Bộ trưởng Bộ Lao động: Điều chỉnh tiền lương để bù trượt giá

Thứ Tư, 08/04/2009, 15:35
Bộ trưởng Bộ Lao động khẳng định việc điều chỉnh tiền lương đảm bảo với thực tế. “Chúng ta không thể để đời sống của người lao động hưởng lương từ ngân sách thấp so với giá cả thị trường”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
>> Lương tối thiểu chung tăng lên 650.000 đồng

Từ 1/5/2009, lương tối thiểu sẽ tăng lên 650.000đ/ tháng. Phóng viên CAND Online có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân về lý do và tác động xã hội của lần tăng lương này.

- Thưa Bộ trưởng, vì sao Chính phủ quyết định tăng lương vào thời điểm 1/5 năm nay?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân: Việc tăng lương nằm trong lộ trình được thực hiện từ năm 2008. Năm nay chúng ta sẽ thực hiện tiếp theo nhưng do năm 2008 gặp nhiều khó khăn, vì vậy đi trước một bước với đối tượng hưu trí, và người có công, cũng như trợ cấp cho công chức viên chức (CCVC) có hệ số lương thấp.

Bây giờ mới thực hiện cho đối tượng là CCVC, lực lượng vũ trang đang làm việc như vậy đã chậm 8 tháng so với những người đã nghỉ hưu cũng như người có công. Vì thế, lần này nâng mức tối thiểu chung từ 540.000 đồng/ tháng lên 650.000đ và áp dụng cho tất cả các đối tượng đang  hưởng lương ở khu vực Nhà nước.

Tháng 10/2008 chúng ta đã nâng trước một bước 15% cho đối tượng là những người hưởng lương hưu. Như vậy, cán bộ hưu trí có tốc độ tăng cao hơn vì 5% lần này là tăng trên tổng số đã tăng trước đó. Với quan điểm là chăm lo cho người đã nghỉ hưu, người có công, thu nhập thấp thì Chính phủ đã có cách xử lý về tiền lương rất phù hợp tạo sự đồng thuận rất cao với xã hội.

Trước hết nghe thì cứ tưởng là tăng lương nhưng thực ra chúng ta đang điều chỉnh tiền lương đảm bảo với thực tế. Bởi vì tiền lương chúng ta đang hưởng hiện đã bị trượt giá 20% nếu tính đến bây giờ thì có thể hơn. Vì vậy phải điều chỉnh lương bù đắp cho trượt giá đảm bảo lương thực tế cho người lao động hưởng lương Nhà nước.

- Thưa Bộ trưởng, vậy ngân sách chi lương sẽ bị ảnh hưởng như thế nào  khi tăng lương?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân: Ngân sách thì đã được chuẩn bị trước vì lộ trình này đã được thông qua tất cả mức hưởng, thời điểm điều chỉnh, nguồn trả lương đã được chuẩn bị trước trong dự toán ngân sách được Quốc hội thông qua đã có cả khoản này.

Còn với doanh nghiệp, chúng ta cũng đã điều chỉnh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước khác. Việc điều chỉnh có tăng chi phí đầu vào với doanh nghiệp nhưng chủ yếu số lượng không lớn liên quan đến việc nộp BHXH, BH Y tế, chế độ trợ cấp mất việc ... chứ còn lương thực tế của người lao động thuộc khu vực này phụ thuộc vào hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp.

- Vậy Bộ có tính đến tác động của việc tăng lương đến đời sống xã hội không, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân: Với số lượng người hưởng lương từ ngân sách chỉ 6- 8 triệu người thì không chi phối đến 46 triệu lao động trên cả nước nên nói tăng lương làm tăng giá là không phải. Chúng ta chỉ được bù đắp một phần là tương đương với mức trượt giá của 2008.

Tôi cho rằng việc điều chỉnh lương là việc làm đúng, chúng ta không thể  để đời sống của người lao động hưởng lương từ ngân sách thấp so với giá cả thị trường. Việc điều chỉnh lương theo hướng tăng lên sẽ tạo không khí phấn khởi bù đắp được một phần trượt giá, đảm bảo cuộc sống và thu nhập thực tế của người lao động.

Nếu ở đâu đó lợi dụng tình hình điều chỉnh lương để tăng giá thì đó là việc làm sai trái, cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm về mặt quản lý nhà nước để không làm ảnh hưởng đến đời sống người lao động. 

Về đời sống xã hội chắc chắn mọi người sẽ phấn khởi dù mức tăng không cao lắm, mức tăng tối thiểu hơn 100.000đ còn tối đa khoảng 1 triệu đồng.

- Trong lúc các doanh nghiệp đang chịu tác động của khủng hoảng kinh tế thì tăng lương có ảnh hưởng đến lao động việc làm không, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân: Từ đầu năm Chính phủ đã ban hành nghị định điều chỉnh về lương tối thiểu theo vùng đối với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tức là DN trong nước lương tối thiểu tăng từ 650.000đ lên 800.000đ/tháng, còn doanh nghiệp nước ngoài từ 920.000đ lên 1,2 triệu đồng/tháng.

Việc này cũng theo lộ trình cải cách tiền lương và tiến tới thống nhất mức lương tối thiểu đối DN vốn đầu tư trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài cho đến 2012 .

Còn việc ảnh hưởng hay không khi trong nước thiếu việc làm thì lại tăng lương. Về mặt điều chỉnh tăng lương thì doanh nghiệp buộc phải cân nhắc về chi phí đầu vào do đó phải thông báo trước để họ chuẩn bị  sản xuất kinh doanh còn bắt buộc thì họ không được trả thấp hơn mức lương tối thiểu quy định.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp chi trả cao hơn lương tối thiểu một chút thôi khiến đời sống người lao động khó khăn nhưng đa số đều thực hiện tốt . Đó chỉ là căn cứ để họ tính mức tối thiểu thôi chứ còn lương của người lao động thực tế dựa trên kết quả sản xuất kinh doanh.

Mất việc chủ yếu do suy thoái kinh tế toàn cầu và chúng ta bị ảnh hưởng. Còn việc điều chỉnh lương tối thiểu theo từng năm quốc gia nào cũng làm  để bù đắp do tăng trưởng đất nước, do hiệu quả kinh tế năng suất lao động, và trượt giá.

 - Xim cảm ơn Bộ trưởng!

Nguyễn Thiêm (ghi)
.
.
.