dự án sửa đổi Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Tạm giữ, tạm giam đều đã được Quốc hội cho ý kiến tại tổ trước khi trình thảo luận tại hội trường trong tuần này. Trong đó, việc mở rộng số lượng cơ quan điều tra, giao thẩm quyền khởi tố, điều tra ban đầu cho cơ quan Thuế, Kiểm ngư và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong dự án Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi đã nhận được rất nhiều ý kiến.

Qua tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ cho thấy, hầu hết đại biểu Quốc hội không tán thành việc giao thẩm quyền khởi tố, điều tra cho các cơ quan này, đề nghị giữ nguyên mô hình cơ quan điều tra như hiện hành. Các ý kiến nhận định, việc mở rộng vừa có nguy cơ “lạm quyền” hành chính, quyền tư pháp, dễ dẫn tới chuyện nhũng nhiễu, tiêu cực, đồng thời giao quyền điều tra cho cơ quan không chuyên như vậy dễ dẫn tới oan, sai.

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình và các đại biểu bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Quỳnh Vinh.

Bản thân các cơ quan này không có điều tra viên chuyên nghiệp nên kỹ năng quản lý hồ sơ kém, trong khi nhân chứng hiện trường đã thay đổi, vì thế, khi chuyển hồ sơ lên cơ quan điều tra lại phải làm lại. “Một đất nước có nhiều cơ quan điều tra quá thì không nên, khi tinh thần của Bộ Chính trị là thu hẹp đầu mối điều tra thì việc mở rộng chức năng điều tra ban đầu cho cơ quan Thuế, Kiểm ngư, Ủy ban Chứng khoán là trái chủ trương này. Anh có chức năng hành chính, chức năng phát hiện, khi có dấu hiệu tội phạm chuyển cơ quan điều tra, tại sao không chuyển? Tôi không tán thành mở rộng cơ quan điều tra cho Thuế, Chứng khoán” - đại biểu Đỗ Văn Đương phân tích. Quan điểm này cũng được nhiều đại biểu tán đồng. 

Đối với Kiểm ngư, nhiều ý kiến chỉ rõ, đây là lực lượng mới thành lập, đội ngũ thiếu kinh nghiệm lại không chuyên nghiệp trong khi quản lý địa bàn vùng biển rất rộng, nếu giao quyền khởi tố, điều tra sẽ gây tác dụng ngược, dễ bị lạm dụng để vòi vĩnh, đe dọa ngư dân trục lợi bất chính. Trong khi trên biển đã có Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng được giao thẩm quyền này.

Đại biểu Chu Sơn Hà thảo luận tại hội trường.

Tuần này, Quốc hội cũng sẽ dành một ngày để thảo luận dự án Bộ luật Hình sự sửa đổi. Kết quả thảo luận tại tổ cho thấy, đại biểu Quốc hội đồng ý xu hướng giảm hình phạt tử hình nhưng đề nghị cân nhắc một số tội danh. Liên quan đề xuất bỏ hình phạt tử hình với người phạm tội trên 70 tuổi, đa số không đồng tình quan điểm này.

Nhiều ý kiến phân tích, tuổi thọ trung bình của Việt Nam đã được nâng cao, trình độ dân trí và đời sống vật chất ngày càng được cải thiện, người ở độ tuổi 70 nhìn chung vẫn còn khả năng về sức khỏe và là những người có vốn hiểu biết, nhận thức và kinh nghiệm sống. Thực tế cuộc sống cho thấy, nhiều người ở độ tuổi này vẫn phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, thậm chí có người còn có thể là người cầm đầu các tổ chức tội phạm, như phạm các tội hiếp dâm, giết người, cầm đầu đường dây buôn lậu xuyên quốc gia, quốc tế hoặc buôn bán ma túy xuyên lục địa.

Vì vậy, nếu trong Bộ luật Hình sự quy định không áp dụng, không thi hành án tử hình đối với người bị kết án từ 70 tuổi trở lên có thể dẫn đến việc lợi dụng để trì hoãn, trốn tránh sự trừng phạt, không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Đại biểu Quốc hội cũng đề nghị giữ hình phạt tử hình đối với tội tham ô, nhận hối lộ. “Trong khi người nghèo không có điều kiện sinh sống, phải vận chuyển ma tuý để sinh sống vẫn phải chịu án tử hình thì những người có chức vụ, kiến thức lại tham ô, tham nhũng số tiền lớn mà lại không áp dụng án tử hình là không công bằng” - đại biểu Nguyễn Đức Chung phân tích.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo và Bùi Thị An (Hà Nội) cũng cho rằng không thể bỏ hình phạt tử hình với tội tham nhũng.

Vấn đề chuyển đổi giới tính, quy định về đặt tên người trong dự án Bộ luật Dân sự sửa đổi sẽ tiếp tục được thảo luận tại hội trường. Hạt nhân gây tranh cãi là quy định tại khoản 2 Điều 36: “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác theo quy định tại khoản 1 Điều này”.

Không thừa nhận chuyển đổi giới nhưng lại công nhận các quyền nhân thân cho người chuyển giới khiến điều luật gây mâu thuẫn. Khẳng định việc thừa nhận hay không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính không chỉ liên quan đến quyền nhân thân của một cá nhân, mà kèm theo đó là rất nhiều vấn đề xã hội phát sinh như hành lang pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp y học để chuyển đổi giới tính, vấn đề công nhận hôn nhân đồng giới, sự phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và truyền thống, phong tục, tập quán của Việt Nam...

Phiên thảo luận cuối tuần, Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Tạm giữ, tạm giam (dự luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo). Theo dự luật, mục tiêu của việc tạm giữ, tạm giam là ngăn chặn hành vi tiếp tục phạm tội, trốn tránh việc điều tra, truy tố, xét xử, cản trở việc xác định sự thật của vụ án hoặc để bảo đảm thi hành án. Tổng kết thực tiễn 16 năm thực hiện Quy chế về tạm giữ, tạm giam, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam đã bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc.

Do đó, việc xây dựng, ban hành Luật Tạm giữ, tạm giam là cần thiết nhằm tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập, bảo đảm hiệu quả công tác quản lý giam giữ phục vụ có hiệu quả cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, đồng thời nhằm bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính trong tình hình mới.

Trình bày tờ trình trước Quốc hội, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, quá trình soạn thảo dự án Luật Tạm giữ, tạm giam, Bộ Công an đã quán triệt, thể chế hóa chủ trương, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong hoạt động điều tra, tổ chức, hoạt động của cơ quan điều tra hình sự nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Việc xây dựng các dự án luật bảo đảm phù hợp Hiến pháp năm 2013, sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động điều tra hình sự. Quá trình xây dựng hai dự án luật được tiến hành chặt chẽ, khoa học dựa trên việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về hoạt động điều tra hình sự, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, tham gia đóng góp ý kiến của các cơ quan hữu quan.

Cơ quan thẩm tra - Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành với Chính phủ về sự cần thiết ban hành dự án luật này để khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn, đồng thời đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền.

Giữa tuần, Quốc hội sẽ bỏ phiếu bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

“Việc Quốc hội thảo luận, cho ý kiến các dự án luật quan trọng như Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; dự án Luật Tạm giữ, tạm giam… là một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp nhằm tiếp tục đưa Hiến pháp năm 2013 vào cuộc sống, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Mục tiêu, quan điểm, nội dung sửa đổi các dự án luật này phù hợp với chủ trương hoàn thiện chính sách, pháp luật được nêu trong Nghị quyết số 48-NQ/TW, ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị (Khóa IX) về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị (Khóa IX) về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, các kết luận của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp và những nội dung mới của Hiến pháp năm 2013”.

(Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an)

Đ.Minh
.
.
.