Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận việc học ngoại ngữ ở ta “không giống ai”

Thứ Tư, 11/06/2014, 14:19
Đáp lại câu hỏi của đại biểu việc vì sao Bộ GD&ĐT bỏ thi bắt buộc môn ngoại ngữ, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phân trần: “cách dạy, học và cách thi môn ngoại ngữ hiện nay ở Việt Nam không giống ai trên thế giới”

Vụ Bộ GD&ĐT bất ngờ bỏ thi bắt buộc môn ngoại ngữ sau hơn 20 năm áp dụng khiến đại biểu Quốc hội lo lắng. Đại biểu Phạm Thị Hải (Đồng Nai) hỏi lý do vì sao lại chuyển môn ngoại ngữ (tiếng Anh) từ môn thi bắt buộc sang không bắt buộc tại kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, trong khi lâu nay đã định hình thói quen trong nhiều thế hệ học sinh rằng ngoại ngữ là thi bắt buộc? Đã nói điều này tại nhiều hội họp nên Bộ trưởng Luận  nói ngay, trong quá trình xây dựng đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, Bộ đã tổ chức khảo sát các môn học và thấy rằng “cách dạy, học và cách thi môn ngoại ngữ hiện nay ở Việt Nam không giống ai trên thế giới. Cách dạy và học ngoại ngữ vẫn chú trọng về ngữ pháp cho nên học hết phổ thông học sinh không nói được, không nghe được và không hiểu được”. Ông viện dẫn, các giáo viên dạy ngoại ngữ trong các nhà trường hiện nay của ta chưa đạt chuẩn. Tại các thành phố lớn, các học sinh được theo học ở các trung tâm ngoại ngữ quốc tế phát âm rất chuẩn, nhưng đến lớp lại bị giáo viên chê là không ổn! Vì thế, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng ngành giáo dục  cần phải thay đổi cách dạy và cách học ngoại ngữ. “Tuy nhiên, trong khi chúng ta chưa thay đổi được thì không khuyến khích thi tốt nghiệp bằng môn ngoại ngữ theo cách dạy và học ngoại ngữ hiện nay. Việc đổi mới cách dạy và học ngoại ngữ để việc đào tạo môn ngoại ngữ đi đúng hướng, đạt được thành công, chấm dứt tình trạng học sinh nhận được bằng, nhận được chứng chỉ tốt nghiệp nhưng không sử dụng được ngoại ngữ vào công việc thực tiễn” - ông nói.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận thực trạng dạy học ngoại ngữ yếu kém.

Bộ trưởng cũng cho hay, quy định môn ngoại ngữ là môn thi bắt buộc nhưng không phải là bắt buộc hoàn toàn, không bắt buộc ở những địa phương chưa có điều kiện. Việc đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ sẽ được điều chỉnh và hiện Bộ đang tập trung vào khâu đào tạo lại đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ ở các nhà trường, sau đó sẽ có chương trình và bộ sách giáo khoa mới, có cách dạy mới, cách học mới... Chỉ khi đạt được các yêu cầu đó mới tổ chức việc thi ngoại ngữ bắt buộc...

Tuy nhiên, có đại biểu cho rằng, nếu không bắt buộc thì lẽ ra phải bỏ từ lâu chứ không phải đợi tận bây giờ. Hơn 20 năm trước, khi chúng ta mới hội nhập, việc học còn khó khăn, thế mà thế hệ học sinh ngày đó đã phải thi bắt buộc môn ngoại ngữ. Đến nay, khi điều kiện đã đầy đủ hơn rất nhiều thì bất ngờ Bộ lại cho thôi. Như vậy là càng phát triển thì học ngoại ngữ càng thụt lùi?

Trả lời câu hỏi về trách nhiệm liên quan đến hơn 72.000 cử nhân thất nghiệp, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói rằng, Bộ GD&ĐT và các trường nằm trong phần cung của thị trường lao động. Vì vậy, ông thừa nhận, để một lượng lớn sinh viên thất nghiệp có trách nhiệm của Bộ do trong thời gian dài đã chú trọng quy mô mà chưa đảm bảo chất lượng, các ngành đào tạo lại chưa gắn liền với thực tế sản xuất. Để khắc phục tình trạng trên, Bộ hạn chế việc mở ngành mới trong các lĩnh vực thị trường đã bão hòa nhân lực như kinh doanh, tài chính, ngân hàng, sư phạm. Ngoài ra, các điều kiện để thành lập trường mới được nâng cao, kiểm tra thường xuyên. Vừa qua, Bộ cũng đã có quyết định dừng tuyển sinh nhiều ngành để yêu cầu củng cố cơ sở vật chất, giảng viên cơ hữu...

Đăng Trường
.
.
.