Cán bộ là yếu tố quyết định

Thứ Sáu, 18/09/2015, 08:05
Đ/c Nguyễn Đình Hương, Nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương: "Đất nước ta đi qua chiến tranh đã 40 năm; gần nửa thế kỷ xây dựng đất nước trong hòa bình, 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, trải qua 6 kỳ đại hội Đảng với nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa; nhưng cũng bộc lộ nhiều tồn tại, yếu kém trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế-xã hội, nhất là công tác xây dựng Đảng".

Nghiên cứu dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, tôi rất trăn trở trước những vấn đề của Đảng, của đất nước đặt ra cho Đại hội XII. Đây là thời điểm tình hình trong nước, khu vực và trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; Đại hội XII của Đảng có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng, quyết định nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước, bởi nó diễn ra vào thời điểm có tính bước ngoặt nhằm sớm đưa nước ta thoát khỏi tình trạng tụt hậu. Trong nhiều trăn trở, thì trăn trở nhất là vấn đề cán bộ; đây là yếu tố quyết định đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, như Bác Hồ từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”.

Đất nước ta đi qua chiến tranh đã 40 năm; gần nửa thế kỷ xây dựng đất nước trong hòa bình, 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, trải qua 6 kỳ đại hội Đảng với nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa; nhưng cũng bộc lộ nhiều tồn tại, yếu kém trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế-xã hội, nhất là công tác xây dựng Đảng.

Trong bối cảnh như thế, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân tộc giành được những thắng lợi rất quan trọng, đó là: Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng đất nước trong khi tình hình khu vực và trên thế giới diễn biến nhanh và rất phức tạp; công tác xây dựng Đảng bắt đầu từ nửa nhiệm kỳ Đại hội VII chúng ta đã nhận thấy rõ 4 nguy cơ.

Trong 4 nguy cơ đó, có 3 nguy cơ liên quan trực tiếp tới  công tác xây dựng Đảng: Nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa, nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội, âm mưu và hành động diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch. Từ đó, Đảng ta đặt vấn đề nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt.

Qua 30 năm đổi mới, Trung ương đã tiến hành và đạt được nhiều kết quả trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nổi bật là đợt sinh hoạt chính trị thực hiện Nghị quyết TW6 lần 2 khóa VIII; Nghị quyết TW4 khóa XI; cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; trong công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, chúng ta đã làm rõ nhiều vụ việc được nhân dân đồng tình ủng hộ, như vụ án Năm Cam và đồng bọn; vụ án Lã Thị Kim Oanh; vụ Vinashin; Vinaline; và gần đây là sai phạm ở một số ngân hàng... Công tác cán bộ có nhiều đổi mới.

Chúng ta đã có nghị quyết về công tác quy hoạch cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược; mở nhiều lớp đào tạo nguồn; đổi mới trong bầu cử tại đại hội Đảng cấp quận, huyện ở một số tỉnh, thành; công khai văn kiện đại hội Đảng lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân... Như thế, có thể nói công tác xây dựng Đảng có rất nhiều đổi mới, tiến bộ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được đó, công tác xây dựng Đảng vẫn còn hiện hữu nhiều hạn chế, yếu kém như Nghị quyết TW4 khóa XI đã chỉ ra: “... Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị...”.

Tất cả những biểu hiện đó, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ và căn dặn trong Di chúc của Người: Phải giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình; trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; nhưng phê bình “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”; đảng viên vừa là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân... Và một trong những công việc quan trọng đầu tiên Người căn dặn là phải chỉnh đốn Đảng, thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng.

Nhìn thẳng vào những tồn tại, khuyết điểm hiện nay, có thể diễn đạt trong ba chữ “hóa”, đó là: Tha hóa (một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất...), đặc biệt là những cán bộ có chức, có quyền; phân hóa (sự phân hóa giàu-nghèo, phân tầng xã hội dễ làm phát sinh những yếu tố bất ổn); và chuyển hóa (tự diễn biến, phai nhạt lý tưởng...). Những yếu kém, khuyết điểm này nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ, như Nghị quyết TW4 đã nêu.

Đó là một thực trạng đặt ra hiện nay với Đảng ta mà Đại hội XII có trọng trách rất lớn phải giải quyết, nếu không thì nguy cơ đánh mất vai trò lãnh đạo của Đảng ngày một nghiêm trọng hơn. Từ ba chữ “hóa” trên, hậu quả trực tiếp là làm giảm sút lòng tin của dân vào Đảng; làm lẫn lộn giữa người tốt và người xấu; người tài-đức không được trọng dụng, kẻ cơ hội, chạy chọt có điều kiện lợi dụng...Đồng thời, làm cho kinh tế chậm phát triển, xã hội phát sinh nhiều vấn đề phức tạp khó giải quyết...

Để khắc phục triệt để những vấn đề nói trên, tôi tin tưởng và kỳ vọng cao vào sự thành công của Đại hội XII của Đảng; lựa chọn cho được những cán bộ đủ đức, đủ tài, được dân tin yêu, tôn vinh và mến phục. Theo quan điểm của tôi, những cán bộ cấp chiến lược đó phải hội đủ các phẩm chất, năng lực, đó là đảm bảo tin cậy về chính trị; bản lĩnh vững vàng, có tinh thần độc lập, tự chủ, giữ vững chủ quyền lãnh thổ...; đạo đức phải trong sáng; dám đổi mới, cả công tác cán bộ, đổi mới phương thức lãnh đạo...

Trong đó, lưu ý đổi mới công tác cán bộ phải đảm bảo công khai, minh bạch; thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; đặc biệt, lựa chọn trúng những cán bộ làm việc hiệu quả, không chọn những cán bộ nói nhiều, làm ít; nói hay, làm dở... Một vấn đề nữa, nếu như trước đây chúng ta xem công tác cán bộ “có vào, có ra, có lên, có xuống” là việc bình thường, thì nay nên thêm nội dung “có bổ nhiệm thì có từ chức”, coi đó cũng là việc bình thường trong xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy Nhà nước. 

.
.
.