Bộ trưởng “không dám” cam kết chấm dứt xây dựng không phép

Thứ Tư, 16/08/2017, 10:25
Trong phiên chất vấn sáng 16-8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trả lời câu hỏi của đại biểu về việc “Bộ trưởng có dám cam kết chấm dứt tình trạng xây dựng trái phép, không phép ở đô thị không?” Bộ Trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết: “Chúng tôi nhận trách nhiệm, nhưng cam kết thì nói thật, bản thân tôi - mặc dù rất có trách nhiệm cũng không dám cam kết”.

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Ủy ban Các vấn đề xã hội) than phiền về tình trạng nhếch nhác, thiếu tầm nhìn của các đô thị Việt Nam và đặt câu hỏi về những tồn tại trong quy hoạch đô thị, dẫn đến ùn tắc giao thông, thiếu chỗ vui chơi, lộn xộn, dù làm đường kinh phí cao; Có hay không việc lợi dụng biết trước quy hoạch để trục lợi? Đây cũng là câu hỏi của ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) và một số ĐB khác.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận: Quy hoạch xây dựng còn một số hạn chế, trong đó có 2 hạn chế nổi bật về chất lượng quy hoạch và việc thực hiện quy hoạch. 

Trong chất lượng quy hoạch, chủ yếu biểu hiện ở: Tầm nhìn chưa đảm bảo, cái thì ngắn quá cái thì dài quá. Tính toán, dự báo, phân tích số liệu hiện trạng, tương lai để đưa ra tiến trình chưa thực sự phù  hợp, nên tính khả thi của quy hoạch chưa tốt. 

Sự khớp nối, thống nhất, đồng bộ giữa các loại quy hoạch hoặc cùng 1 quy hoạch nhưng giữa các cấp độ cũng chưa tốt, dẫn tới chất lượng QH thấp. Tính toán các điều kiện thực hiện chưa đảm bảo, đặc biệt là nguồn lực và tiến độ, nên quá trình thực hiện QH chậm và dẫn đến QH treo.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn đề quy hoạch đô thị tỏng phiên làm việc 16-8

Trong thực hiện QH có tình trạng chậm, không đồng bộ, chắp vá, cái đáng lẽ làm trước thì làm sau, đáng lẽ làm toàn phần thì làm một phần... 

Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, cơ quan quản lý Nhà nước đã làm không thật đúng chức trách: Có lúc đã buông lỏng trong giám sát thực hiện quy hoạch, gây hệ lụy là ùn tắc giao thông, ngập lụt đô thị, sử dụng đất không hiệu quả, lấn chiếm, xây dựng không phép, sai phép. 

Tuy nhiên, trả lời câu hỏi “Có trục lợi hay không?”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng “Về cơ bản tổng thể thì không, nhưng ở một số trường hợp cụ thể cũng có biểu hiện trục lợi, lợi ích nhóm”. Về trách nhiệm của Bộ Xây dựng, ông Phạm Hồng Hà nhận “hạn chế trong xây dựng thể chế”.

Bộ trưởng cũng hứa thời gian tới sẽ “quan tâm đến vấn đề dân rất bức xúc là điều chỉnh QH tùy tiện theo hướng có lợi ích nhóm” bằng cách “sẽ đề xuất những công cụ quản lý để hạn chế và bảo đảm quy trình thật chặt chẽ, tiếp thu được giám sát của cộng đồng, ý kiến của người dân”...

Về xây dựng không phép, trái phép, ông Phạm Hồng Hà cho biết: Dù đã giảm rất nhiều (khoảng 10%), nhưng bình quân năm 2016 còn 12 – 13% công trình xây dựng không phép, sai phép, tương đương với hơn 15.000 trường hợp. 

Về nguyên nhân, có việc buông lỏng quản lý, sau khi cử tri có phát hiện, cơ quan quản lý Nhà nước mới biết và thanh tra. Thanh tra rồi lại có những việc xử lý không dứt điểm. Do đó, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định mới về xử phạt, để đưa ra công cụ xử lý tốt hơn.

Tuy vậy, trả lời câu hỏi của đại biểu về việc “Bộ trưởng có dám cam kết chấm dứt tình trạng này không?” ông Phạm Hồng Hà cho biết: “Rất khó! Chúng tôi nhận trách nhiệm, nhưng cam kết thời gian tới có chấm dứt được xây dựng trái phép hay không thì nói thật, bản thân tôi mặc dù rất có trách nhiệm cũng không dám cam kết. Cần có một sự phối hợp rất đồng bộ, chặt chẽ của các cấp các ngành”.

Không dám cam kết, nhưng Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết trong tháng này sẽ tập trung xử lý, thanh tra cụ thể một số điểm. “Vừa rồi, Chính phủ có giao Bộ Xây dựng kiểm tra một số công trình, dự án đầu tư bất động sản có quy mô sử dụng đất lớn. Hiện Bộ đang có tổng hợp đánh giá và sớm có báo cáo Quốc hội, Chính phủ, đề xuất giải pháp cụ thể hơn, toàn diện hơn trong quản lý nhà nước về đô thị” 

Vũ Hân
.
.
.