'Góp ý vào dự thảo Bộ luật Hình sự'

Cần cân nhắc kỹ quy định trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên

Thứ Năm, 23/04/2015, 09:01
Từ ngày 20 đến 22/4, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên Hợp Quốc (UNODC) và Bộ Tổng chưởng lý Australia (AGD) tổ chức Hội thảo "Góp ý dự thảo các quy định của Bộ luật Hình sự" trên tinh thần các chuẩn mực quốc tế. Phóng viên Báo CAND có cuộc trao đổi với Trung tá Đỗ Khắc Hưởng, Trưởng phòng Pháp luật hình sự và Cải cách tư pháp, Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an về một số nội dung liên quan.

PV: Dự thảo Bộ luật Hình sự hiện đang nhận được sự quan tâm, đóng góp của các cơ quan, ban, ngành. Trong dự thảo cũng có một số quy định có ảnh hưởng trực tiếp đến công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trong tình hình hiện nay. Xin đồng chí cho biết về một số ví dụ về vấn đề này?

Trung tá Đỗ Khắc Hưởng: Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được đưa ra thảo luận tại hội thảo này đã được cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị công phu, về cơ bản đã tiếp thu ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền nên về cơ bản đã hoàn thiện; tuy nhiên, có một số nội dung dự kiến sửa đổi có thể ảnh không tốt đến công tác phòng, chống tội phạm như về quy định trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên.

Theo quy định hiện hành, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đối với mọi tội danh. Trong khi đó, dự thảo Bộ luật quy định theo hướng thu hẹp, họ chỉ phải chịu trách nhiệm về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng ở một số tội danh (13 tội danh).

Như vậy, vấn đề đặt ra là cùng là tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý, hoặc đặc biệt nghiêm trọng, nhưng đối với tội danh này thì phải chịu trách nhiệm, tội danh khác lại không phải chịu.

Việc sửa đổi như vậy là bỏ lọt tội phạm, không đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là trong tình hình hiện nay, tội phạm do người chưa thành niên thực hiện ngày một gia tăng cả về số vụ việc và tính chất nghiêm trọng.

Theo dự thảo Bộ luật, người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp đó là các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng.

Tôi cho rằng, việc bổ sung quy định này là cần thiết, tạo nên sự phù hợp, hài hòa với chuẩn mực đạo đức. Tuy nhiên, cân đối về nhiều yếu tố chỉ nên quy định theo hướng trường hợp ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội che giấu tội phạm là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, không nên coi là tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự.

Quy định người bào chữa được loại trừ trách nhiệm hình sự của người bào chữa trong trường hợp không tố giác tội phạm.

Theo dự thảo Bộ luật, người bào chữa sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác tội phạm đã được thực hiện do chính người mà mình bào chữa thực hiện hoặc tham gia thực hiện.

Tôi cho rằng, vấn đề này cần cân nhắc kỹ, bởi vì thường người bào chữa là người hơn ai hết hiểu, nắm rõ các quy định của pháp luật, biết được tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật và trách nhiệm của công dân trước pháp luật.

Đồng thời, theo quy định, người bào chữa có trách nhiệm bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Do đó, việc loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người bào chữa trong trường hợp không tố giác tội phạm là không nên đặt ra.

PV: Tại hội thảo, vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân được rất nhiều đại biểu quan tâm thảo luận, có nhiều ý kiến cho rằng nên bổ sung vào dự thảo Bộ luật Hình sự quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, nhưng có nhiều ý kiến không đồng tình. Quan điểm của đồng chí về vấn đề này?

Trung tá Đỗ Khắc Hưởng: Đây là vấn đề mới, với tư cách là người nghiên cứu, tôi thấy vấn đề này cần được nghiên cứu thấu đáo hơn, chưa nên bổ sung vào Bộ luật Hình sự lần này, bởi vì:

Thứ nhất, về kinh nghiệm quốc tế: Đến nay, tuy đã có một số nước quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân nhưng cũng còn nhiều nước không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Cách nào cũng có mặt thuận và mặt không thuận riêng.

Thứ hai, theo pháp luật của Nhà nước ta từ trước đến nay, trách nhiệm hình sự chỉ áp dụng đối với cá nhân, tức là theo nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự nên không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân.

Trường hợp pháp nhân vi phạm pháp luật thì phải chịu trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự với chế tài cao nhất là tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, bồi thường toàn bộ thiệt hại gây ra.

Các biện pháp xử lý hành chính, dân sự này cơ bản đã bảo đảm hiệu quả đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật của pháp nhân (cơ bản giống với các biện pháp xử lý hình sự theo đề xuất của cơ quan chủ trì soạn thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)), đáp ứng yêu cầu của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân như tước giấy phép vĩnh viễn - buộc pháp nhân phải giải thể sẽ ảnh hưởng đến người không liên quan đến việc thực hiện tội phạm, nhiều người lao động sẽ mất việc làm, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, trật tự xã hội, sự phát triển của nền kinh tế.

Thứ ba, theo dự thảo Bộ luật thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân. Có nghĩa là cả cá nhân và pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự về cùng một tội phạm, trong cùng một vụ án. Vậy phạm vi, mức độ chịu trách nhiệm của từng chủ thể này như thế nào, hình phạt được áp dụng theo nguyên tắc nào…

Thứ tư, về tố tụng hình sự: Khi mà cả cá nhân và pháp nhân cùng phải chịu trách nhiệm hình sự thì ai là chủ thể tham gia tố tụng của pháp nhân, thủ tục tố tụng ra sao, các biện pháp ngăn chặn như thế nào… Đây cũng là những vấn đề chưa được quy định trong dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Đăng Hùng (thực hiện)
.
.
.