Cần chủ động phòng ngừa tội phạm, phát hiện, hòa giải các mâu thuẫn

Thứ Năm, 02/01/2020, 19:01
Trong khuôn khổ Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020 của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia diễn ra chiều 2-1 tại Hà Nội, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã đề xuất các vấn đề lớn nhằm tiếp tục kéo giảm tội phạm trong năm 2020, trong đó đặc biệt lưu ý tới các loại tội phạm mới xuất hiện. 


Quyết liệt giải quyết mâu thuẫn, có thể ngăn chặn vụ án hình sự, án mạng

Bộ trưởng Tô Lâm nêu bật vấn đề giải quyết các mâu thuẫn xã hội, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân để không làm phát sinh tội phạm. Theo phân tích đánh giá của Bộ Công an cho thấy, mặc dù số vụ phạm pháp hình sự năm 2019 đã giảm 39% nhưng nhóm tội phạm do nguyên nhân xã hội lại tăng, số vụ giết người do mâu thuẫn, thủ tức tăng 8,5%, hiếp dâm tăng 10,16%, hiếp dâm trẻ em tăng 7,51%. Tính trung bình 5 năm gần đây mỗi năm xảy ra khoảng 1200 vụ giết người, trong đó 90% là do nguyên nhân xã hội, khoảng 20% các vụ là người thân trong gia đình giết hại lẫn nhau. 

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị.

Thành phần đối tượng phạm tội có nhiều thay đổi, số đối tượng phạm tội lần đầu chiếm tỉ lệ trên 81%, số đối tượng này phần lớn không nằm trong diện quản lý nghiệp vụ của Bộ Công an nên phòng ngừa rất khó khăn. “Trong nhiều vụ án, nếu các cấp, các ngành quyết liệt hơn trong việc giải quyết các mâu thuẫn ngay từ khi mới phát sinh, chúng ta có thể hoàn toàn có thể phòng ngừa các vụ án hình sự và án mạng xảy ra”, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định. 

Từ đó, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các ngành, các địa phương cần chủ động hơn nữa trong việc tham gia công tác phòng ngừa tội phạm, trọng tâm là phát hiện, hòa giải các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, cảm hóa giáo dục đối tượng ngay tại cơ sở, phát huy vai trò của mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể, ngành Tư pháp, ngành Lao động - Thương binh - Xã hội; tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật của người dân, hạn chế những ấn phẩm độc hại, đồi trụy, bạo lực trên Internet có tác động đến lối sống của giới trẻ.

Cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa đối với người nghiện ma túy

Xoay quanh vấn đề quản lý người nghiện ma túy, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, ma túy là tội phạm của các loại tội phạm. Khi đối tượng nghiện ma túy đã lên cơn nghiện thì không từ bất cứ thủ đoạn nào để có ma túy sử dụng. Điều đáng lo ngại hiện nay là số lượng người nghiện ma túy ở nước ta tiếp tục gia tăng, mỗi năm khoảng 5.000 người. Một phần lớn số người nghiện ma túy đang ở ngoài xã hội, gây nên sự bất an trong nhân dân. Nhưng chính gia đình người nghiện ma túy lại cũng là những người lo lắng và bất an nhất khi không biết điều gì đang xảy ra với gia đình mình.

Cơ quan chức năng đang kiểm đếm lô ma tuý đá 300 kg trong đường dây ma tuý xuyên quốc gia bị triệt phá ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 20-3-2019.

Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng đã đến lúc cần có những giải pháp mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa đối với người nghiện. Bộ Công an đã đề nghị Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội tham mưu Chính phủ chỉ đạo tổng kết đánh giá các hình thức cai nghiện hiện nay theo tinh thần Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị, từ đó đề xuất các hình thức cai nghiện hiệu quả nhất, nhất là coi trọng hình thức cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện tập trung. Trong khi chờ tổng kết công tác tìm ra giải pháp mới, Bộ Công an đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo các ngành, các cấp có biện pháp quản lý chặt chẽ người nghiện đang ở ngoài xã hội nhằm giảm thiểu nguy cơ phát sinh tội phạm.

“Tín dụng đen” còn tiềm ẩn nhiều phức tạp

Về vấn đề tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá, năm 2019 chúng ta đã đấu tranh quyết liệt với loại tội phạm này. Tín dụng đen cũng là nguyên nhân nảy sinh tội phạm, bởi từ tín dụng đen sẽ dẫn đến các hành vi thuê người, đòi nợ thuê, đâm chém đe dọa. Từ khi thực hiện Chỉ thị số 12 của Thủ tướng chính phủ về chỉ đạo tăng cường công tác này, các cấp các ngành và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt hơn trong vấn đề giải quyết tín dụng đen. 

Lực lượng công an cũng đã đấu tranh quyết liệt, triệt phá hàng trăm băng ổ nhóm tội phạm liên quan đến tín dụng đen, qua đó góp phần răn đe xử lý tội phạm. Nhìn chung hiện nay tội phạm tín dụng đen đã được đẩy lùi một bước, không còn công khai trắng trợn như trước. Nhiều cơ sở đã tạm ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên vân đề này vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, có thể bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào nếu chúng ta không tiếp tục quyết liệt trong phòng ngừa và đấu tranh. 

Các đại biểu tham dự Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020 của Ban chỉ đạo 138/CP và Ban chỉ đạo 389 quốc gia diễn ra chiều 2-1 tại Hà Nội.

Theo thống kê hiện nay trên toàn quốc có khoảng 23.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, trong đó có khoảng 40.000 cơ sở có dấu hiệu hoạt động cho vay thế chấp trái phép và 1.500 cơ sở kinh doanh tài chính trái phép dưới nhiều hình thức khác nhau. Thời điểm gần Tết cũng là thời điểm tín dụng đen siết nợ, đòi nợ thuê hoạt động nhiều nhất. Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng công an toàn quốc triển khai cao điểm trấn áp tội phạm để bảo vệ tết, trong đó trọng tâm là không để các băng nhóm tín dụng đen hoạt động diễn ra phức tạp.

 Bộ trưởng Tô Lâm cũng nhận định, hoạt động cho vay qua mạng Internet cũng có thể coi là một biến tướng của tín dụng đen, nhưng chúng ta chưa có hành lang pháp lý để quản lý hoạt động này. Bộ Công an cũng đã có những kiến nghị, giải pháp để xử lý vấn đề này. 

Cần có biện pháp xử lý các loại tội phạm mới

Vấn đề phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm do người nước ngoài gây ra tại các địa bàn tại Việt Nam được Bộ trưởng Tô Lâm nhắc đến từ thực tế năm 2019, số người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam tăng khoảng 17 triệu lượt. Tình trạng người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam cũng tăng trên nhiều lĩnh vực như tội phạm sử dụng công nghệ cao, ma túy, mại dâm, buôn bán người, lừa đảo, trộm cắp, giết người, cướp của; xảy ra trên nhiều địa bàn nhất là địa bàn có người nước ngoài sinh sống.

Hiện trong các trại giam của Bộ Công an đang quản lý khoảng 500 tội phạm là người nước ngoài của 25 nước trong khu vực. Lực lượng công an đã chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể, tăng cường các giải pháp quản lý, phòng ngừa, đấu tranh các hành vi vi phạm pháp luật do người nước ngoài gây ra và đạt được kết quả tích cực.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, công tác quản lý người nước ngoài liên quan tới trách nhiệm của nhiều bộ ngành khác nhau, tuy nhiên nhiều bộ ngành, UBND các địa phương chưa xác định rõ trách nhiệm của mình, chưa quan tâm đúng mức, thậm chí coi nhẹ công tác quản lý người nước ngoài, chưa chỉ đạo thực hiện nghiêm Nghị định số 64 ngày 6-8-2015 của Chính phủ. 

Theo thống kê, sau 4 năm, vẫn còn 19 địa phương chưa ban hành quy chế phối hợp về quản lý người nước ngoài theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ. Từ đó dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp lợi dụng cấp phép lao động cho người nước ngoài, gây khó khăn cho hoạt động quản lý của cơ quan chức năng. 

Ảnh minh hoạ: Cảnh sát hình sự Hưng Yên thu giữ vật chứng thu giữ một vụ án liên quan đến tội phạm mạng.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng nhắc tới một vấn đề mới, đó là vấn đề đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng, coi đây là thách thức lớn nhất với chúng ta hiện nay, không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới. “Trên thế giới thực có loại tội phạm gì, trên không gian mạng sẽ có loại tội phạm đó. Tội phạm đang chuyển từ thế giới thực sang không gian mạng”, Bộ trưởng Tô Lâm nhận định. Nhiều loại tội phạm phức tạp cố tình tung tin giả, tuyên truyền xuyên tạc bôi nhọ nhằm mục đích chống phá Đảng, nhà nước, phát tán văn hóa phẩm đồi trụy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán vũ khí, cờ bạc, cá độ bóng đá...

Để giải quyết vấn đề này, theo Bộ trưởng Tô Lâm, rất cần sự phối hợp của các cấp các ngành và cả hệ thống chính trị, đồng bộ với các giải pháp như tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân và doanh nghiệp, rà soát hoàn thiện hệ thống pháp luật trọng tâm là thực hiện Luật An ninh mạng, giải pháp vè mặt kỹ thuật nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý của các cơ quan chuyên môn, tăng cường hợp tác quốc tế. 

Bộ Công an đề nghị các bộ ngành, nhất là Bộ Thông tin - Truyền thông tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Công an trong công tác này; đề nghị UBND các địa phương cần nhận thức rõ nguy cơ, thách thức của loại tội phạm công nghệ cao để đưa ra các biện pháp, hướng dẫn phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này.

C.Trung - A.Nhiên
.
.
.