Tạo cơ sở pháp lý toàn diện và nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra hình sự

Thứ Tư, 27/05/2015, 09:24
Sáng 27/5, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Trần Đại Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã trình bày trước Quốc hội báo cáo tóm tắt dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra (CQĐT) hình sự. 

Đây là dự án Luật có một số quy định mới, bước đầu đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, thể hiện được một số định hướng cải cách tư pháp của Đảng liên quan đến tổ chức và hoạt động của CQĐT hình sự.

Tờ trình của Chính phủ cho biết, ngày 20/8/2004, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004, được sửa đổi, bổ sung một số điều vào các năm 2006, 2009 (dưới đây gọi chung là Pháp lệnh năm 2004). Thực hiện các quy định của Pháp lệnh này, tổ chức của CQĐT trong CAND, trong QĐND, của VKSND tối cao và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (bao gồm Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, các cơ quan khác trong CAND, trong QĐND) đã đi vào ổn định và hoạt động có hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ công cuộc đổi mới của đất nước.

Đại tướng Trần Đại Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.

Từ khi Pháp lệnh năm 2004 được ban hành đến nay, các CQĐT và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đã tiếp nhận, giải quyết 845.950 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; khởi tố 733.339 vụ án hình sự với 1.146.865 bị can. CQĐT được tổ chức theo hướng tập trung, thống nhất, chuyên sâu nên đã phát hiện điều tra, xử lý có hiệu quả với từng loại tội phạm theo thẩm quyền của các CQĐT.

Riêng đối với CQĐT trong CAND đã có sự gắn kết giữa hoạt động trinh sát với điều tra theo tố tụng hình sự. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện, CQĐT hình sự khu vực trong QĐND đã thực hiện tăng thẩm quyền điều tra theo các nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện đã giải quyết trên 88% số vụ án hình sự xảy ra trên toàn quốc, tạo điều kiện để CQĐT cấp trên tập trung điều tra những vụ án về các tội đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp; đồng thời, thực hiện tốt hơn việc tổng kết, thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ và pháp luật đối với CQĐT cấp dưới.

Thực tế cho thấy, việc tổ chức CQĐT trong CAND, trong QĐND theo Pháp lệnh năm 2004 là phù hợp, đã tạo điều kiện thuận lợi cho Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp ngay từ khi tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đến khi kết thúc điều tra; giúp cho Kiểm sát viên nắm được nội dung, diễn biến, các tình tiết có liên quan đến vụ án để thực hành quyền công tố tại phiên tòa, góp phần tăng cường trách nhiệm của công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với điều tra.

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được trong hoạt động điều tra hình sự theo Pháp lệnh năm 2004, thực tế cũng cho thấy Pháp lệnh này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả điều tra hình sự như: còn có nhiều quy định chung nên khi thực hiện phải có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành; một số quy định về thẩm quyền điều tra, quan hệ phối hợp trong hoạt động điều tra, quan hệ giữa CQĐT và Viện kiểm sát, quy định về Điều tra viên… chưa cụ thể. Mặt khác, do được ban hành từ lâu nên Pháp lệnh năm 2004 chưa có điều kiện thể chế hóa, cụ thể hóa đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng về chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và các quy định của Hiến pháp năm 2013 về nguyên tắc tổ chức, hoạt động và cơ chế kiểm soát quyền lực của các cơ quan tư pháp, các quy định về ghi nhận, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân... trong hoạt động điều tra hình sự. Pháp lệnh năm 2004 cũng chưa có quy định về quản lý công tác điều tra hình sự nên đã có tình trạng Bộ, ngành nào tổ chức, quản lý CQĐT thì Bộ, ngành đó ban hành văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ điều tra, về bổ nhiệm, miễn nhiệm Điều tra viên nên thiếu tính thống nhất trong chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động điều tra hình sự.

Xuất phát từ tình hình nêu trên, để tiếp tục thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về cải cách tư pháp và đổi mới tổ chức, hoạt động của CQĐT, bảo đảm tính thống nhất và sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta, khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh năm 2004 thì việc xây dựng, ban hành Luật tổ chức CQĐT hình sự là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đồng bộ, cụ thể và nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra hình sự trong tình hình mới.

Quá trình xây dựng dự án Luật tổ chức CQĐT hình sự, Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện. Tại Phiên họp thường kỳ tháng 12/2014, Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật, giao Bộ trưởng Bộ Công an hoàn chỉnh dự án Luật và thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình dự án Luật ra Quốc hội. Ngày 27/2/2015, tại phiên họp thứ 35, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến bước đầu và đồng ý trình dự án Luật ra Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Dự thảo Luật tổ chức CQĐT hình sự gồm 10 chương với 75 điều.

Quỳnh Vinh
.
.
.