Bộ trưởng Xây dựng phân trần “công trình xây dựng xong chỉ… phơi sương”!

Thứ Ba, 26/11/2013, 11:20
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng nói nhiều công trình lãng phí gần như 100% vì xây dựng xong “chỉ để phơi sương”. Theo ông, công trình thất thoát nhiều bởi phải rót tiền ngay từ khi xin chủ trương đầu tư chứ không phải đợi đến khi động thổ.

Bên lề kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, Luật Xây dựng lần này đề cao trách nhiệm giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, trách nhiệm của các quan chức, công chức. Trước đây khi xảy ra thất thoát, lãng phí những người này thường khoanh tay đứng ngoài cuộc.  

- Các công trình sử dụng vốn nhà nước phải chia năm xẻ bảy, có ý kiến nói, vốn thật còn lại ở công trình có thể chưa được một nửa, thậm chí có công trình chỉ còn lại phần ba, ông nghĩ sao?

- Lần này phải thay đổi phương thức quản lý các nguồn vốn, trong đó tập trung quản lý vốn của Nhà nước vì đây là vốn dễ gây thất thoát lãng phí nhất. Với nguồn vốn nhà nước, phải quản lý chặt chẽ về chi phí, chống thất thoát. Trong đó có điều rất quan trọng là phải tập trung quản lý quá trình đầu tư xây dựng cơ bản, từ vị trí công trình, khảo sát, lập dự án, thẩm tra thiết kế cơ sở. Đấy là giai đoạn chuẩn bị xây dựng. Giai đoạn thực hiện xây dựng thì kiểm tra thiết kế kỹ thuật, kiểm tra giám sát quá trình xây lắp, kiểm tra bảo hành bảo trì công trình… để tất cả các giai đoạn phải đảm bảo chất lượng. Trong luật đặc biệt quan tâm tới quản lý của nhà nước, các cơ quan chuyên  môn về xây dựng trong quản lý các công trình mà nhà nước đầu tư đều xác định rõ.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng.

- Vốn đến một công trình phải qua rất nhiều cửa ải, mà mỗi cửa như thế phải rót lại một phần gọi là “lót tay”, chưa kể còn những thủ đoạn rút ruột, đục khoét khác, chi cho ban quản lý cũng rất lớn?

- Đây là một nguyên nhân gây thất thoát. Hiện nay, đất nước ta có hàng nghìn ban quản lý xây dựng vì theo luật hiện hành, ai sử dụng công trình là chủ đầu tư và “người chủ” có quyền thành lập ban quản lý công trình để quản lý các công trình. Điều này chỉ phù hợp với nguồn vốn ngoài nhà nước.  Nguồn vốn ngoài nhà nước thì người ta có tiền và làm chủ đầu tư, quyết định đầu tư để có quyết định phù hợp. Nhưng nguồn vốn nhà nước thì không phù hợp. Cho nên phải khắc phục tình trạng này. Thay vì hàng nghìn chủ đầu tư, ban quản lý như vậy trong khi chúng ta lại có quá ít người có đủ năng lực để quản lý về đầu tư xây dựng, kỹ thuật xây dựng và nghiệp vụ thì cần giải pháp gì?

Việc chia ra nhiều ban quản lý chắc chắn mỗi ban quản lý chất lượng sẽ thấp. Mặt khác, ban quản lý này chỉ tồn tại khi công trình còn, khi xây dựng xong công trình thì ban quản lý cũng giải thể. Đấy cũng là nguyên nhân dẫn đến trách nhiệm của ban quản lý này không cao. Khắc phục tình trạng này, trong Luật Xây dựng sửa đổi yêu cầu phải thành lập các ban quản lý chuyên nghiệp, trong đó có ban quản lý khu vực, ban quản lý chuyên ngành.

- Như vậy có nghĩa là sẽ gộp các ban quản lý?

- Tại các địa phương, trên tỉnh có vốn ngân sách thì chỉ cần các ban quản lý chuyên ngành về dân dụng, trong đó bao gồm y tế, giáo dục, các công trình công cộng… Một ban quản lý công trình về giao thông; ban quản lý công trình nông nghiệp, nông thôn… Chúng ta làm như vậy chắc chắn ít ban quản lý nhưng sẽ tồn tại lâu dài, tăng được chất lượng, năng lực. Ngoài ra, do kéo dài thời gian nên trách nhiệm của ban này cũng được tăng lên. Khi nào có sự cố thì ban quản lý đó vẫn còn tồn tại và phải có trách nhiệm tới cùng về sự tồn tại của công trình.

- Vậy là, ngay cả khi công trình đã đi vào sử dụng, ban quản lý vẫn phải chịu trách nhiệm?

Cầu đi bộ đường Nguyễn Chí Thanh xây xong chỉ để… ngắm!

- Không chỉ trong quá trình xây dựng mà khi xây dựng xong rồi, đưa vào khai thác sử dụng các ban quản lý này vẫn phải có trách nhiệm.

- Việc cấp phép sẽ như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Cấp phép xây dựng công trình là yêu cầu bắt buộc vì công trình xây dựng không như các sản phẩm khác. Công trình đầu tư nhiều tiền lại không hình thành ngay được mà phải mất nhiều thời gian; công trình vốn lớn, thời gian kéo dài… nếu có sự cố sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, tính  mạng người dân. Ngoài ra, còn liên quan đến đất đai. Nếu xây dựng không đúng đất của mình thì còn ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác. Cho nên, cấp phép là bắt buộc nhưng không phải công trình nào cũng phải cấp phép. Những công trình như nhà dân ở nông thôn thì không phải cấp phép. Nhưng những công trình nhà dân ở đô thị thì phải theo qui hoạch, có kiểu dáng kiến trúc để đảm bảo mỹ quan đô thị và không ảnh hưởng đến người xung quanh… do đó đòi hỏi phải cấp phép.

- Nhiều công trình ở đô thị phải xin phép khiến các quan chức xây dựng quận, phường vòi vĩnh, làm khó người dân? 

- Điều kiện cấp phép là bắt buộc, tuy nhiên, bắt buộc như vậy nhưng không được phiền hà, phải đảm bảo cho người dân được tiếp cận nếu họ đủ điều kiện thì phải được cấp phép. Trong luật này phải giải quyết được những vấn đề như vậy.

- Nhiều công trình chỉ xây dựng cho có, gây lãng phí lớn như cầu vượt, hầm vượt cho người đi bộ ở Hà Nội, đổ hàng chục tỷ xây rồi bỏ hoang?

- Cho nên phải kiểm soát từ khâu ban đầu. Vì công trình xây dựng thất thoát không chỉ khi ta xây dựng mà từ chủ trương. Chúng ta đặt công trình vào vị trí không phù hợp thì đã có sự lãng phí rất lớn. Chúng ta gọi đó là thất thoát vô hình. Nếu công trình được đặt ở nền đất tốt thì giá rẻ, cũng công trình đó đặt ở nền đất xấu giá sẽ tăng lên rất nhiều. Việc này không bị mất cắp nhưng đã bị lãng phí rất lớn. Hoặc có những công trình không cần thiết phải xây dựng nhưng chúng ta cứ xây dựng thì sẽ lãng phí gần như 100% vì xây dựng xong không sử dụng đến. Cho nên phải quản lý công trình suốt quá trình từ khâu xem xét vị trí đặt công trình, kiểm soát thiết kế cơ sở (cốt lõi của dự án đầu tư, tạo ra hình dáng công trình, công năng công trình), do đó nó quyết định giá cả và hiệu quả sử dụng công trình đó…

Đ.Minh
.
.
.