Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ:

Bộ trưởng Tài chính thừa nhận việc điều chỉnh chu kỳ tính giá xăng dầu còn “rụt rè”

Thứ Tư, 11/06/2014, 08:46
Lần đầu trả lời chất vấn trước Quốc hội, lại là người khai màn, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng được các đại biểu “ưu ái” với khá nhiều câu hỏi chất vấn. Người đứng đầu ngành Tài chính tỏ ra khá bình tĩnh để trả lời, dù nhiều chỗ bị đại biểu đánh giá còn dàn trải.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng “gom” ngay đợt chất vấn đầu với hơn 10 câu hỏi của 5 đại biểu. Điều hành chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã có sự chỉnh lý ngay khi đề nghị Bộ trưởng Tài chính lược bỏ những câu hỏi dài dòng, không trúng chủ đề (có thể trả lời bằng văn bản) nhằm dành thời gian hỏi đáp nóng tại nghị trường. Chính Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã khơi nóng diễn đàn bằng những câu hỏi cũ nhưng theo bà, câu trả lời vẫn chưa thỏa đáng.

Bà Nga tỏ ra gay gắt: “Tôi đã nhiều lần lên tiếng trước Quốc hội về lợi ích nhóm, thiếu minh bạch trong kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính hứa nhiều lần, tôi cũng nhiều lần đòi nợ mà không có kết quả. Việc sửa Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu đến nay thế nào, hiện có đề xuất đưa việc điều hành giá xăng dầu về Bộ Công thương, khác nào vừa đá bóng, vừa thổi còi? Vậy trách nhiệm của Bộ Tài chính đến đâu?” - đại biểu tỉnh Thái Nguyên chốt. Bà cũng cho rằng, yếu kém trong tạm nhập, tái xuất xăng dầu còn nhập nhèm để doanh nghiệp lũng đoạn gây thất thu thuế. Kỳ trước, “tôi đã đề nghị Bộ trưởng Tài chính và Công thương cho biết trách nhiệm, đến nay hai Bộ đã làm gì để khắc phục tình trạng này”.

Về Nghị định 84, trách nhiệm của Bộ Tài chính đến đâu? Bộ trưởng nói, trong điều hành thực hiện Nghị định cơ bản đáp ứng yêu cầu, đó là điều hành giá xăng dầu theo thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Hiện người dân đã quen với diễn biến giá xăng dầu. Trước đây, có sự giật cục vì mục tiêu kiềm chế lạm phát, kìm giá quá lâu sau đó lại tăng mạnh. Còn như hiện nay không còn giật cục, tránh gây sốc với thị trường.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính cũng thừa nhận có những vấn đề không ổn, cần phải sửa đổi Nghị định 84.

Xăng dầu liên quan toàn dân nên việc sửa đổi phải thận trọng, không thể làm ẩu.

Việc sửa Nghị định do Bộ Công thương chủ trì, Bộ Tài chính chỉ tham gia phối hợp, hiện đang “cố gắng hoàn thiện”. Trong đó có điều quan trọng là rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá để bám sát thị trường, giữa hai đợt tăng giá trước là 15 ngày, nay rút còn 10, chu kỳ tính giá cơ sở trước là 30, nay rút xuống 15. “Tôi cho rằng, việc điều chỉnh chu kỳ này còn “rụt rè”, cần phải mạnh dạn hơn” - ông nói. Theo Bộ trưởng, điều hành xăng dầu còn nhiều chuyện, các doanh nghiệp cũng còn nhiều việc phải bàn, nhưng việc điều hành, quản lý giá là phải uyển chuyển. Qua những đợt doanh nghiệp điều chỉnh giá đã xuất hiện yếu tố cạnh tranh, tức có sự khác nhau về mức giá, điều đó là có lợi cho người tiêu dùng.

Trả lời bổ sung, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, việc thực hiện Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu là khả quan, dù còn những bất cập phải điều chỉnh. Ông nói, xăng dầu liên quan toàn dân, toàn nền kinh tế nên việc sửa đổi thế nào phải thận trọng, không thể làm ẩu. Có 3 nội dung chính, đó là bám sát thị trường xăng dầu thế giới như tần suất điều chỉnh, thời gian xác định giá cơ sở. Tạo thêm điều kiện hoạt động kinh doanh xăng dầu, thêm nhiều đầu mối để tránh độc quyền. Ông thừa nhận, hiện nay chưa đủ để tạo thế cạnh tranh, tới đây tính đến phương thức mua lại doanh nghiệp, rồi sử dụng quỹ bình ổn và sử dụng nhiên liệu sinh học thay thế.

Trả lời chất vấn đại biểu Lê Thị Nga về việc chuyển quản lý giá từ Bộ Tài chính sang Bộ Công thương, ông Vũ Huy Hoàng nói: “Thực ra tôi cũng không muốn sự chuyển đổi này”. Ông lý giải, Bộ Công thương chỉ là tổ trưởng tổ điều hành giá liên ngành, cũng không có thẩm quyền quyết định mà chỉ là đầu mối, rồi báo cáo Thủ tướng quyết định. Thủ tướng đã phân công Bộ Công thương làm đầu mối thì phải phối hợp Bộ Tài chính để quản lý, điều hành linh hoạt. Các đầu mối, doanh nghiệp xăng dầu phải công khai, mà không chỉ công khai về giá xăng dầu. Đó còn là cơ chế hoạt động, tiền lương, tình hình kinh doanh lời lãi...

Nghe hai Bộ trưởng trả lời, đại biểu Nga nói hài lòng. Tuy nhiên, bà đứng dậy hỏi lại: Vì sao lại chuyển quyền điều hành giá về Bộ Công thương, bởi vì Bộ này là cơ quan chủ quản của doanh nghiệp xăng dầu, cũng là cơ quan chủ quản của đơn vị quản lý thị trường... Cho nên, nó có xung đột về quyền lợi, nghĩa vụ, cho nên khó mà khách quan. Bà cũng nói, việc sửa Nghị định 84 cẩn trọng là cần, nhưng cẩn trọng gì thì cũng phải có thời hạn, cẩn trọng mà kéo dài hơn 3 năm chưa xong là không thể được... Bà cũng cho hay đã có thư gửi EVN, cử tri, người dân cả nước mong muốn EVN gương mẫu trong chấp hành pháp luật, gương mẫu trong điều hành giá điện. Những câu hỏi thẳng thắn của đại biểu Lê Thị Nga được nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm đồng tình.

Không chỉ bức xúc về giá xăng dầu, giá điện, nhiều chất vấn cũng gửi tới Bộ Tài chính trách nhiệm quản lý giá thuốc khi để mảng giá này trôi nổi, người bệnh bị bắt chẹt giá thuốc. Có hay không sự bao che, tiếp tay của ngành thuế để tình trạng nợ đọng, trốn thuế gia tăng? Trả lời điều này, ông Đinh Tiến Dũng thừa nhận những tiêu cực trong cơ quan thuế và “chúng tôi đã chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc, từ khiển trách đến cảnh cáo về hành chính”.

Dù đã có báo cáo về tình hình nợ công gửi đại biểu Quốc hội trước đó nhưng không vì thế câu hỏi mảng này giảm nhiệt. Đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) nghi ngờ: “Nợ công có thực sự an toàn không, giải pháp nào đảm bảo an ninh tài chính quốc gia?”. Không vòng vèo, Bộ trưởng Tài chính nói thẳng: “Nợ công vẫn trong ngưỡng an toàn”, kèm đó, ông viện dẫn khá dài các thông số về tình hình nợ công để minh chứng kết luận trên.

Cuối chiều, dành khoảng thời gian ít phút trong trả lời chất vấn, ông Đinh Tiến Dũng muốn trải lòng trước Quốc hội sau một năm nhậm chức. Bộ trưởng chia sẻ: “Tôi về làm Bộ Tài chính, tôi thấy nhiều bài học thấm thía”. Chẳng hạn, đó là bài học tình hình thế nào thì đề xuất giải pháp tương ứng. Rồi phải làm tốt hơn việc phối hợp. “Tài chính là ngành dọc, nếu cấp ủy, chính quyền địa phương mà ngoài cuộc thì chúng tôi thất bại. Sơ kết 6 tháng, chúng tôi có thư gửi các địa phương, đôn đốc thu ngân sách. Các địa phương không đề cao trách nhiệm thu chi ngân sách thì Bộ Tài chính có cố gắng cũng khó làm được” - ông trải lòng.

Giao Bộ Công thương quản lý giá là không được

Hai lần đứng dậy chất vấn về giá xăng dầu, đại biểu Lê Thị Nga vẫn tỏ ra còn nhiều điều muốn nói mà chưa nói hết được trước diễn đàn Quốc hội.

- Có đúng là bà còn bức xúc?

Bức xúc thì bức xúc rồi, tôi đã nhiều lần chất vấn việc này nhưng chưa thực hiện đến nơi đến chốn thì phải chất vấn để làm rõ trách nhiệm.

- Nhiều lần chất vấn, thế lần này liệu đã hài lòng?

Về cơ bản, tôi thấy Bộ trưởng đã trả lời sát. Duy có vấn đề việc đưa quản lý giá về Bộ Công thương là bất hợp lý. Tôi không đồng ý việc đó. Bộ Công thương quản lý doanh nghiệp, cơ quan quản lý thị trường cũng thuộc Bộ này, nay lại quản lý giá nữa thì làm sao khách quan?

- Theo bà, vì sao thị trường xăng dầu vẫn méo mó?

Muốn kinh doanh xăng dầu đáp ứng yêu cầu phải đảm bảo các yếu tố thị trường. Chỉ khi có đủ các yếu tố thị trường thì mới có thể thả giá, còn khi chưa đảm bảo mà để doanh nghiệp định giá sẽ làm méo mó thị trường.

Đăng Minh
.
.
.