Bố trí mỗi sở thuộc Hà Nội (mới) 1 cấp trưởng, cấp phó giữ nguyên

Thứ Năm, 17/07/2008, 07:46
Nhấn mạnh "công việc đầu tiên sau khi hợp nhất là chúng ta phải sớm ổn định và kiện toàn bộ máy tổ chức", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết: Để ổn định bộ máy, đối với các sở, ban, ngành cấp trưởng chỉ một, còn cấp phó giữ nguyên hiện trạng. Trên cơ sở đó sẽ kiện toàn và sắp xếp lại sau. Vừa qua, Bộ Chính trị và Trung ương đã cho phép tăng cường thêm 1 phó bí thư, 1 phó chủ tịch cho các quận, huyện.

Bên lề kỳ họp thứ 15 HĐND TP Hà Nội khóa XIII ngày 16/7, những vấn đề được báo giới đặc biệt quan tâm là công tác sắp xếp bộ máy tổ chức, cán bộ, việc chuẩn bị con dấu để các hoạt động dân sự của người dân Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình) không bị xáo trộn. Đặc biệt, công tác phối hợp giữa lãnh đạo tỉnh Hà Tây và TP Hà Nội trong việc chuẩn bị hợp nhất cũng là một trong những nội dung "nóng" thu hút sự chú ý của dư luận.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã có cuộc trao đổi cởi mở với các phóng viên xung quanh những vấn đề trên.

Phóng viên: Xin ông cho biết, công tác sắp xếp bộ máy tổ chức, nhân sự của Hà Nội mới hiện đang được chuẩn bị đến đâu?

Ông Nguyễn Thế Thảo: Chúng tôi đang thực hiện theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ. Hiện nay, về phía UBND TP Hà Nội đang chuẩn bị một kế hoạch về công tác sắp xếp tổ chức bộ máy theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Chúng tôi cũng đang làm việc với Bộ Nội vụ để trình Thủ tướng Chính phủ trong những ngày tới.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội trả lời phóng viên các báo sáng 16/7. Ảnh: N.Y.

Phóng viên: Việc bố trí các trụ sở của các cơ quan công quyền đến nay đã được ấn định cụ thể chưa, thưa ông? 1/3 các cơ sở sẽ phải chuyển trụ sở về Hà Đông là những cơ quan nào, có xảy ra tình trạng quá tải khi dồn hai cơ quan làm một?

Ông Nguyễn Thế Thảo: Việc bố trí trụ sở sẽ theo chủ trương dựa trên các cơ sở hiện có của Hà Nội và Hà Tây. Công tác sắp xếp đòi hỏi phải đảm bảo hợp lý, chủ trương là giảm thiểu tối đa sự xáo trộn lớn. Đương nhiên là sẽ có xáo trộn trong việc di chuyển các sở, ban, ngành. Một bộ phận phải đi xuống Hà Đông, một bộ phận phải đi lên Hà Nội. Đây là một bài toán hoán vị làm sao để tính toán hợp lý nhất.

Cụ thể, ở Hà Nội sẽ chủ yếu là trung tâm lãnh đạo đầu não chính trị của Thủ đô, cộng với  có cơ quan tham mưu sát thực với bộ máy lãnh đạo này. Còn lại các sở, ban, ngành cơ quan chức năng khác thì có thể phải xuống dưới Hà Đông. Riêng các nơi tiếp dân hoặc diễn ra các hoạt động dân sự thì phải nghiên cứu rất kỹ, có thể đặt ở một vài nơi để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.

Sẽ không có chuyện quá tải về trụ sở, ví dụ Sở NN&PTNT Hà Nội mới sẽ không nhất thiết phải ngồi tại trụ sở của Sở NN&PTNT Hà Tây mà có thể ngồi tại các cơ sở khác rộng rãi, có thể bố trí để thuận tiện cả về người và trang thiết bị.

Một chủ trương nữa khi thực hiện di chuyển, sắp xếp trụ sở là chống hai khuynh hướng: không để thất thoát tài sản và tránh mua sắm mới trang thiết bị, phải tận dụng tối đa tất cả hiện có.

Phóng viên: Vậy theo ông, khi hợp nhất, công việc đầu tiên của lãnh đạo UBND Hà Nội mới là gì?

Ông Nguyễn Thế Thảo: Hiện nay, theo Nghị quyết, Hà Nội cùng các địa phương liên quan là Hà Tây, Hòa Bình đang làm các hồ sơ thủ tục về điều chỉnh địa giới, con dấu của các đơn vị nhập vào... Về phía Hà Nội, các cấp, các ngành đều đang hết sức tích cực, chủ động phối hợp với tỉnh Hà Tây, tỉnh Hòa Bình.

Vừa qua, Thành ủy Hà Nội mới đã ra văn bản yêu cầu các cơ quan tương ứng của Hà Nội, Hà Tây chủ động phối hợp với nhau để gặp gỡ, trao đổi công việc đã làm, sắp tới phải làm, bàn bạc sắp xếp việc phân công nhân sự thuộc thẩm quyền được phân cấp... để khi quyết định sáp nhập có hiệu lực là công việc có thể bắt tay vào ngay.

Trước tiên, công việc đầu tiên sau khi hợp nhất là chúng ta phải sớm ổn định và kiện toàn bộ máy tổ chức, ổn định được tư tưởng, tổ chức chính trị, động viên, khích lệ được tinh thần, tư tưởng của cán bộ, công chức hoàn thành kế hoạch 5 tháng cuối năm 2008 và chuẩn bị tích cực cho kế hoạch năm 2009.

Để làm tốt công việc sắp tới thì vừa qua, đã có rất nhiều cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo tỉnh Hà Tây với lãnh đạo Hà Nội. Ngay chiều nay (16/7-PV), UBND TP Hà Nội và UBND tỉnh Hà Tây sẽ có một cuộc họp liên tịch bàn nội dung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 tháng còn lại của Hà Nội mới, làm cơ sở chuẩn bị trình Thường vụ, cho kỳ họp thứ 1 của HĐND.

Phóng viên: Một vấn đề được người dân rất quan tâm là sau ngày 1/8, các hoạt động dân sự như làm các thủ tục hành chính (chứng minh nhân dân, giấy khai sinh, công chứng…) có ăn khớp ngay không, thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Thảo: Các cơ quan chức năng đang rất tích cực chuẩn bị để các hoạt động dân sự bức thiết, đến khi có hiệu lực có thể thực hiện được ngay. Nhưng, cũng có thể có một số hoạt động có thể chưa thực hiện được ngay, ví dụ như ngay bây giờ việc thực hiện các con dấu của địa phương như xã, phường, quận, huyện của Hà Tây tưởng đơn giản, nhưng lại không đơn giản, bởi vì phải trên cơ sở thống kê, tổng hợp, sau đó phải có văn bản để chuẩn bị cho Bộ Công an và Bộ Nội vụ. Nhưng để cho Bộ Công an quyết định cấp con dấu mới, thì văn bản pháp lý Nghị quyết của mình lại từ 1/8.

Chính vì vậy, việc làm con dấu mới cũng chưa có cơ sở để làm, đấy là một cái khó. Có lẽ sẽ phải có cơ chế riêng như đề nghị với Chính phủ có cơ chế đặc thù, trong thời gian đầu để tất cả các địa phương nhập vào Hà Nội vẫn được dùng con dấu cũ.

Phóng viên: Sau khi hợp nhất, có những sở sẽ có rất nhiều Phó Giám đốc. Vậy, có xảy ra tình trạng chồng chéo công việc của các phó đang đảm nhiệm công việc tương đồng hay không?

Ông Nguyễn Thế Thảo: Theo chủ trương chung, để ổn định bộ máy, đối với các sở, ban, ngành cấp trưởng chỉ một, còn cấp phó giữ nguyên hiện trạng. Trên cơ sở đó sẽ kiện toàn và sắp xếp lại sau. Vừa qua, Bộ Chính trị và Trung ương đã cho phép tăng cường thêm 1 phó bí thư, 1 phó chủ tịch cho các quận, huyện. Tôi cho là không chồng chéo công việc vì trong các sở có rất nhiều công tác chuyên môn, mỗi đồng chí phó có thể chỉ đảm trách một công việc thôi.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Ngọc Yến
.
.
.